Thời tiết thay đổi đôi khi có thể khiến bạn mệt mỏi. Điều tồi tệ hơn là, bạn có thể tìm kiếm sự thoải mái bằng cách ăn những thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, uống nhiều rượu, hoặc nằm ườn trước tivi cả ngày – những hoạt động này hoàn toàn có thể khiến bạn stress nhiều hơn.
Nhưng có một số điều bạn có thể làm để cải thiện tâm trạng của mình trong khi chờ những ngày ấm áp đến. Đây là 9 thói quen sẽ giúp bạn cảm thấy cân bằng, bình tĩnh và tập trung hơn, đặc biệt là trong những lúc trời lạnh.
1. Giảm hoặc loại bỏ đường
Các nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng nếu bạn ăn quá nhiều đường và đồ ăn vặt, bạn có nhiều khả năng bị lo âu và trầm cảm. Đường làm thay đổi nồng độ serotonin – một loại hormone cần thiết cho một tâm trạng cân bằng.
Bao nhiêu đường là quá nhiều? Nếu bạn thấy mình cứ liên tục vớ lấy mớ bánh kẹo mỗi buổi chiều, và sau đó lại ăn kem sau khi ăn tối, thì đó là những thú vui góp phần vào mức độ căng thẳng, uể oải, và khó chịu của bạn. Hãy thay thế các bữa ăn nhẹ của bạn bằng các loại thực phẩm lành mạnh hơn: trái cây, các loại hạt, hoặc cà rốt.
2. Cắt giảm caffeine
Mỗi tách cà phê có thể làm cạn kiệt lượng serotonin của bạn đến 10 tiếng. Điều đó có nghĩa rằng, nếu bạn uống cà phê trong suốt cả ngày và uống ly cuối cùng vào buổi chiều, bạn sẽ có một ngày thiếu hụt serotonin kéo dài đến buổi tối.
Điều này sẽ không chỉ làm cho bạn cảm thấy khó chịu và lo lắng, mà còn có thể khiến bạn có một đêm khó ngủ, trong khi giấc ngủ là yếu tố cần thiết để có một tâm trạng cân bằng.
Bạn nên có gắng từ bỏ cà phê vào buổi trưa và chuyển sang trà xanh để thay thế. Trà xanh có một lượng nhỏ caffeine kèm theo những lợi ích nhất định với sức khỏe tim mạch. Trà xanh cũng góp phần giảm bớt mỡ thừa.
3. Ăn nhiều rau củ hơn
Chọn cà rốt cho các bữa ăn nhẹ, thêm khoai lang vào bữa ăn chính, hoặc súp cà rốt hoặc salad củ dền. Các loại rau củ là những thực phẩm tuyệt vời có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Rau củ làm tăng nồng độ serotonin và chứa một lượng đường rất nhỏ, vừa giúp bù đắp sự thèm ngọt vừa có lợi cho sức khỏe. Vì vậy hãy thêm rau củ vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.
4. Ăn thức ăn giàu chất béo omega-3
Các axit béo thiết yếu trong cá hồi, quả óc chó, hạt lanh là các loại thực phẩm tuyệt vời để thúc đẩy sản xuất serotonin. Chúng cũng hoạt động như một loại chất làm dịu khi não bộ rơi vào trạng thái lo lắng.
Bạn nên ăn cá hồi 2 lần một tuần, một ít quả óc chó mỗi ngày, và một muỗng canh dầu hạt lanh hàng ngày (bằng cách trộn salad…), và bạn sẽ thấy sự lo lắng của mình tan biến mất. Cùng lúc, tâm trạng và sự tập trung của bạn cũng sẽ cải thiện.
5. Nghỉ ngơi nhiều hơn
Lo lắng và trầm cảm không chỉ gây ra tâm trạng xấu mà còn ảnh hưởng đến sự lựa chọn thực phẩm và thói quen ngủ của bạn. Cũng như việc cải thiện chế độ ăn uống, bạn cũng cần cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Giấc ngủ thư giãn là yếu tố cần thiết cho việc sản xuất serotonin. Ngủ không tròn giấc hoặc không đầy đủ sẽ dẫn đến việc không sản xuất đủ lượng serotonin, khiến bạn muốn lựa chọn những thực phẩm có hại và luôn trong tình trạng lo lắng. Trung bình bạn cần ngủ bảy tiếng một đêm.
Xem thêm bài viết Bí quyết tăng khả năng tập trung
6. Ăn sáng
Bỏ bữa sáng sẽ ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu, khiến cho não “đói” và bạn chỉ muốn lựa chọn những thực phẩm có hại mà thôi. Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nhân bận rộn. Mỗi khi bạn cần làm nhiều việc hay đưa ra quyết định, bạn “cày” hết nhiên liệu của não. Bỏ qua bữa sáng cũng giống như bạn đang “bỏ đói” bộ não của mình trong 12 giờ!
Điều này sẽ dẫn đến sự thiếu tập trung, và bạn không thể đưa ra quyết định một cách sáng suốt. Vì vậy, hãy luôn ăn sáng. Một lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng là trứng ốp-lết hoặc bột yến mạch với các loại hạt và trái cây.
7. Tập thể dục
Nhiều tài liệu đã chứng minh rằng tập thể dục là vô cùng cần thiết cho một tâm trạng cân bằng và hạnh phúc. Trong thực tế, các nghiên cứu liên tục cho thấy tập thể dục là một cách tốt hơn để kiểm soát tâm trạng so với việc dùng thuốc chống trầm cảm.
Thêm vào đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vận động trước khi đến cơ quan sẽ giúp tăng năng suất làm việc đến 40 phần trăm. Thói quen tập thể dục còn có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng và duy trì một sức khỏe tốt.
8. Tiếp xúc vừa đủ với ánh nắng mặt trời
Việc thiếu ánh sáng mặt trời trong những ngày giá lạnh có thể là lý do khiến bạn cảm thấy buồn chán. Ánh nắng cũng rất cần thiết trong việc sản xuất serotonin.
Một cách tuyệt vời để tăng nồng độ serotonin là ra ngoài đi dạo 10 phút vào buổi trưa. Việc này sẽ không chỉ giúp bạn tiếp xúc với ánh sáng, mà cũng có thể mang đến cho bạn những giây phút thư giãn cần thiết trong một ngày bận rộn.
9. Lập kế hoạch trước
Việc thay đổi chế độ ăn uống hoặc lối sống là không dễ dàng, đặc biệt khi bạn đang mang tâm trạng tiêu cực. Một cách để làm cho việc này dễ hơn là lên kế hoạch trước, bằng cách dành ra năm phút mỗi tối trước khi đi ngủ để lên lịch cho ngày hôm sau.
Hãy viết ra những gì bạn sẽ ăn (bao gồm một số đề nghị trên), cùng với ý định tập thể dục và thời điểm trong ngày mà bạn có thể di dạo ngoài trời. Việc này sẽ giúp não bộ của bạn “lên chương trình” cho sự thành công và giúp dễ kiểm soát những việc mà bạn cần làm.
Theo Inc.com
Ghi rõ nguồn ima.edu.vn khi trích dẫn nội dung này
Xem thêm bài viết 8 Bí Quyết Phát Triển Kỹ Năng Sống Tích Cực
Xem thêm bài viết 21 Lời Khuyên Để Thành Công Trong Năm Mới