Sống không có mục tiêu cũng giống như con thuyền lênh đênh trên biển một cách vô định, bạn không biết mình sẽ đi về đâu giữa dòng đời muôn nẻo. Đó thực sự là điều nguy hiểm bởi vì lúc đó bạn đang tồn tại chứ không phải sống.
Nếu bạn đã biết đặt ra mục tiêu và theo đuổi nó xin chúc mừng, bạn đang đi đúng hướng đấy. Nhưng liệu bạn có hay gặp phải tình huống bỏ dở mục tiêu giữa chừng hay không? Khởi đầu theo đuổi mục tiêu khí thế nhưng không hiểu sao được một thời gian mọi việc bắt đầu đi chệnh quĩ đạo và bạn mãi loanh quanh trong một đống danh sách mục tiêu không biết khi nào hoàn thành.
Có lẽ thời gian đầu là bạn tuân thủ nghiêm ngặt nhất, do vẫn còn không khí hào hứng của một khởi đầu mới. Nhưng dần dần, một khi nới lỏng nguyên tắc, chúng ta sẽ được đà phá vỡ ngay, phải không bạn?
Vậy làm thế nào để luôn giữ được “lửa” để theo đuổi mục tiêu?
Mục tiêu cần cụ thể
Bạn sẽ không đặt ra những câu tuyên thệ thay đổi khái quát mơ hồ nữa, mà thay vào đó là một mục tiêu cụ thể cho từng giá trị mà chúng ta cảm thấy là quan trọng. Trước khi đi vào chi tiết, IMA xin lấy một ví dụ cụ thể nhé!
Giả sử bạn cảm thấy hay căng thẳng, sức khỏe không được tốt trong năm rồi và hy vọng sẽ thay đổi trong năm tới. Thế là bạn tự nhủ rằng:” Năm sau sức khỏe tôi sẽ tốt lên”. Trong hai, ba tuần đầu bạn rất hăng hái tập luyện và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh. Bỗng dưng công việc chồng chất, bạn phải tham gia sự kiện, tiệc tùng công ty khiến nguyên tắc sức khỏe của bạn bị lấn át. Sau vài bữa ăn quá chén, những công việc dồn dập chiếm lĩnh hết thời gian, bạn bắt đầu nhận thấy mình đang thất hứa với bản thân rồi, nên chẳng còn động lực đâu mà phấn đấu nữa. Lại một mục tiêu nữa xếp vào sổ chờ!
Sau nhiều lần có trải nghiệm tương tự, tôi thấy nắm trong tay một quyển sổ mục tiêu chờ đợi dày đặc khiến mình gán cho bản thân những cái tên xuyên tạc như: “không có khả năng sắp xếp cuộc sống”; “không có quyết tâm dứt điểm mục tiêu”,..
Mục tiêu cụ thể rất quan trọng bởi vì:
- Khi đặt mục tiêu, bạn lập trình tư duy của mình vào trạng thái sẵn sàng thực hiện kế hoạch khi nó tiếp nhận một hình ảnh, con số cụ thể.
- Đặt mục tiêu cụ thể sẽ đưa ra một kết quả đo lường được và thời hạn thực hiện để bạn đánh giá và cải tiến.Ví dụ bạn muốn năm sau có nhiều tiền hơn (đây là ý muốn khái quát) khiến bạn không kiểm soát được tiến độ của mình. Thay vào đó, bạn có thể đặt ra tôi sẽ tiết kiệm được 50 triệu đồng trước ngày 31/12/2011. Bằng một mục tiêu cụ thể, bạn sẽ dễ dàng theo sát và điều chỉnh bản thân để vừa đạt mục tiêu mà vừa cân bằng được cuộc sống
Mẹo vặt để đạt mục tiêu
10 bí quyết phỏng theo Gary Ryan Blair- The GoalsGuy- đặt và hoàn thành mục tiêu
Quyết đoán: Thay vì chỉ là ngẫu hứng hoặc thoáng qua dăm ba giờ đồng hồ nghĩ đến mục tiêu, bạn có thể dành nửa đến một tháng quan sát xem mình hay nghĩ đến khía cạnh nào nhất trong cuộc sống: sức khỏe, công việc, tiền bạc, gia đình, vui chơi, du lịch, sở thích,….Bạn ghi nhận lại vào một quyển sổ tay nhỏ.
Sau thời hạn đặt ra, bạn nghiêm túc đặt cho mình hai ngày tìm hiểu bản thân, và trả lời ba câu hỏi cho từng khía cạnh bạn đã liệt kê:
- Tại sao bạn muốn có nó trong năm sau
- Bạn dự tính thực hiện nó như thế nào?
