Đừng bao giờ coi thường những việc ngớ ngẩn, bởi không biết chừng sẽ có lúc chính chúng lại cứu sống mình.
Giáo sư Xoay
Mình thích một câu chuyện cười. Chuyện kể là có một chú bị lạc trên sa mạc mênh mông, bốn bề là cát trắng nóng như rang. Đương nhiên là bị toát mồ hôi nhiều và chú rất chi là khát nước. Cứ đi mãi, đến lúc gần kiệt sức rồi, tưởng sẽ gục ngã thì chợt nhìn thấy một quán nhỏ. Mừng quá, túi sẵn tiền, giờ có tiêu hết thì cũng phải mua bằng được mấy chai nước để giải khát.
Tuy nhiên tới nơi mới biết chiếc quán này chỉ bán toàn caravat, không bán nước. Vừa thất vọng, vừa tức điên người, đang nóng chết đi được lại còn quấn caravat thì có mà chết à. Chú vùng vằng bỏ đi, không mua bán gì sất. May quá, đến lúc chân chú gần khuỵu xuống, lưỡi đã thòng gần đến rốn thì chú lại phát hiện ra cái quán nữa. Tuyệt vời hơn khi tấm biển hiệu đề rõ “Có bán nước”.
Như sống lại, chú lao tới quán, tay lăm lăm tiền để thỏa cơn khát của mình. Nhưng đến gần chú thấy một tấm biển đề: “Chỉ bán nước cho những ai có đeo caravat”. Uất hận, chú lăn ra cát nóng mà chết.
Một câu chuyện cười (có thể mình kể không buồn cười) nhưng mà lại rút ra được một triết lý hay, đó là: “Đừng bao giờ coi thường những việc ngớ ngẩn, bởi không biết chừng sẽ có lúc chính chúng lại cứu sống mình”. Nhìn lại quãng đời đã qua, mình thấy triết lý đó có nhiều phần đúng.
Hồi bé, mình làm rất nhiều điều ngớ ngẩn (giờ vẫn tiếp tục làm) và thường xuyên bị bố mẹ, bạn bè phản đối, chê bai, cười nhạo. Mình luôn tự đặt ra rất nhiều tình huống xoay quanh một vấn đề nào đó khiến nhiều lần mẹ phải thở dài: “Sao mày toàn nghĩ ra những cái ngớ ngẩn vậy con, hay ngày xưa bố mày đi qua vùng có chất độc da cam mà không biết nhể?”. Có lần suýt bị mẹ quật cho một trận vì “dám” tưởng tượng ra cảnh con lợn sắp đến ngày xuất chuồng nhà mình bị chết.
Ngoài việc chơi bời, nghịch ngợm với đám con trai trong xóm như bình thường, mình còn ngớ ngẩn đến mức có một đống búp bê và người nhựa. Một số là mua, sưu tầm, một số là tự đúc lấy bằng nhựa trong hoặc nến sáp đủ màu. Căn cứ vào hình dáng của chúng, mình quy định tính cách cho từng con theo cái vốn hiểu biết về tính cách mọi người xung quanh mình và xếp chúng trên một tấm gỗ ép lớn dưới gầm giường theo một trật tự và quan hệ xã hội nhất định.
Ngày nào cũng lẩn mẩn ngồi “điều hành” cái “khu tập thể” thu nhỏ đó khiến bố mẹ thì nhìn mình ái ngại, đám bạn thì cười mình chơi trò con gái. Lớn hơn một chút, mình rủ rê bọn trẻ trong xóm tham gia vào các kịch bản trận giả, cũng phân chia cấp bậc, quyền hành, đe dọa nhau ghê gớm lắm!
Thế rồi ngớ ngẩn hơn, mình tập tành làm truyện tranh, đơn giản vì mình rất thích dọc giấy trắng ra để đóng thành những cuốn sổ nhỏ. Ban đầu thì cũng định viết thành những câu chuyện hẳn hỏi, tuy nhiên, trình độ vẽ vời có hạn, không sao thể hiện hết được cốt truyện mong muốn. Thế là mình đành làm ngược lại, vẽ trước, sau đó trên cơ sở số tranh vẽ được, mình bịa cốt truyện cho đống tranh đó.
