Tôi sống trong khu phố cổ, ở một thành phố cổ, cũ kỹ, thế nên những người ở bên cạnh tôi đa số là những người lớn tuổi, những ông bà cụ.
Tôi là người thích sự ổn định, thế nên từ 5 năm nay tôi sống ở cái con phố nhỏ bé, cũ kỹ này. 5 năm có lẽ là một thời gian tương đối dài, nhưng hình như nó vẫn chưa đủ dài để tôi biết hết mặt và tên những người sống ở bên cạnh, chứ chưa kể là biết họ sống ra sao.
Những ngôi nhà riêng xinh xắn, cổ kính, rèm cửa sổ bao giờ cũng buông kín quanh năm, bất kể nắng mưa, gió bão. Tất cả đều khuôn phép, sạch sẽ tinh tươm và im lặng đôi lúc tới đáng sợ.
Thế mà rồi càng sống lâu ở đây, tôi càng cảm nhận được cái cảm giác sống sau những bức rèm cửa, sau mỗi rèm cửa đó có những “nỗi buồn của xã hội văn minh”.
Những cuộc sống quanh tôi
1. Mỗi chiều mùa hạ, khi mà thời tiết dễ chịu hơn những ngày đông ảm đạm, tôi đạp xe về nhà, đi dọc con phố nhìn những người già, cô quạnh ngồi bên cửa sổ hay trước hiên nhà nhìn đường phố.
Họ rạng rỡ khi đôi lúc tôi dừng xe nghe những câu chuyện không đầu không cuối của họ, tôi không biết họ ngày xưa ra sao, sống thế nào, làm gì, có gia đình hay không nhưng tôi biết những ngày này họ sống một mình, không người thân, không con cháu, không hàng xóm. Họ vui từ những câu chào nhỏ nhặt của những vị khách du lịch.
Tôi biết họ thèm được nói chuyện, nhưng cái thèm đơn giản đó tự nhiên lại phức tạp ở cái sứ xở văn minh này. Họ sợ làm phiền hàng xóm bằng những câu chuyện thường ngày, những câu chuyện mà đôi khi ta cần phải có ngưòi để thổ lộ. Còn hàng xóm, người thân, con cháu, những người còn trẻ họ mải mê với “bản thân”, công việc để có tiền trang trải cho những ngôi nhà xinh xắn, cổ kính khi về già…
2. Lại nhớ độ mấy năm trước, khi nước Đức vào mùa tử đinh hương, tôi và N. hay đi hái hoa tử đinh hương về cắm. Một lần đi về nhà ngang qua nhà bà cụ hàng xóm, thấy giỏ hoa tử đinh hương của tôi, bà nhìn không chớp mắt. N. lấy một bó nhỏ tặng bà, cụ vui lắm. Bà kể bà yêu hoa tử đinh hương, nhưng từ lâu rồi không được ngửi mùi vì bà sống một mình, bệnh tật nên không đi ra khỏi nhà được. Vậy là từ đó mỗi lần đi hái hoa tử đinh hương N. đều hái thêm một bó để tặng bà cụ.
Lại một mùa tử đinh hương, đem hoa tới nhà bà cụ, ngôi nhà trống trơn, gõ cửa không ai trả lời. Hỏi hàng xóm họ chỉ lắc đầu, nhún vai, không biết. N. bảo mình chắc bà già quá người ta cho vào “trại dưỡng lão” rồi. Rồi một lần nhìn thấy những người con cháu của bà tới xem nhà để nhận “thừa kế” vậy là biết bà cụ không còn sống nữa…
3. Tôi có quen một người Đức, người này làm chủ một hiệu bánh ngọt nổi tiếng nhất ở vùng tôi ở. Qua những câu chuyện tôi biết được cuộc sống của bác này. Tôi biết rằng bác có một cuộc sống khá giả. Nhưng bác luôn than phiền là phải làm việc nhiều quá, mệt mỏi quá.
Tôi về nhà hỏi N.: Bác XY khá giả tới vậy, sao mà vẫn cứ thích kiếm tiền thêm, để rồi ốm cũng không dám nghỉ, để suốt ngày kêu mệt mỏi. N. bảo tôi: người càng giàu họ càng ham. Rồi bác lại kể chuyện, bác mua thêm mấy ngôi nhà ở trong trung tâm, những lúc đó không thấy bác kêu mệt.
Một độ lâu không gặp, hỏi thăm mới biết bác phải nằm viện lâu dài, vì bị “trầm cảm, suy nhược khắp nơi”. Rồi từ đó cuộc sống của bác chỉ gắn bó vời bệnh viện tâm lý. Những ngôi nhà của bác trên đường đi bộ trong trung tâm vẫn xinh xắn, sạch sẽ nhưng lại để không.
4. Một lần tôi đọc trên Vogue một câu hỏi mà nó cứ luẩn quẩn ám ảnh tôi tới giờ: Wann ist genug tatsächlich genug? (Khi nào thực sự đủ là đủ?) (câu hỏi được đặt bởi một nghệ sĩ rất nổi tiếng).
5. Một lần nói chuyện với một người quen, sau một thời gian lâu không gặp. Tôi hỏi ông có bằng lòng với cuộc sống của mình không? Ông vui vẻ bảo tôi: Klar, man soll auch mit wenig zufrieden sein (tất nhiên rồi, con người ta nên hài lòng với những gì mình có dù ít ỏi). (Ông chỉ là một nguời thợ cơ khí bình thường).
P.S.: Cuộc sống của mỗi người đều có vòng quay riêng của nó.
Theo ngoisao