“Thời gian = cuộc đời, lãng phí thời gian chính là lãng phí cuộc đời, hay sử dụng thời gian khôn ngoan chính là sử dụng cuộc đời một cách khôn ngoan.”
Time = life; therefore, waste your time and waste of your life, or master your time and master your life.
Alan Lakein
Kim đồng hồ vẫn tích tắc quay đều qua các mốc thời gian một ngày mới, một tuần mới và một năm mới. Ắt hẳn chúng ta ai cũng từng thốt lên “Sao thời gian trôi nhanh quá!” hay “Mới đó mà đã hết tuần/ hết tháng/ hết năm!”
Nhưng, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ giá trị của thời gian và để nó trôi qua một cách vô nghĩa. Có ai hay việc sử dụng thời gian chính là một giá trị thể hiện con người của chúng ta qua việc đúng giờ. Người Việt vẫn được mang “danh tiếng” là dùng giờ dây thun. Có lẽ là do văn hóa nông nghiệp, trễ “một tí” cũng chẳng sao. Song, bước vào thời kỳ công nghiệp, căn bệnh này vẫn còn tồn tại quá dai dẳng trong mỗi người Việt.
Căn bệnh đó gây ra sự lãng phí cho các cá nhân, đồng thời làm giảm hiệu quả công việc của người khác, của công ty, tổ chức và cả quốc gia. Điều đáng buồn là chúng ngày càng trở nên trầm trọng và đa số chúng ta dường như đang thỏa hiệp đối với thực tế đó.
Tại các quốc gia phát triển, mọi người đều chia sẻ một điều hiển nhiên là văn hóa “đúng giờ” và “tận dụng thời gian tối đa”. Tại những quốc gia đó, đến muộn trong một cuộc hẹn là biểu hiện của sự thụ động, lãnh đạm hoặc vô trách nhiệm.
Trên tàu điện ngầm, trên máy bay, trên xe bus ở Đức, đa số các hành khách đều có sẵn một quyển sách để “giết thời gian” nhưng cũng là để tích lũy kiến thức. Câu chuyện Bill Gate với tờ 100 đôla không chỉ cho ta thấy giá trị của tài năng mà cả sự tính toán rất chi li về thời gian.
Rõ ràng là không có “đường tắt” đến thành công. Hay nói cách khác, thành công chỉ đến với những người quý trọng thời gian, tận dụng mọi phút giây để phát triển kiến thức và kỹ năng của bản thân. Một công ty không sử dụng thời gian hiệu quả khó có thể tồn tại và liên tục phát triển trong một nền kinh tế đầy tính cạnh tranh. Một quốc gia có nền văn hóa “không đúng giờ” chắc chắn sẽ đi chậm hơn các quốc gia khác.
Vậy làm thế nào để mỗi phút, mỗi giây qua đi, chúng ta có thể tạo ra được giá trị lớn nhất? Trước hết, mỗi cá nhân cần xây dựng ý thức đúng giờ và tiết kiệm thời gian để hạn chế sự tùy tiện của bản thân gây ra lãng phí thời gian. Thứ hai, cần tận dụng thời gian để không ngừng mở rộng hiểu biết và nâng cao năng lực. Thứ ba, mỗi cá nhân cần phát triển các kỹ năng quản lý thời gian tốt hơn bằng việc hình thành thói quen xây dựng mục tiêu, nghiêm túc thiết lập và thực hiện kế hoạch cá nhân. Thời gian biểu cần được chi tiết hóa theo các quãng thời gian với hoạt động cụ thể.
Chúng ta không thể làm cho thời gian ngừng trôi hay quay trở lại, nhưng có thể làm chủ thời gian ta có.
Bạn đã sử dụng thời gian của mình như thế nào?
Xem thêm bài viết 24 cách để tiết kiệm một giờ