Nguyên nhân nào khiến bài ‘Tại sao các bà mẹ Trung Hoa là ưu việt?’ đăng trên tờ Wall Street Journal lại gây sóng gió trong dư luận ở Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới kể cả Úc?
Mới đây, bà Amy Chua, người Mỹ gốc Hoa, giáo sư khoa Luật tại Đại học Yale, Hoa Kỳ, đã khiến dư luận xôn xao khi bà cho đăng trên tờ Wall Street Journal bài báo ‘Tại sao các bà mẹ Trung Hoa là ưu việt?’. Bài báo này đã gây nên một ‘trận bão’ phản hồi từ phía độc giả – chưa bao giờ có bài báo nào của Wall Street Journal lại nhận được nhiều ý kiến của người đọc đến thế trong vòng 100 năm qua.
Bài báo này thực ra là phần tóm tắt của cuốn sách vừa được xuất bản tên ‘Chiến trường ca của bà mẹ Hổ’ đề cập tới phương pháp giáo dục con theo tinh thần của người Hoa mà cha mẹ của bà Amy Chua đã dạy bà.
Ngay dưới tựa đề ‘Tại sao các bà mẹ Trung Hoa là ưu việt?’, Wall Street Journal đặt câu hỏi: “Liệu phương pháp giáo dục mà theo đó con cái không được léng phéng chuyện trai gái, không xem tivi, không chơi game và phải tập đàn mỗi ngày nhiều giờ có thể tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc hay không? Và điều gì sẽ xảy ra khi con cái phản kháng lối giáo dục như vậy?”
Chỉ trích
Nhiều độc giả đã gay gắt chỉ trích, thậm chí là thóa mạ bà Amy Chua. Họ không thể nào hiểu nổi đường lối giáo dục hết sức cay nghiệt và quá đáng này. Đào tạo theo kiểu máy móc như vậy thì có ích gì và “ý nghĩa cuộc đời nằm ở đâu?”.
Một số người còn cảm thấy tội nghiệp cho các con của Amy Chua khi phải sống trong môi trường hết sức khắc nghiệt và theo họ đây là những trẻ rất đáng thương.
Một ý kiến khác cho rằng thật là điều ngu ngốc khi cha mẹ bằng mọi cách ép con phải đạt điểm A hoặc đạt điều mà cha mẹ muốn.
Cô Shirley Bubles cho hay cô đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm lại và khám phá chính mình, đi theo con đường của mình chứ không phải của cha mẹ đã chọn.
Cô Julie D., một người Mỹ gốc Việt, kể lại cô cũng gặp cảnh tương tự. Cha cô chủ trương ‘thương cho roi cho vọt’ thì con cái mới nên người. Kết quả là trong mắt Julie D., cha cô là người hay hành hung và cô thù ghét cha đến độ cắt đứt mọi quan hệ với ông.
Anh Mark Nguyễn, sinh ra và lớn lên ở Úc, cho hay anh hoàn toàn không chấp nhận quan điểm của bà Amy Chua. Vợ chồng anh cũng đã đề cập tới vấn đề này và cho rằng không thể áp dụng được, dù có muốn đi chăng nữa.
Đồng ý
Trong khi đó, có những độc giả nhiệt liệt ca ngợi bà Amy Chua và cho rằng bà đã làm đúng. Họ biết ơn khi nhờ cha mẹ họ, những người cứng rắn ‘như bà Chua’, mà họ đã thành đạt và nên người.
Một độc giả tên Bec kể lại cha của bà cũng là người rất nghiêm khắc như bà Chua. Ông rất chặt chẽ trong việc kềm cặp con cái học tập. Mỗi tối bà phải làm 10 bài toán và nếu cứ mỗi bài sai thì lại phải làm thêm 3 bài khác. Sau đó, bà rất giỏi toán và đây là môn học yêu thích của bà ngày còn đi học. Bà Bec cho biết hiện giờ cha bà là “người bạn thân nhất của tôi”. Bà cho hay: “Với kỷ luật và tình yêu thương, tôi sẽ giáo dục con cái tôi y như cách cha tôi giáo dục tôi”.
Một độc giả khác bày tỏ ý kiến đồng ý với quan điểm của Amy Chua khi cho rằng nếu niềm kỳ vọng của cha mẹ đối với con thấp thì những điều con cái đạt được cũng sẽ thấp.
Dung hòa
Một số người cho rằng cần phải dung hòa giữa hai quan điểm giáo dục quá cứng rắn và quá buông thả.
Một độc giả là người phương Tây có vợ là người châu Á. Sau khi cùng con gái lớn đọc bài báo này, ông và con đã “cười phá lên” vì thích thú. Ông khuyên con hãy tìm cách khám phá những điều tốt đẹp nhất của hai thế giới trái cực. Ông vẫn ủng hộ việc tập kịch hoặc chơi thể thao nhưng đồng thời vẫn khuyến khích con trau dồi tối đa các môn học ‘chính thống’.
Trong khi đó, có độc giả cho rằng nếu không thích lối giáo dục con theo kiểu của bà Chua thì phụ huynh đừng áp dụng. Tuy nhiên, độc giả này cho biết mọi người nên thảo luận về vấn đề tại sao trẻ em phương Tây lại thua kém quá xa trẻ gốc Châu Á.
Chị Hoàng, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, hiện đang sống tại Springvale, Melborne, Úc cho hay nói chung, chị đồng ý với quan điểm của bà Amy Chua. Tuy nhiên, có một số điểm như không cho con xem ti-vi hoặc chơi game thì là “quá đáng”. Còn việc chỉ chấp nhận cho con học hai loại đàn là piano và violon… là không thể chấp nhận được.
Chị Catherine Trần đến Úc năm lên 3 tuổi và hiện đang làm kế toán cho một công ty quốc tế ở Melbourne cho hay có nhiều điểm tương đồng trong cách giáo dục giữa bà Chua và cha mẹ chị. Chị rất mang ơn cha mẹ vì nhờ sự nghiêm khắc đó mà chị được như ngày nay. Catherine đã đọc nhiều phản hồi của độc giả và thấy rằng nhiều người quá đáng khi mạt sát bà. Chị cho biết hai vợ chồng chị sẽ tìm cách giáo dục con sao cho dung hòa giữa truyền thống Việt Nam với văn hóa phương Tây.
Tuy nhiên, dù khen hay chê, ai cũng phải công nhận vấn đề bà Amy Chua đưa ra đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Độc giả Helene đưa ra nhận xét khá dí dỏm rằng bài báo đã nhận được tới 1.600 ý kiến phản hồi chỉ sau hai ngày được đăng trên Wall Street Journal, trong khi đó, bài của Bill Gates, một trong những người giàu nhất hành tinh, đề cập tới Châu Phi chỉ được 187 phản hồi.
Giáo dục vẫn là đề tài nóng hổi nếu gợi được sự quan tâm của mọi người.
Theo bayvut