Dạo gần dây, Oanh luôn có cảm giác đang bị chồng ghét. Khi Oanh đi ngang qua mặt chồng, Oanh thấy anh xã nhăn nhó khó chịu.
Oanh hỏi gì, bên kia cũng không thèm trả lời.
Vợ chồng Oanh mâu thuẫn khi cô quyết định nghỉ làm ở một công ty kế toán, ở nhà chăm con vì không tin tưởng người giúp việc.
“Tuy nghỉ việc tạm thời nhưng mình vẫn nhận sổ sách về nhà. Mỗi lần con ngủ là tranh thủ làm, thêm việc nhà, cơm nước, trông con… lúc nào cũng mệt rũ rượi. Thế mà chồng mình còn nghĩ mình chây lười, không cơm nước chu toàn” – Oanh ấm ức.
Bị chồng ghét, không nói chuyện chút nào, Oanh cảm thấy vô cùng chán nản. Chuyện vợ chồng của Oanh cũng gặp trục trặc vì từ hai tháng nay, Oanh luôn bị chồng lảng tránh.
Tương tự Oanh, My (Mỹ Đình, Hà Nội) buồn bã vì bị chồng nói rất ghét và hối hận khi lấy My làm vợ. “Nguyên nhân xung đột từ chuyện lắp quạt trần của vợ chồng mình” – My giãi bày. Chồng My muốn lắp quạt trần cho phòng khách thoáng, mát nhưng My khăng khăng đòi mua quạt cây hay quạt tường vì không thích quạt trần.
“Có thế thôi mà chồng mình cũng nhìn mình như kẻ thù. Chẳng biết làm sao?” – My phân trần. Cãi vã với chồng, My thấy căng thẳng và mệt mỏi nhưng cô lại không muốn “đầu hàng”. Dù chồng My cũng chiều theo ý vợ, không lắp quạt trần mà mua quạt tường về lắp nhưng My thấy anh xã vẫn tỏ ra xa lánh, ghét bỏ vợ.
Vợ chồng khi yêu – khi ghét là chuyện bình thường. Nhiều phụ nữ cảm nhận được khi bị chồng ghét nhưng họ thường hiểu sai vì cảm xúc tiêu cực này của người chồng thường chỉ xuất hiện khi giận dữ hoặc đang xung đột, chứ chưa hẳn đã ghét bỏ gì vợ.
Vì thế, hãy thư giãn và bình tĩnh trước thái độ của chồng. Khi giông bão đi qua, bầu trời lại yên ả trở lại. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bạn gây mâu thuẫn với chồng mình thường xuyên. Một khi cãi cọ liên tục, cảm giác ghét vợ bị dồn ứ lại thì có nghĩa là cuộc hôn nhân đang gặp rắc rối nghiêm trọng. Thật không may, nếu người vợ cảm thấy bị tổn thương vì chồng xa lánh có thể nhanh chóng dẫn nảy sinh suy nghĩ ly hôn hoặc ghét lại chồng cho bõ tức. Khi khủng hoảng và tức giận thì người trong cuộc dễ có những hành động sai trái.
Điều đầu tiên vẫn là cần kiên nhẫn và thoải mái ngay cả khi bị chồng nói “ghét”. Bình tĩnh giúp bạn ngăn cản những cảm xúc tiêu cực hoặc không vội vã xuôi theo ý của chồng cho dù trong lòng mình đang bực bội. Có thể thỏa hiệp để hai bạn hiểu nhau hơn và đưa ra quyết định cuối cùng cho một vấn đề. Ngoài ra, cũng nên cho chồng có thời gian suy nghĩ, cân nhắc, xem xét vấn đề nhiều phía. Khi anh ấy đã bình tĩnh hơn thì bạn có thể trao đổi lại vấn đề một lần nữa.
Theo Gia đình