Trong gia đình thế mới biết sống với nhau một nhà, cứ thật lòng là hơn. Chiêu này hay kế khác chẳng phải cách hay.
Chuyện gia đình
Hôm đầu tiên sau đám cưới, biết thế nào bà chị chồng cũng dậy sớm quét dọn, Diệp vờ ngủ nướng.
Canh chừng 10-15 phút, Diệp vùng dậy, chạy vội xuống đon đả: “Chị để em quét nhà cho. Chết thật, em ngủ quên mất”. Diệp thấy chị chồng nhẹ nhàng: “Chị làm sắp xong rồi. Đang dở tay để chị làm nốt” thì cười thầm. Diệp hăng hái giúp chị hót rác đổ vào thùng rác, thế là hoàn tất công việc. Đã thế, Diệp còn được nhà chồng khen vì: “Quét dọn sạch sẽ quá”.
“Tao toàn vờ ra xin làm vào lúc lưng chừng thôi. Ra sớm quá, bà ấy lại bảo: ‘Đây, em làm đi – thì khổ’, còn ra muộn quá thì thể nào cũng bị chê: ‘Làm xong rồi mới thấy mặt’. Cho nên, cứ canh lúc bà chị chồng làm được một nửa là xuất hiện là ‘đẹp’ nhất” – Diệp hỉ hả kế cho cô bạn thân.
Theo Diệp, như thế vừa đỡ được tiếng lười, biết đâu chị chồng lại gạt đi mà bảo: “Chị đang làm dở, để đó cho chị” hoặc nếu có phải làm thì cũng chỉ làm có một nửa.
Chị gái của chồng hơn Diệp 1 tuổi, tính tình hiền lành, chăm chỉ chứ không “nhí nhố” như Diệp. Chính vì lười biếng lại láu cá nên Diệp mới nghĩ ra kế sách ứng phó với chị chồng, sao cho vẫn được tiếng dâu hiền mà lại đỡ cực thân.
Sau bữa cơm tối, Diệp thấy chị chồng loay hoay với mâm bát thì vồn vã: “Em lên phơi quần áo xong thì rửa”. Diệp chạy vèo lên gác nhưng lại nhắn tin bắt chồng lên phơi quần áo. Diệp đứng hóng gió, “buôn chuyện” với chồng một lát lại sấp ngửa chạy xuống. Chị chồng Diệp đã rửa xong bát, nhiệm vụ của Diệp lúc này chỉ là úp bát lên tủ bát.
Cũng ở chung với bố mẹ chồng và chị chồng cùng tuổi, Quỳnh (24 tuổi, Hà Nội) đang công tác tại một ngân hàng lớn. Việc nhà đã có người giúp việc lo nên Quỳnh không phải mệt óc dù bản thân vụng về. Để lấy lòng chị chồng, Quỳnh hay sắm sửa cho chị lúc thì cái váy hoa, khi thì chiếc quần short hay bộ váy ngủ điệu đà… Mỗi lần như thế, Quỳnh đều “tâng bốc” giá tiền thật của món quà để chị chồng nghĩ luôn được em dâu tặng quà đẹp, xịn, chất lượng tốt nhất.
Cao thủ ‘gác kiếm’
Diệp kể, sau hơn một năm sống chung, “thủ đoạn” của cô đã dần bị chị chồng “cảm hóa”. Hồi sinh con, Diệp được mẹ chồng và chị chồng chăm sóc ân cần, chu đáo. Tự tay chị chồng Diệp xoa bụng cho Diệp khi cô đau. Diệp còn được chị đưa đi vệ sinh, giặt đồ, được mẹ chồng nhẹ nhàng thay rửa. Nhiều đêm, chị chồng và mẹ chồng thay nhau thức bế cháu cho con dâu ngủ lấy sức. Chính những điều đó giúp Diệp người lớn hơn, không còn so đo, tị nạnh từng việc lớn – nhỏ với chị chồng nữa.
Có lần, hai chị em đi chợ, bà bán hàng bảo: “Hai chị em gái tình cảm thế. Đúng là chị em gái như trái cau non” vì bác ấy nghĩ, Diệp và chị chồng là hai chị em ruột.
Đoạn kết không có hậu như Diệp, một lần Quỳnh bị phát hiện vì “giá một đằng, nói một nẻo”: mác cùng giá tiền treo tòng teng trên chiếc áo thun mua tặng sinh nhật chị chồng. Bị “tẽn tò”, Quỳnh chỉ lắp bắp: “Em nhầm” nhưng sau lần đó, cô cũng chừa hẳn cách lấy lòng giả tạo này với nhà chồng.
Thế mới biết sống với nhau một nhà, cứ thật lòng là hơn. Chiêu này hay kế khác chẳng phải cách hay.
Theo Gia đình