Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh tự kỉ cho trẻ. Theo đó, cha mẹ không nên lo lắng thái quá hoặc ngược lại là thờ ơ trước các dấu hiệu tự kỉ của trẻ.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ. (ABC)
Một số trung tâm tư vấn và chữa bệnh tự kỉ có uy tín
Tại Hà Nội:
– Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai. – Phòng tư vấn và trị liệu của Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em tại số 17 ngõ 663 Trương Định.- Dịch vụ điều trị tại nhà của nhóm hỗ trợ thuộc khoa Tâm lý Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Ngoài ra để xác định, chẩn đoán tự kỷ, có thể đến Phòng khám Tuna (số 26, ngõ 259/5 phố Vọng) hay khoa Tâm thần
Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại TP HCM:
– Khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2
-Một số trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỉ uy tín như Gia Định (Bình Thạnh), Thảo Điền (quận 2), Bình Minh (Tân Phú), Ước Mơ (quận 10).
Theo các chuyên gia sức khỏe, số lượng trẻ tự kỉ tại Việt Nam đang gia tăng mạnh qua từng năm.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về vấn đề này, tuy nhiên, tính đến năm 2009, chỉ tính riêng Bệnh viện Nhi Trung ương có 1752 bệnh nhi bị tự kỉ (trước đó, năm 2008 là 963 trẻ). Con số này chưa bao gồm số trẻ tự kỉ tại các bệnh viện khác trên cả nước và các chuyên gia nhận định đây chỉ là bề nổi của ‘tảng băng chìm’ vì còn có rất nhiều trẻ tự kỉ chưa được khám bệnh và điều trị kịp thời.
Theo ước tính, Việt Nam có tổng cộng hơn 200.000 người tự kỉ.
Hiện nay, khi nhắc đến căn bệnh tự kỉ, các bậc cha mẹ trẻ thường có hai xu hướng: lo lắng thái quá hoặc không chịu chấp nhận sự thật là con mình bị mắc bệnh.
Nhìn đâu cũng thấy… tự kỉ
Chị Hà, 27 tuổi, có một cậu con trai hơn hai tuổi rất hiếu động. Cậu bé luôn phá phách, nghịch luôn chân, luôn tay và rất ít khi nghe lời người lớn. Mỗi lần đưa con ra ngoài chơi, chị thường ‘thót tim’ khi thấy bé cứ cắm đầu, cắm cổ chạy thục mạng. Vốn là một người quan tâm đến con và hiểu biết, chị cảm thấy rất lo lắng trước những hành vi của bé và cho rằng bé có dấu hiệu tự kỉ.
Vợ chồng chị đã đưa con đi khám vài lần và lần nào cậu bé cũng được kết luận là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, vì thấy chị quá lo lắng nên các bác sĩ vẫn yêu cầu gia đình đưa bé về nhà theo dõi thêm rồi sẽ lại… tái khám.
Còn cô con gái 4 tuổi của vợ chồng anh Thắng thì ngược lại. Bé rất nhút nhát, hễ gặp người lạ là nép vào mẹ và ‘ngậm hột thị’, không chào hỏi dù đã được nhắc nhở.
Sau khi tham khảo các thông tin trên Internet, vợ chồng anh Thắng đi đến kết luận rằng có khả năng con gái mình bị… tự kỉ.
Anh chị lập tức đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa và được biết bé không có dấu hiệu tự kỉ mà chỉ là quá nhút nhát. Họ cũng được khuyên nên khuyến khích bé tham gia vào các hoạt động xã hội để bé tự tin hơn khi giao tiếp với người ngoài.
Con tự kỉ, cha mẹ không chấp nhận sự thật
Chị Lan có cậu con trai gần 4 tuổi được mệnh danh là ‘siêu quậy’ khiến ai đã gặp rồi cũng phải ‘lắc đầu le lưỡi’. Bé hoạt động luôn chân, luôn tay nhưng lại không hề ý thức được những trò chơi nguy hiểm. Bé thường leo lên bàn trang điểm của mẹ để nhảy xuống đất, ném vỡ đồ đạc, lấy móc áo chọc vào ổ điện, tự làm đau mình bằng cách đập đầu vào tường hoặc nền nhà mỗi khi quá phấn khích.
Khi đi nhà trẻ, cậu bé luôn được xếp vào dạng ‘cá biệt’ vì thường xuyên đánh bạn, lấy đồ chơi đập vào đầu bạn, không biết sử dụng đúng chức năng của đồ vật… khiến lần nào đi đón con, vợ chồng chị Lan cũng ‘muối mặt’ khi nhận được những phản ánh từ cô giáo và các phụ huynh khác.
Có một số người bạn nói ‘bóng gió’ với chị Lan rằng chị nên cho bé đi khám nhưng chị đều gạt phắt với lí do trẻ trai hiếu động, mạnh mẽ mới là thông minh và “thấy bà nội bảo bố nó ngày xưa còn nghịch hơn nó thế mà giờ vẫn giỏi giang”.
Hơn nữa, chị cũng sĩ diện với hàng xóm, bạn bè, họ hàng vì cả hai vợ chồng chị đều có trình độ thạc sĩ, thu nhập cao, nhà cao cửa rộng thì làm sao con chị lại có ‘gien’ tự kỉ được?
