Chúng ta thường nghe cũng như đọc nhiều về gương thành công, về những vĩ nhân. Chúng ta thường không thích nói về thất bại, như thể chúng ta đã được lập trình để tránh thất bại… Lẽ nào thất bại chẳng có chút giá trị nào sao?
Tác giả: Bill P. S. Lim.
Dịch giả: Trần Hạo Nhiên.
Số trang: 204
Giá bìa: 49.000 VNĐ
Nhà xuất bản: Nxb Trẻ
Sinh viên ra sức học tập để không phải thất bại trong thi cử. Các vận động viên không bao giờ muốn là một người thua cuộc trong một trận cầu đinh. Hầu hết doanh nhân làm mọi việc có thể né tránh hai từ “phá sản”. Nhiều người phụ nữ cất công gìn giữ gia đình để không phải đối mặt với những hệ lụy của một cuộc hôn nhân tan vỡ…Cứ như thế, mọi người trong chúng ta có thói quen “lên kế hoạch” để tránh xa khỏi sự thất bại. Không hiểu từ bao giờ, thất bại được coi là một điều cấm kỵ. Nhưng đi lại với tất cả những suy nghĩ thông thường đó, Billi PS Lam trong cuốn sách “Dám thất bại” đã thể hiện những quan điểm thoạt nhiên có vẻ “điên rồ” về thất bại rằng “So với những người thất bại, những người thành công thật sự đã thất bại nhiều lần hơn, chỉ đơn giản là vì họ đã cố gắng nhiều lần hơn!”
“Tôi đã dám thất bại!”
Tác giả Billi PS Lam đã bắt đầu cuốn sách bằng chính những câu chuyện thật của cuộc đời mình. Và những thất bại trong hành trình tìm kiếm thành công của mình cũng lần lượt được tác giả “điểm danh”. Đó có thể là thất bại có phần dại dột của một cậu học sinh trung học bị điểm kém vì “chờ cho đến phút cuối để xem liệu đề thi có bị lộ hay không và tôi đã học bài suốt đêm mà không hề chớp mắt”. Hay như là thất bại choáng váng khi “bị một đứa con gái đánh bại một cách thảm hại trước toàn trường” trong một cuộc tranh luận. Nghiêm trọng hơn, là thất bại cay đắng trong mối quan hệ với một cô bạn gái đến mức đã có những lúc tưởng như “rơi vào địa ngục tình cảm”. Và sau cùng, là thất bại khi từ một ông chủ của một công ty nhiều tiềm năng phút chốc phải trở lại làm công cho người khác…Rõ ràng những thất bại trên không hề là của riêng Billi mà bất kì ai trong chúng ta đều ít nhất đôi ba lần trải qua cảm giác không dễ chịu này. Nhưng với Billi thất bại không đồng nghĩa với kết thúc sau cùng. Sau thất bại dại dột của những lần thi cử, tác giả đã tìm ra “kỹ thuật giải đề thi” và hiểu rằng “tích lũy kiến thức chứ không phải là để học cách trả lời câu hỏi cho đúng”. Từ kinh nghiệm thất bại trong một cuộc tranh luận tác giả đi đến thành công ngoạn mục trong cuộc tranh cử Hội sinh viên trường. Và rồi sau khi trở lại làm công cho người khác, Billi tiếp tục là ông chủ của chính mình để “gây dựng công ty thành một trong những ngôi sao tỏa sáng ở Malaysia”.
Một cách ngắn gọn nhưng hài hước, bằng chính những câu chuyện thú vị của mình, Billi đã khơi gợi cảm hứng cho người đọc ngẫm nghĩ về một khái niệm mà người ta không thích đề cập – thất bại.
Thất bại là một phần của tiến trình phát triển.
