Quyền được nói dối ngày cá tháng tư
Sáng sớm, Tùng, sinh viên Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM gọi điện cho cả lớp báo tin Lan bị đau ruột thừa phải cấp cứu. Bạn bè nháo nhào đến bệnh viện tìm chả thấy đâu, hỏi lại kẻ tung tin mới té ngửa đây chỉ là trò đùa ngày 1/4.
Hiền, một người trong nhóm bạn từ bệnh viện về, vừa hậm hực vừa buồn cười kể: “Hắn miêu tả chi tiết Lan đau đớn vật vã như thế nào, cái giọng thông báo còn làm ra vẻ hốt hoảng như thật nên cả bọn mới tin sái cổ, ai ngờ bị lừa…”.
Mặc dù tin đồn thất thiệt kia khiến cả lớp phải một phen hú vía, nhất là khi biết sự thật ai cũng tức giận, tuy nhiên cũng vì hôm nay là “ngày nói dối” nên mọi người chỉ hậm hực trách móc rồi cười xòa cho qua chuyện.
Còn Tuấn (kỹ sư làm việc cho một công ty xây dựng tại TP HCM) mặc dù từ tối hôm qua đã rất cẩn thận đề phòng sẽ bị lừa, thế mà mới sáng sớm nay bà chị ruột đã làm cho anh một phen hú vía. “6h sáng chị gọi bảo mình đến ngay bệnh viện Chợ Rẫy làm thủ tục nhập viện vì chị bị tai nạn. Vốn chị ấy xưa nay chưa từng nói dối nên mình cũng không một chút nghi ngờ gì”, anh Tuấn kể.
Tâm trạng lo lắng rối bời, Tuấn tá hỏa chạy đến Bệnh viện Chợ Rẫy cách nhà cả chục cây số, song đến khi gọi điện thì chị bảo đã về nhà rồi. Chàng trai hậm hực: “Đến lúc này mình vẫn không hiểu điều gì đang xảy ra mà trong lòng cứ lo lắng không biết chị bị sao. Về đến nhà kể cho thằng bạn nghe nói bảo bị ăn thịt lừa mới vỡ lẽ, thua bà chị mình luôn”.
Còn Xuyến thì buổi sớm vừa đến công ty đã thấy mọi người trong văn phòng bảo xuống ngay kho hàng để gặp sếp đang chờ lấy hợp đồng ký với đối tác. Chưa kịp hoàn hồn, cô thư ký vội vàng xách xe chạy đến kho thì không thấy sếp đâu, gọi điện cũng không thấy bắt máy. “Lúc đó em vẫn không tin là mình bị lừa nên quay trở lại văn phòng, ai dè mọi người vừa thấy em thì cười phá lên làm mình vừa mệt, vừa tức vì lần đầu tiên bị ăn quả lừa”, Xuyến chống cằm kể.
Ngày cá tháng tư, ngày duy nhất trong năm được quyền nói dối nên không những bạn trẻ thích dựng chuyện chọc ghẹo nhau mà ngay cả các cặp vợ chồng cũng hào hứng không kém.
Mặc dù sáng sớm chị Hoa đã dặn dò chồng cẩn thận kẻo bị lừa, song đến trưa chị gọi điện bảo đang đứng ở cơ quan chờ gặp chồng có chuyện gấp. Thế là anh này hốt hoảng bỏ hết công việc xuống dưới tìm vợ mà không gặp. Chị Hoa cười nắc nẻ kể: “Mình không ngờ ổng lại cả tin đến vậy. Ổng biết bị vợ cho ăn “cá” phá lên cười rũ rượi, còn bảo tối về hỏi tội vợ sau nữa chứ”.
Ngoài chuyện bị mất hồn vì trúng lừa cá tháng Tư, nhiều người còn rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười bởi “nói thật mà chả ai tin”.
Báo ngã xe phải nhập viện, hơn 10 lần gọi điện, Hải đều nhận được câu trả lời “Đừng đùa nha, em đang bận” của vợ, rồi cúp máy. Mãi đến khi anh này cầu cứu bố mẹ nhờ báo lại với vợ, nàng dâu mới tá hỏa tin là thật. Trưa 1/4, khi biết chắc chồng không nói đùa, Hoa đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nơi ông xã đang được cấp cứu thì anh đã được các bác sĩ băng bó xong vết thương ở chân.
“Thú thật, con cứ tưởng anh ấy nói dối vì hôm nay là cá tháng Tư. Cho nên khi nhận được điện thoại với giọng ỉu xìu và dòng tin nhắn khẩn thiết của chồng, con cứ ngỡ ảnh đùa dai”, Hoa thanh minh với bố mẹ chồng.
Chuyện bi hài “nói thật mà cứ bị tưởng đùa” trong ngày cá tháng Tư không chỉ mình chồng Hoa là nạn nhân.
Đang họp ở công ty, nhận được điện thoại của vợ bảo anh về ngay em sinh con, Thuận năm hồ bảy hiệp cúp máy không tin vì cứ nghĩ vợ nói đùa. “Thôi nhé, bác sĩ dự sinh đến cuối tháng 4 cơ mà”, anh chồng đáp điện thoại rồi cúp máy. Chưa hết, đến lúc cô em vợ gọi điện báo chị đã vào bệnh viện Từ Dũ, anh chồng còn nổi cáu vì cho rằng hai chị em đùa dai. Mãi đến khi chính mẹ của Thuận gọi điện báo với tiếp tân của công ty thì anh này mới hoảng lên.
Tại bệnh viện, Thuận không được gặp vợ vì cô đã vào phòng sinh. Thanh minh với bố mẹ vợ, anh trưởng phòng kinh doanh cho rằng năm trước cũng bị vợ lừa trong ngày 1/4 nên năm nay mới cảnh giác cao độ như thế.
Chuyên gia tư vấn văn phòng TT&T đài 1088 TP HCM Văn Thanh Sỹ cho biết có những lời nói dối vô hại nhưng cũng có những lời đùa gây thiệt hại như tài sản, tổn thương lòng tự trọng…
“Đương nhiên là ngày Cá tháng Tư nên lời nói dối thường được mọi người vui vẻ chấp nhận, tuy nhiên người đùa nên lưu ý về mức độ thiệt hại sẽ gây ra. Ở một số nước, có hẳn luật cho ngày này, tức là mức độ thiệt hại bao nhiêu thì người đùa sẽ không phải chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam chưa được pháp luật quy định nên cần xem kỹ cách đùa, nếu trò đùa quá trớn gây thiệt hại nặng như về tài sản thì phải chịu trách nhiệm”, ông Sỹ phân tích.
Theo vnexpress