Việc chọn ngành nghề, hướng đi tương lai là điều trăn trở của rất nhiều HS trước ngưỡng cửa ĐH bởi quyết định đó có ảnh hưởng trực tiếp tới thành công sau này. Nhiều bạn thích những công việc, trường học tương lai trái ngược với ý muốn của bố mẹ và rất bối rối không biết lựa chọn theo hướng nào.
Nghe theo bố mẹ hay tự quyết định chọn nghề ?
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tổ chức tại ĐH Bách khoa HN giữa tháng 3 vừa qua, rất nhiều bạn học sinh phân vân trước việc chọn trường theo ý muốn cá nhân hay nghe theo bố mẹ. Bạn Nguyễn Thu Hồng đặt câu hỏi: “Gia đình muốn em học sư phạm, nhưng em lại muốn học tài chính ngân hàng. Vậy em nên chọn trường nào?”. Theo TS Lê Thị Thanh Mai – Phó Trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐHQG TPHCM – yếu tố quan trọng là ý thích của cá nhân. Nếu thích thì các bạn học sinh sẽ học tập tốt và phấn đấu hết mình vì quyết định chọn nghề đó.
Nếu học ngành mình không thích thì sẽ rất khó để học và làm việc bằng ngành mình đã học. ThS Phạm Mạnh Hà – khoa Tâm lý Trường ĐH KHXHNV Hà Nội – cũng đồng tình với ý kiến này khi nhấn mạnh: Mỗi cuộc đời, chúng ta phải tự quyết định, bố mẹ không sống cùng chúng ta mãi được. Chúng ta nên làm điều mình mong muốn, yêu thích và đóng góp nhiều nhất cho xã hội.
Tuy nhiên, tuổi trẻ bồng bột, sở thích, ước mơ có thể thay đổi theo thời gian, nên các bạn học sinh cũng cần tham khảo thêm ý kiến của bố mẹ để được tư vấn, lựa chọn ngành nghề phù hợp với mình. Thông thường, lựa chọn của các phụ huynh thường rất thực tế, dựa trước hết trên đầu ra công việc và điều kiện kinh tế gia đình, sau đó mới tính đến điểm mạnh – yếu, tính cách của con. Trong khi đó, lựa chọn của các bạn trẻ thường “mơ mộng” hơn, dựa nhiều trên sở thích, ước mơ, nên thường trái ngược với ý muốn của cha mẹ. Vì vậy, các bạn học sinh nên dung hoà cả hai lựa chọn, trao đổi với bố mẹ để tìm được cho mình ngành nghề phù hợp nhất.
Có đam mê sẽ có thành công
Trên thực tế, việc chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực bản thân cũng không dễ dàng. TS Phạm Tấn Hạ – Phó phòng Đào tạo ĐH KHXHNV (ĐHQG TPHCM) cho biết, đây là điều trăn trở của rất nhiều học sinh trước ngưỡng cửa ĐH. Nhiều học sinh thích theo cảm tính, chạy theo phong trào. Có trường hợp người nhút nhát, ngại giao tiếp lại thích nghề kinh doanh, PR… Vì vậy, có những bạn học đến năm thứ ba, thứ tư ĐH mới nhận ra lựa chọn của mình là sai lầm. Có người quyết định chọn lại, học lại. Nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm điều đó, đành chấp nhận học rồi ra làm một công việc không phù hợp với năng lực, sở trường của mình, do đó cũng không có nhiều cơ hội phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp.
Vì vậy, theo các chuyên gia tư vấn, sở thích chỉ là một phần, quan trọng là chọn ngành học phù hợp với năng lực. ThS Phạm Mạnh Hà chia sẻ: Chọn nghề cũng như đi mua quần áo, phải chọn quần áo mình thích và vừa với mình. Chọn nghề cũng vậy, trước hết phải là nghề các em yêu thích. Nhưng như thế chưa đủ, nghề đó cần phù hợp với các em về năng lực học tập, nhu cầu xã hội… Điều quan trọng là các em phải có đam mê với công việc đó. TS Lê Thị Thanh Mai – Phó Trưởng ban đào tạo ĐHQG TPHCM – cũng cho biết: Ước mơ sẽ thay đổi theo thời gian, vì vậy các em phải đặt ước mơ với nhu cầu của thị trường, nhu cầu xã hội. Có ước mơ, đam mê và quyết tâm thì các em sẽ gặt hái được thành công.
Theo dantri – Chọn nghề