Với ý nghĩ chủ quan của mình và sự bận rộn công việc nên vợ chồng chị Lan cứ lần lữa không đưa con đi bác sĩ. Cho đến khi cậu bé được 5 tuổi, vì mơ hồ cảm thấy lo lắng trước sự ‘quậy’ thái quá của con nên gia đình mới đưa bé đi khám lần đầu. Bác sĩ kết luận bé bị chứng tăng động năng, giảm chú ý (ADHD) và có nguy cơ cao bị tự kỉ.
Vợ chồng chị Hoàn lại có cậu con trai bị chậm nói, thậm chí cho đến khi hơn 3 tuổi thì cậu bé vẫn chỉ ê a và lặp đi lặp lại những câu vô nghĩa như ‘bát chập bát chà’.
Thêm vào đó, bé cứ ‘lờ tít’ và không hề có phản ứng, thái độ gì khi được người khác gọi. Hầu như bé không bao giờ thể hiện tình cảm với mọi người và cũng không có nhiều bạn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Đặc biệt, mỗi khi nghe tiếng quảng cáo là bé liền ngay lập tức chạy đến gần chiếc TV và có thể đứng như ‘trời trồng’ hàng tiếng đồng hồ để xem.
Bạn bè và một số họ hàng của chị Hoàn bày tỏ sự lo ngại về bé nhưng chị gạt phắt đi và cho rằng con trai chậm nói là chuyện bình thường. Chị còn đưa ra bằng chứng là nhà chồng mình có ‘gien’ chậm nói mà một ví dụ điển hình là một người anh họ của bé gần 4 tuổi mới nói sõi.
Thậm chí, chị còn ác cảm với những người khuyên chị nên đưa bé đi khám bệnh tự kỉ. Chị cho rằng họ ‘độc mồm độc miệng’ bởi cậu bé nhìn rất đẹp trai, sáng láng thì làm sao có thể mắc căn bệnh đấy được?
Cho đến tận lúc bé hơn 4 tuổi mà tình hình vẫn không hề tiến triển, vợ chồng chị Hoàn mới cho con vào bệnh viện khám. Chị khóc òa khi bác sĩ kết luận bé bị tự kỉ.
Hiện chị Hoàn đã xin nghỉ hẳn việc ở nhà để trông con. Hàng ngày, chị đưa bé đi học ở một lớp đặc biệt dành cho trẻ tự kỉ ở phố Thái Hà (Hà Nội). Chị dành phần lớn thời gian ở đó để quan sát, chơi với bé và phối hợp cùng giáo viên để dạy dỗ bé.
“Trong thời gian đầu, ngày nào tôi cũng phải kiên nhẫn cho cháu đứng trước gương mấy tiếng đồng hồ để tập nói từng từ”, chị chia sẻ sự vất vả.
Với sự nỗ lực của chị, bệnh tình của cậu bé đã có những tiến triển tốt. Bé biết chào hỏi và làm theo yêu cầu, biết chơi đùa và hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa và giảm hẳn các hành vi lạ trước đây.
“Giá như tôi đừng bảo thủ thì con trai tôi đã được chữa trị sớm hơn và cơ hội hòa nhập vào cộng đồng cũng cao hơn”, chị Hoàn tâm sự.
Ý kiến chuyên gia
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, tự kỉ là một căn bệnh khó, theo đó, trẻ chậm phát triển và bị ‘đứt’ về khả năng giao tiếp xã hội.
Mặc dù có nhiều số liệu cho thấy trong những năm qua, số lượng trẻ tự kỉ có xu hướng tăng lên, tuy nhiên ông Thắng cho rằng điều này chưa hoàn toàn đúng.
“Trên thực tế, trong thời gian trước đây, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần còn hạn chế và chưa phát triển nên người ta thường không biết tự kỉ là gì mặc dù nó đã có từ lâu. Hiện nay, căn bệnh này đã được quan tâm và phát hiện nhiều hơn ”, ông Thắng nói.
Ông thừa nhận Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia giỏi về lĩnh vực này và điều kiện kinh tế đất nước chưa cho phép xây dựng các trung tâm điều trị thực sự chất lượng.
Trước hai xu hướng về tâm lý của các bậc cha mẹ ở trên, ông Thắng khuyến cáo cha mẹ không nên quá lo lắng nếu nhận thấy con mình có dấu hiệu tự kỉ bởi nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời thì diễn tiến bệnh tật của trẻ vẫn có nhiều khả quan.
Bác sĩ Thắng cũng đưa ra lời khuyên để phát hiện sớm và giúp trẻ vượt qua những khó khăn của căn bệnh tự kỉ nói riêng, đồng thời nâng cao sức khỏe tâm thần nói chung cho trẻ trong những giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.
Theo đó, gia đình cần phối hợp với nhà trường để theo dõi sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần giúp trẻ có kế hoạch sử dụng thời gian một cách phù hợp, cân đối giữa việc học hành và vui chơi, giải trí, không nhồi nhét kiến thức cho trẻ một cách thái quá vì điều đó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần khiến trẻ luôn bị sức ép và có tâm lí lo lắng.
Ngoài ra, việc giúp trẻ có được một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và có lợi cho sức khỏe cũng là một biện pháp hữu hiệu để tăng cường sức khỏe tâm thần cho trẻ.
Nguồn Bay vut