Cũng hồn nhiên vác đến lớp cho bạn bè xem. Chúng chế giễu ghê gớm lắm, cũng có mấy đứa thân thân thì khen là quyển sổ đẹp và nhờ đóng cho mấy quyển nhưng lưu ý là để trắng để chúng làm vở nháp. Thế là từ đó, mình đóng sổ giấy trắng đem cho bạn bè làm vở nháp. Truyện tranh vẫn vẽ nhưng cho đám trẻ con ở xóm xem, đứa nào không khen mình đấm ngay.
Rồi mình ngớ ngẩn tập làm thơ, táo bạo hơn, mình còn tự phổ nhạc và có niềm tin sâu sắc rằng nó hay. Ngày 8/3 năm lớp 11, mình xung phong lên hát tặng cô giáo và các bạn nữ một bài hát mới sáng tác. Cả lớp vỗ tay rầm rầm, ngạc nhiên lắm, bấy lâu ở cạnh tài năng mà “đếch” biết. Mình hồi đó chưa biết đàn đóm gì, cứ hát chay thôi. Tuy nhiên sau khi hát xong, cả lớp im phăng phắc, không nói cười, không ăn uống…
Cô giáo phải giục cả lớp vỗ tay, cả lớp mới vỗ. Mình sướng quá, đề nghị hát thêm bài nữa. Nhưng cô giáo bảo là còn nhiều chương trình khác nên để sau hãy hát. Sau này cô bạn thân nói cho biết là bài hát của mình làm cả lớp dựng hết tóc gáy tóc mai và thế quái nào mà nó khiến cho tất cả người nghe đều thấy rất xấu hổ nhưng mỗi người hát là không thấy.
Rồi vào đại học thì ngớ ngẩn đến mức khi không lại xung phong lên hát thay cho cô bạn cùng lớp trong buổi học định hướng khóa mới. Mình cũng hát một sáng tác mới, vừa phổ nhạc đêm trước. Rồi từ đó bắt đầu tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, bắt đầu diễn những vở kịch đầu tiên trên sân khấu đông người xem, có thêm biết bao nhiêu chuyến đi, gặp gỡ biết bao nhiêu người bạn mới… Rồi những điều đó cuốn mình đi xa dần giấc mơ làm nhà khoa học cho đến tận mãi bây giờ.
Tất cả những điều ngớ ngẩn đó đã có lúc làm mình thấy xấu hổ vô cùng, chỉ muốn có cái lỗ để chui xuống hoặc thậm chí là chết quách đi cho xong. Nhưng đến giờ nhìn lại, những điều ngớ ngẩn đó đã móc nối vào nhau một cách mật thiết kỳ lạ. Chính những tình huống tưởng tượng, chính những quan hệ xã hội và tính cách của đám người nhựa, những “lời bình” cho những bức tranh, những hoạt động ngoại khóa, những người bạn mới đã trang bị cho mình một trí tưởng tượng và những điều kiện cần thiết cho việc tạo dựng nên những kịch bản bây giờ. Cái giấc mơ làm nhà khoa học rất chi là nghiêm túc thì rốt cuộc lại chưa giúp được mình đứng vững mà chính những điều ngớ ngẩn ngày nào lại mang đến tiền bạc nuôi sống mình.
Đến giờ mình nghĩ mình vẫn đang làm rất nhiều việc ngớ ngẩn, vẫn kết bạn nhiệt tình từ ngoài đời đến Facebook, chả mấy khi tính toán rằng việc đó hay người bạn đó sẽ mang lại điều lợi gì. Có thể không ngay lúc đó thì một lúc nào đấy, mình tin rằng tất cả đều sẽ hữu dụng. Chẳng có điều gì là ngớ ngẩn, chẳng có người bạn nào là vô dụng cả.
Hãy cứ đi và nhặt nhạnh những chiếc caravat trên đường mình qua mà đeo lên cổ. Có thể ai đó chửi mình ngớ ngẩn nhưng không quan trọng, vì biết đâu đấy, sẽ có lúc nào đó, một chiếc caravat sẽ đem đến cho mình một cốc nước giữa sa mạc thì sao.
Nguồn Ngôi sao- Dakota