- Những gì bạn phải trút bỏ để có được nó
Sau khi trả lời câu hỏi chi tiết và đánh giá mức độ ưu tiên, bạn hãy quyết đoán lập mục tiêu cụ thể cho mình.
Kiên định tập trung: Kết quả của từng mục tiêu phụ thuộc vào thời gian bạn đầu tư tâm sức thực hiện. Vì thế hãy dành 10 phút mỗi ngày nhìn lại quyển sổ tay bạn chăm chút để hiểu về mỗi quyết định của mình nhé!
Hoan nghênh thất bại: Thất bại là một phần không thể tránh trong cuộc sống, nhưng bạn cứ coi nó như một yếu tố mang tính chất quyết định tạm thời lên kết quả mục tiêu của bạn. Điều quan trọng là bạn biết mình rút ra được gì từ mỗi lần thất bại đó.
Trưng bày mục tiêu: Nếu bạn đã dành gần một tháng để tìm hiểu chính mình và đề ra mục tiêu, thì bạn hãy dành thêm đôi chút thời gian vẽ lên một “bức tranh mục tiêu” hấp dẫn, thực dụng, tiện lợi cho việc chỉnh sửa và treo nó ở nơi mà bạn thường xuyên thấy nhé!
Kế hoạch chi tiết: Bạn cần có kế hoạch chi tiết cho từng mục tiêu bằng cách giải đáp “ai, tại sao, ở đâu, khi nào, làm sao” cho từng việc nhỏ. Sau đó bạn mới dung hòa sắp xếp hạn cho từng công việc nhỏ.
Tìm những người đồng chí hướng: Không ai là một hòn đảo. Vì thế, bạn hãy dùng sự trợ giúp của những người xung quanh mình để thực hiện mục tiêu. Bạn hãy thiết lập hệ thống những người đồng hành cùng bạn, những người khôn ngoan, hiểu biết và có những tính cách bạn tôn trọng để hỗ trợ trong việc bạn đạt được mục tiêu mình đề ra. Bạn cũng có thể lập mục tiêu năm cùng với gia đình hoặc bạn bè của mình. Chia sẻ mục tiêu của bạn với mọi người, lập kế hoạch gặp gỡ nhau mỗi tháng để xem mọi người đã thực hiện ra sao.
Hành động hướng đích: mục tiêu không thể ngẫu nhiên mà có được nếu không bắt tay vào thực hiện và nỗ lực không ngừng. Đừng khuất hẹn hết lần này đến lần khác cho đến khi phải hỗi tiếc vì quá muộn. Hãy chắc rằng bạn đang thực hiện những bước nhỏ hướng đến mục tiêu năm của mình. Mỗi bước nho nhỏ sẽ đưa bạn tiến gần hơn với mục tiêu.
Tận hưởng hành trình kỳ thú: Chạm tay đến thành công là niềm hạnh phúc đáng ngạc nhiên, tuy nhiên những niềm vui nho nhỏ trên hành trình tìm đến thành công cũng thú vị không kém. Hãy chắc rằng bạn đang tận hưởng những điều niềm vui này từ những bài học mới, những cảm nhận hay hay, những phát hiện mới về chính mình…Chúng chính là những động lực để bạn theo đuổi hành trình của mình đến giây phút cuối cùng.
Phần thưởng cho bản thân: Khi bạn đạt được mục tiêu hay chỉ đơn giản là có được một kết quả nho nhỏ đưa bạn tiến gần đến mục tiêu, hãy làm một điều gì đó để động viên tinh thần cho bản thân về thành tích đáng tự hào đó. Nhiều người đã thành công chính nhờ bí kíp đơn giản này đấy. Họ tự thưởng niềm vui cho mình, rồi nhún vai và nói “bước tiếp theo là gì nhỉ?”. Bạn cũng hãy làm gì đó vui vui và đặc biệt để tượng trưng cho thành công. Và đánh dấu chúng như một sự kiện quan trọng. Đó là cách thực sự đơn giản để duy trì sức mạnh chiến đấu của bạn đấy!
Luôn nhìn lại mục tiêu: thay đổi là một quy luật bất biến trong cuộc sống. Chúng ta cần phát hiện và làm mới mình liên tục. Vì thế, thường xuyên nhìn lại mục tiêu và kế hoạch hành động của mình là điều không thể thiếu. Giữ bức tranh tươi sáng và nhiều màu sắc ấy trong tâm trí bạn và tạo nên những những bước đi mới trong hành trình đón đầu thành công nhé!
Xem thêm bài viết Xác Định Mục Tiêu Của Cuộc Đời