Trong phần tiếp theo của cuốn sách, Billi chia sẻ những quan điểm của ông về sự thất bại. Và những khái niệm ấy chắc chắn đem đến cho người đọc nhiều sự ngạc nhiên. Ông thẳng thắn chỉ ra những định kiến bị nhầm tưởng là chân lý trong cách đánh giá “thành công” và “thất bại” : “Chúng ta xem thường những kẻ bị thất bại và nhìn những kẻ “bỏ cuộc” bằng con mắt khác hẳn. Thất bại bị xem là điều cấm kỵ. Chúng ta đánh giá người khác qua những thành tựu họ đạt được. Chúng ta đánh giá cao “sự thành công” và đánh giá thấp, thậmchí không thèm nhìn nhận “sự thất bại”.
Và thay vì vạch ra những sơ đồ chiến thuật cho sự thành công và đưa ra những lời khuyên để hạn chế tối đa thất bại, Billi khuyến khích mọi người thất bại. Bởi lẽ, theo ông, thất bại nằm trong hành trình của một sự tái sinh “Cũng như tiến trình thành công, trong cơ thể ta còn có một quá trình thất bại tồn tại song song. Nhưng không có gì đáng sợ cả bởi vì đó là một phần của quá trình tiến hóa và phát triển. Hãy nhớ rằng một con rắn không thể lớn nếu lớp da cũ của nó không được loại bỏ. Không chỉ đèn xanh mới tốt. Ta cũng cần đèn đỏ nữa. Ta cần đèn đỏ để dừng lại, quan sát và đi tiếp”.
Những thất bại “vĩ đại” đã thật sự làm nên những con người “vĩ đại”!
Không chỉ có nói suông về thất bại, Billi còn đem đến cho người đọc những khám phá thú vị về “sự thất bại của những con người vĩ đại”. Người ta thường có thói quen kiếm tìm những thành tựu của các vĩ nhân mà quên đi một điều trọng yếu rằng đằng sau những hào quang thành công ấy là dấu vết không ít thì nhiều của thất bại.
Diễn viên võ thuật nổi danh thế giới Thành Long từng thất bại trong nỗ lực biến mình thành Lí Tiểu Long thứ hai để rồi sau đó chính ông hiểu rằng “Rất khó ,quả thật rất khó, vì vậy thay vì cố gắng trở thành ông ấy ( Lí Tiểu Long ), tôi quyết định trở thành chính mình “. Henry Ford – ông vua xe hơi đã từng bất lực để làm cho thế giới hiểu về sáng kiến làm thay đổi đặc tính ô tô đến nỗi một tờ báo đã đặt cho ông biệt hiệu :”Người ngu dốt”. Thomas Eddison thất bại đến 700 lần trong các thí nghiệm nhưng vẫn không đến nản lòng : “Tôi thất bại đâu vì chúng ta đã biết rõ vấn đề này hơn bất kì người nào trên thế gian này .Chúng ta đang tiến rất gần đến việc tìm ra lời giải đáp bởi vì giờ đây ta đã biết được đến 700 cách mà ta không nên làm .Dừng gọi đó là lỗi lầm.Hãy gọi đó là “sự rèn luyện””. Họa sĩ thiên tài Picasso khi giới thiệu những bức tranh theo trường phái lập thể của mình cười nhạo và gọi đó là một “trò chơi khăm”, “một sai lầm của đấng tối cao” và kết tội ông có ý nhạo báng trào lưu nghệ thuật hiện đại.
Còn rất nhiều những câu chuyện của những vĩ nhân khác mà nếu chỉ chăm chăm chú ý đến những hào quanh quanh họ chúng ta sẽ không bao giờ biết.
Cuốn sách “ Dám thất bại” của Billi PS Lam đã có mặt trên 15 quốc gia và được dịch ra 10 thứ tiếng trên thế giới đã chứng minh sức hút của nó trên một một phạm vi rộng. Tôi tin cuốn sách này là thích hợp với tất cả mọi người – những ai đã từng thất bại và cả những ai chưa từng thất bại. Đơn giản hiểu và chấp nhận thất bại là điều cần thiết cho tất cả cơ chế trưởng thành của mỗi người.