Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng Facebook và chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (yêu bản thân thái quá). Liệu bạn có ở trong số đó?
“Like mạnh” và “Ghét mạnh”
Giang, 28 tuổi, nói không thể nhịn được Facebook. Trung bình mỗi ngày cô bỏ ra hai tiếng đồng hồ ‘lượn lờ’, sản xuất ‘status’ (tâm trạng), chơi bói toán, chơi games, đăng hình đăng ảnh, video và hàng loạt các ứng dụng khác.
Giang thuộc nhóm những người “like mạnh” Facebook – một từ mới ra đời mà nghe đến đã biết là sản phẩm đặc trưng của Facebook.
Hoàng Sơn, 30 tuổi, du học sinh, thì cho biết chỉ dùng Facebook để liên lạc khi cần và rất ít khi làm mới ‘status’.
Sơn nói anh không chịu đựng nổi khi thấy một số người quá phô trương: “Họ khoe tất cả mọi thứ về bản thân, từ sở thích, ăn gì, đọc gì, rồi đi chơi ở đâu, mua cái gì mới và liên tục khoe con, bằng hình, bằng chữ, bằng video, để những người khác xúm vào khen ngợi, vuốt ve. Tôi thấy thật là nhảm nhí và mất thời gian!”
Dò tìm người ái kỷ qua Facebook
Gần đây có một số công trình nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa người dùng Facebook với chứng tự yêu mình, mà giới chuyên môn gọi là “rối loạn nhân cách ái kỷ”.
Nghiên cứu của Đại học Giorgia công bố năm 2008 tìm hiểu mối liên hệ giữa những gì được đưa lên Facebook và chứng ái kỷ. Kết luận chính là có thể dựa vào phân tích hồ sơ cá nhân để dò ra biểu hiện ái kỷ, ví dụ như sử dụng ảnh đẹp, quyến rũ để làm hình đại diện.
Các quan sát viên không chuyên tham gia nghiên cứu này cho biết họ có thể nhận diện những biểu hiện này.
Theo cuộc nghiên cứu này, người ái kỷ có xu hướng sử dụng các mối quan hệ trên Facebook theo cách ở ngoài đời – nhiều nhưng lỏng lẻo, vì mục đích khuếch trương bản thân. Họ thích có càng nhiều càng tốt lực lượng ‘fan’ vây quanh, để thỏa mãn tâm lí được khen ngợi, ca tụng nhưng lại thiếu sự chia sẻ đối với các ‘fan’ của họ, tức là chỉ có một chiều, nhấn mạnh về số lượng thay vì chất lượng các mối quan hệ.
Hạn chế của cuộc nghiên cứu này là chỉ thiên về định lượng. Điều này dễ bị sai lệch khi mà Facebook đã có trên 500 triệu người dùng (tính đến tháng 7/2010) thì khả năng mỗi người có đến vài trăm trong danh sách bạn bè là bình thường.
Tuy nhiên, một nhóm tác giả người Đức công bố trên tạp chí ‘Psychological Science’ rằng chính hồ sơ cá nhân mới tiết lộ tính cách thật của đối tượng, chứ không phải nỗ lực tự tạo hình ảnh bản thân. Simine Vazire, nghiên cứu viên thuộc Đại học Washington, cũng nói: “Bạn không chạy thoát khỏi nhân cách của mình. Nó theo bạn ở bất kỳ đâu”.
Do đó, người ta vẫn tin rằng sự thể hiện của một người trên Facebook có thể giúp phán đoán mức độ ái kỷ của người đó đến đâu.
Facebook nuôi dưỡng ái kỷ?
Một nghiên cứu do Soraya Mehdizadeh thuộc Đại học York, Canada thực hiện cũng tìm hiểu về mối liên hệ giữa chứng ái kỷ và Facebook. Tuy chỉ khảo sát dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm với 100 sinh viên đại học sử dụng Facebook nhưng tác giả đã phân tích nhiều phương diện từ việc sử dụng hình đại diện, bộ sưu tập hình ảnh, ‘status’ cho đến các bài viết (notes).
Điều đáng nói là khảo sát này đã chỉ ra rằng những người có chỉ số ái kỷ cao (thông qua trả lời trắc nghiệm) cũng tốn nhiều thời gian hơn cho Facebook.
Nam giới có xu hướng ái kỷ, theo báo cáo nói, thường tận dụng mục mô tả bản thân ‘About Me’ để thể hiện sự thông minh và hài hước của mình. Trong khi đó, nữ giới thường dùng nhiều hình đẹp, chèn ảnh minh họa cho các trang viết để khoe sự hấp dẫn của họ.
Tác giả Mehdizahed cho rằng người rối loạn ái kỷ có ít khả năng duy trì mối quan hệ lâu dài, nên họ thường chìm đắm trong thế giới mạng để giao tiếp với ‘bạn bè ảo’ ở đó.
Mehdizahed cũng lưu ý không phải tất cả những người ghiền Facebook đều trở thành ái kỷ. Những người kém tự tôn (low self-esteem) cũng dành nhiều thời gian cho trang mạng này để cải thiện tương tác xã hội của họ. Cái khác biệt mà cô nhấn mạnh là người rối loạn ái kỷ thì thường phô trương bản thân một cách không ý thức và bị ám ảnh về sự quan trọng của mình.
Tuy nhiên, những kết luận rút ra từ khảo sát này mới chỉ dừng lại ở mức độ đặt vấn đề và tỏ ra định kiến từ những giả thiết về người ái kỷ. Trong khi đó, trên thực tế, biểu hiện của rối loạn nhân cách ái kỷ ‘tinh vi’ hơn nhiều.
Tự chủ bản thân để tránh ái kỷ
Ước tính có khoảng 1% dân số ở Mỹ mắc phải rối loạn nhân cách ái kỷ, chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy, thành viên Hiệp hội Tâm lý Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, cho biết.
“Người mắc bệnh ái kỷ thường có những đặc điểm nhân cách đặc trưng như luôn xem mình là số một, là quan trọng nhất, đi đâu, làm gì, nói gì cũng được người khác tôn vinh và ngưỡng mộ… Bên cạnh đó, họ cũng ít khi hoặc không bao giờ quan tâm đến những cảm xúc và khó khăn của người khác, theo kiểu chỉ có bản thân họ mới là người đáng phải quan tâm, còn những chuyện của người khác chỉ là những điều tầm thường, không đáng để bận tâm” – anh Uy nói thêm.
Về sự liên quan với Facebook và chứng ái kỷ, anh Minh Uy cho rằng: “Ngoài trừ việc chúng ta tin là có những người ái kỷ trong số người dùng Facebook, các nghiên cứu không đủ cơ sở để kết luận ai đó là ái kỷ thông qua những biểu hiện của họ trên mạng xã hội”.
Tuy nhiên, anh Minh Uy cũng cảnh báo mối quan ngại về nguy cơ mắc chứng ái kỷ với những người quá nghiện Facebook, bỏ bê công việc, học hành, mất ngủ vì Facebook.
Anh nói: “Nhiều bạn trẻ hay dùng từ “chơi” Facebook. Theo tôi, nếu bạn coi Facebook như một công cụ hữu ích, không đơn thuần là giải trí, thêm nữa, đừng lạm dụng nó để khoa trương bản thân và tạo hình ảnh giả tạo về mình, thì bạn sẽ là người dùng Facebook một cách tích cực, hoàn toàn tránh được ái kỷ.”
Theo Dakota