Người Việt Nam có câu “tốt khoe xấu che” với hàm ý khuyên mọi người nên biết tự trọng. Tuy nhiên, ý nghĩa của câu thành ngữ này đã vượt quá ý nghĩa ban đầu khi người ta áp dụng nó theo kiểu “không được phạm sai lầm, không được lộ cái sai kẻo bọn chúng cười cho thối mũi. Cần phải giấu kĩ những điều mình biết nếu không sẽ có kẻ hớt tay trên.”
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người ta lại khuyến khích sự sẻ chia những điều mình biết. Vậy chia sẻ thì được gì và mất gì?
Theo Leo Babauta thì chia sẻ kinh nghiệm bản thân đem lại nhiều lợi ích hơn là giấu diếm.
Đầu tiên, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết và cảm xúc thông qua giao tiếp là nhu cầu tự nhiên của con người. Chẳng phải mỗi khi có điều gì đó làm mình vui trong lòng thì bản thân chúng ta có khuynh hướng muốn chia điều đó với một ai khác? Ngược lại, người ta cũng muốn tâm sự khi có điều gì làm mình phiền lòng.
Ngoài ra, chia sẻ điều mình biết với người khác đem lại sự tin tưởng. Mà điều làm nên những mối quan hệ tốt chính là sự tin tưởng. Những mối quan hệ tốt đẹp lại là một trong những yếu tố tạo nên cuộc sống hạnh phúc. Vì thế, sẻ chia chính là cách để bạn sống hạnh phúc.
Leo Babauta cũng chỉ ra rằng việc cố gắng che giấu sự thật về bản thân, dù là để giữ bí quyết hay sợ người khác gièm pha, sẽ đem lại sự căng thẳng không đáng có. Với áp lực triền miên này thôi cũng đã đủ khiến cuộc sống trở thành địa ngục rồi.
Tuy nhiên, nếu hỏi bất kì ai đang làm việc trong lĩnh vực PR, tổ chức sự kiện về việc tiết lộ kinh nghiệm nghề nghiệp thì chắc chắn bạn sẽ nhận được những cái lắc đầu, phủi tay. Một bạn trẻ đang thực tập tại công ty truyền thông cho biết: “Giữ riêng bí quyết là chuyện tất yếu. Mình từng gặp kinh nghiệm xương máu rồi. Một lần nọ, nhóm của mình trình bày ý tưởng tổ chức sự kiện cho một công ty. Công ty đó từ chối ý tưởng của tụi này. Thời gian sau thì mình biết được rằng họ đã lấy ý tưởng đó để tự tổ chức chương trình. Thế đấy, dù có cố gắng giữ thì cũng bị người ta cướp trắng!”
Đã vậy, hiện trạng ăn cắp bản quyền, đánh cắp ý tưởng hiện nay đang làm mọi người (nhất là giới sáng tác) khiếp hãi. Đấy là chưa kể tới trường hợp những kinh nghiệm mà bạn chia sẻ có thể tạo đà cho những người đến sau vượt qua bạn. Đây là nỗi sợ thường trực của những người “cao tuổi”.
Chúng ta đã thấy lợi ích lẫn rủi ro mà việc chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp mang lại. Lợi ích của nó là điều không cần phải bàn. Còn rủi ro thì một vài trong số đó không hẳn là xấu, tùy theo cách nhìn nhận của bạn.
Chẳng hạn như nỗi sợ người khác qua vượt trội khi họ tiếp thu kinh nghiệm của mình. Điều này tùy thuộc vào việc bạn chia sẻ với ai. Dĩ nhiên chúng ta phải biết chọn người phù hợp để mà chia sẻ. Hơn nữa, môi trường cạnh tranh luôn tạo ra sự phát triển. Và những người liên tục trau dồi bản thân thì chẳng bao giờ lạc hậu cả.
Nếu nhìn kĩ thì bạn sẽ thấy rằng những rủi ro của việc chia sẻ kinh nghiệm đều xuất phát từ nỗi sợ hãi bị đánh cắp ý tưởng, bị thua kém v.v. Bản thân nỗi sợ này chính là trở ngại lớn nhất. Bởi vì một khi chúng ta hành động dựa trên sự sợ hãi thì dù có thành công cũng không đem lại hạnh phúc.
Sống chia sẻ không đồng nghĩa với việc để cho người khác mặc sức lợi dụng mình. Sống chia sẻ là sẵn sàng tiếp thu cái mới, cái hợp lý và chia sẻ điều đó với mọi người để cùng nhau phát triển. Bởi vì biết đâu đến một lúc nào đó, những người mà bạn đã chia sẻ kinh nghiệm sẽ tạo nên những điều tuyệt vời mà bạn sẽ cần phải học từ họ.
Vậy thì chúng ta nên chọn cách nào? Chia sẻ hay giữ bí quyết cho riêng mình? Tùy lựa chọn của bạn mà thôi.
Xem thêm bài viết 7 Thói Quen Khiến Bạn Không Hạnh Phúc