Nhiều bạn trẻ quyết từ bỏ việc làm thuê để ra kinh doanh, không ngại ba lần bốn lượt khởi nghiệp bất thành dù hành trình tìm vốn rất gian nan. Thậm chí sinh viên chưa tốt nghiệp cũng lập dự án kinh doanh để thử sức mình.
Dù còn ngồi trên ghế nhà trường, Lê Hồng Đức – sinh viên năm ba trường Đại học Bách Khoa TP HCM, vẫn háo hức muốn thử sức với công việc kinh doanh mà bạn chưa từng có một ngày kinh nghiệm. Học chuyên ngành xây dựng cầu đường, nhưng cậu sinh viên năm ba lại muốn dấn thân vào lĩnh vực dịch vụ giải khát ăn uống. Đức còn băn khoăn có nên tạm dừng việc học để thử sức trong lĩnh vực kinh doanh hay không.
Đức chia sẻ đã lập dự án mở một quán cà phê có tên “Lặng”, phổ biến ngôn ngữ ký hiệu, theo mô hình khác với những quán cà phê thông thường. Đây là ý tưởng kinh doanh hướng đến cộng đồng, vừa tạo việc làm cho người khuyết tật nhưng vừa là sân chơi cho những bạn trẻ ưa thích ngôn ngữ ký hiệu. Không có vốn, cậu đang trình bày dự án này để tìm kiếm nhà đầu tư.
“Tôi muốn dùng dự án này tham dự cuộc thi Lương Văn Can. Mục đích nhằm thông qua hội đồng phản biện của cuộc thi để làm bài test cho chính mình trước khi bước vào môi trường kinh doanh thực thụ”, Đức nói.
Không phải là lính mới như sinh viên Lê Hồng Đức, mới ngoài 30 nhưng anh Hưng đã nhiều lần lăn lộn với không ít ngành nghề khác nhau. Hưng chia sẻ: “Tôi đã 4 lần khởi nghiệp, thành công và thất bại đều đã từng nếm trải nhưng chắc chắn tôi sẽ không bỏ cuộc”.
Hưng chia sẻ đang khởi động một dự án phần mềm, đến giai đoạn thử nghiệm áp dụng vào thực tiễn nhưng gặp khá khó khăn ở khâu tìm vốn. Theo anh Hưng, rào cản của những người trẻ khởi nghiệp chính là các nhà đầu tư luôn yêu cầu dự án phải chứng minh được tính hiệu quả ngay từ khi còn nằm trên giấy hoặc chỉ là kế hoạch. “Tôi hy vọng trong thời gian tới thị trường có thêm nhiều quỹ đầu tư, kênh tài chính sẵn sàng bảo trợ, nâng đỡ cho các dự án khởi nghiệp của giới trẻ”, Hưng nói.
Có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong tập đoàn Hoa Sen rồi ra gây dựng sự nghiệp riêng, Giám đốc Công ty thép Tuấn Kiệt, Nguyễn Tuấn Khanh đồng quan điểm với anh Hưng về câu chuyện “đói vốn”.
Anh Khanh phân tích, ai cũng muốn khởi nghiệp nhưng khó khăn lớn nhất chính là nền tảng tài chính cho giai đoạn đầu tiên của dự án. Các doanh nghiệp trẻ hiện nay vướng mắc ở chỗ họ không có kênh hỗ trợ tài chính đa dạng để làm tiền đề cho những dự án mới. Ngoài ngân hàng, các hiệp hội, doanh nghiệp trẻ hầu như không tiếp cận được với nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng hỗ trợ tài chính để hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh táo bạo của họ.
Chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức trong bước đầu khởi nghiệp, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu, Phạm Phú Ngọc Trai nói: “Những ý tưởng kinh doanh táo bạo và tinh thần vượt khó của các bạn trẻ trong giai đoạn hiện nay là điều đáng quý. Dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn eo hẹp nhưng các bạn đã không lùi bước và vẫn giữ được ngọn lửa đam mê”.
Tuy nhiên theo chuyên gia này, các bạn trẻ không nên nghĩ khởi nghiệp là bỏ cái cũ để làm cái mới với số tiền vốn vượt khả năng chi trả, cũng đừng ép buộc bản thân phải chuyển đổi sang một công việc khác để bắt đầu sự nghiệp. Quá trình khởi nghiệp được tính từ giai đoạn các bạn trẻ còn ngồi ở giảng đường đại học cho đến lúc tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc rồi sau đó tích lũy vốn, nắm bắt cơ hội bứt phá sang giai đoạn tự làm chủ.
Ông Trai cho biết, trường hợp các doanh nghiệp trẻ, các bạn sinh viên chưa tiếp cận được với các kênh hỗ trợ vốn cho những dự án mới khá phổ biến. Tuy nhiên, có nhiều giải pháp để giới trẻ khắc phục điểm yếu này. Theo ông Trai, đầu tiên, người đề xuất ý tưởng và dự án kinh doanh cần tìm đúng nhà đầu tư thực sự quan tâm đến dự án. Đây là hành trình gian nan, đòi hỏi tính nhẫn nại, kiên trì và sáng tạo của các bạn trẻ. Khi đã tìm được nhà đầu tư, kế đến là công việc thuyết phục nhà đầu tư bằng cách chứng minh hiệu quả của suất đầu tư, khảo sát nhu cầu của thị trường và tính toán được khả năng thu hồi vốn…
“Nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn để rót vốn. Trong khi đó, người đang có dự án kinh doanh lại có rất ít sự lựa chọn. Vì thế, các ý tưởng, dự án kinh doanh phải cạnh tranh gay gắt lẫn nhau để giành được suất đầu tư”, ông Trai nhận xét.
Nguồn Doanh nhân