Có lẽ bạn đã quá quen thuộc với từ tiếng Anh SMART? SMART trong tiếng Anh có nghĩa là thông minh, lanh lợi. Không hiểu vô tình hay hữu ý mà SMART đã gắn liền với việc thiết lập mục tiêu từ lâu – đó là nguyên tắc thiết lập mục tiêu theo nguyên tắc SMART:
S – Specific (Cụ thể)
M – Measurable (Đo lường được)
A – Atainable (Tính khả thi)
R – Realistic (Tính thực tế)
T – Timebound (Giới hạn thời gian)
Chúng ta cùng tìm hiểu xem thiết lập mục tiêu một cách SMART là như thế nào nhé!
S – Specific: Càng cụ thể càng tốt
Một mục tiêu “thông minh” đầu tiên phải được thiết kế một cách cụ thể, rõ ràng. mục tiêu càng cụ thể, rõ ràng càng chứng tỏ khả năng đạt được. Nhà giáo dục học nổi tiếng Jack Canfield trong quyển sách Những Nguyên Tắc thành công cho rằng “Một mục tiêu mơ hồ sẽ cho một kết quả mơ hồ mà thôi”.
Một trong những cách người ta dùng để xác định một mục tiêu cụ thể là tưởng tượng về chúng. Chẳng hạn, mục tiêu trong 10 năm tới của tôi là mua một ngôi nhà đẹp, nhưng ngôi nhà này chưa cụ thể. Tôi nhắm mắt lại, hình dung ra ngôi nhà tôi đang ở sẽ to như thế nào? Màu sơn là gì? Có bao nhiêu phòng? Những vật dụng trang trí trong phòng gồm những gì? Xung quanh ngôi nhà sẽ được thiết kế ra sao?… Bạn càng hình dung ra rõ ràng mục tiêu của mình, bạn càng biết chính xác những gì bạn cần làm để đạt được nó.
M – Measurable: Đo lường được
Nghĩa là mục tiêu phải được gắn liền với các con số. Nguyên tắc này đảm bảo mục tiêu của bạn có sức nặng, có thể cân, đo, đong, đếm được. Bạn biết được chính xác những gì mình cần đạt được là những gì, bao nhiêu.
Chẳng hạn, bạn muốn có một nguồn tài chính ổn định, thì “ổn định” với bạn là như thế nào? Có thể là nguồn thu nhập của bạn là 10 triệu đồng/ tháng. Những con số tròn trĩnh mà bạn đặt ra cho mình cũng tựa như đòn bẩy nâng tinh thần, động lực của bạn lên cao để nỗ lực hết mình đạt được điều mình muốn. Nếu không, không những bạn không tạo cho mình niềm mong muốn cháy bỏng để tập trung vào mục tiêu, mà còn cảm thấy chán nản, không được khích lệ và dễ bỏ cuộc.
A – Atainable: Tính khả thi
Kim Lan, một người bạn của tôi có vóc dáng khá tròn trĩnh. Cô ấy cao 1m 57 trong khi nặng 60 kg. Trước sự ngại ngùng, lo lắng về cơ thể, Lan đưa ra chỉ tiêu giảm 10kg trong vòng 1 tháng. Bạn có thể nhận thấy đó thực sự là một mục tiêu không dễ thực hiện chút nào phải không?
Tính khả thi cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng khi bạn đưa ra một mục tiêu. Nghĩa là bạn suy nghĩ về khả năng bản thân trước khi đề ra một chỉ tiêu quá xa vời nếu không muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng như vậy không có nghĩa là bạn chỉ lập cho mình một mục tiêu dễ dàng, đơn giản. Qúa dễ dàng làm cho bạn không cảm thấy thích thú và được thách thức.
Vì thế, hãy biết lượng sức mình kèm theo một chút thách đố về sự kiên trì của bản thân, bạn nhé!
R – Realistic: Tính thực tế
Mục tiêu bạn thiết kế cho mình cũng không nên quá xa vời với thực tế, bạn có thể vận dụng đủ các nguồn lực để đảm bảo chúng sẽ đi đến nơi cần phải đến. Để làm được điều này, bạn hãy ngồi tính toán xem khả năng, vật chất, thời gian, nguồn hỗ trợ…xem bạn có thực hiện được mục tiêu không.
Tôi từng nghe bạn tôi trong một phút ngẫu hứng, nói rằng cô ấy đề ra quyết tâm sẽ đi du lịch vòng quanh Trung Quốc trong năm. Tôi trông đợi được xem những bức ảnh đất nước Trung Hoa xinh đẹp đến những giây phút cuối năm mà chẳng thấy đâu cả. Đơn giản vì cô ấy chẳng thể đi du lịch vì kinh phí quá lớn trong khi tài chính của cô thì quá eo hẹp. Cô ấy đã không lường trước những khoản tiền lớn với giá vận chuyển, ăn uống, ngủ nghỉ, …
T – Time bound: Cuộc hẹn cho mục tiêu
Giống như một cuộc hẹn, bất cứ một mục tiêu lớn nhỏ nào cũng cần được xác định một thời gian cụ thể. Nó tạo cho bạn một đường biên xác định thời điểm bạn bước lên đỉnh chiến thắng. Trong quá trình cố gắng, bạn biết được bạn đang đi đến đâu trong cuộc hành trình và kịp thời chấn chỉnh mức độ phấn đấu.
Một vài ví dụ về mục tiêu SMART:
- Tôi sẽ thi đại học Y Dược và trở thành bác sỹ nha khoa vào năm 25 tuổi
- 5 năm nữa, thu nhập của tôi ít nhất là 10 triệu đồng/tháng
- Tôi sẽ đọc 1 quyển sách/ tháng
- Tôi sẽ tìm cho công ty 4 hợp đồng mỗi tháng
- Mỗi tuần tôi sẽ “nghiên cứu” và làm thử một món ăn mới cho gia đình
Bạn có nhận thấy việc thiết kế mục tiêu cho bản thân là cả một nghệ thuật không?
Nếu bạn xây dựng chúng dựa trên những ý tưởng trên đây, tôi tin rằng bạn sẽ thành công. Hơn nữa, khi bạn đạt được thành công với một mục tiêu nho nhỏ nào đó, chúng sẽ trở thành động lực và điểm tựa để bạn nỗ lực ở những mức độ cao hơn. Vì thế, hãy cố gắng từ những bước khởi đầu và kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng bạn nhé!
Xem thêm bài viết Bí quyết hoàn thành mục tiêu