Những phụ nữ sắc sảo, thông minh thường đa đoan trong cuộc sống. Không ít người phải đứng trước lựa chọn: cơ hội phát triển bản thân, giữ tròn chữ hiếu hay một mái ấm gia đình?
Nặng chữ hiếu, vương chữ tình
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, M. Loan (29 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn: đi học thạc sĩ ở Đức hay ở lại Việt Nam phụng dưỡng cha bị ung thư giai đoạn đầu. Bạn bè thuyết phục: Chỉ hai năm thôi rồi quay về, có chuyện gì cũng bay về kịp mà. Sau hai tháng ròng rã suy nghĩ, cô gửi trả lại bức thư gọi nhập học cùng email từ chối. Loan xin một chân trợ giảng ở trường đại học và đăng ký khóa học thạc sĩ kinh doanh, chương trình liên thông Việt – Mỹ.
Hai năm sau cha Loan qua đời khi kịp làm lễ đính hôn cho con gái. Lúc này Loan đã xuất sắc hoàn thành khóa học giai đoạn 1 ở Việt Nam, chuẩn bị đi tiếp giai đoạn 2 ở Mỹ. Ba mất, mẹ đơn độc một mình, em trai mới bước chân vào ngưỡng cửa đại học, tình hình kinh doanh của gia đình bấp bênh vì không người tiếp quản. Một lần nữa Loan lại rối bời giữa hai bờ chông chênh: đi hay ở?
Còn T. Lý (33 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) là một phụ nữ thành đạt. Năm 2009, cô được chọn đi học thạc sĩ ở Mỹ trong hai năm. Khi Lý chưa kịp chia sẻ niềm hân hoan tự hào với người thân, chồng Lý đã kịch liệt phản đối: “Nếu em đi thì ký vào đơn ly hôn, con ở nhà anh nuôi”. Đã lần thứ hai từ chối cơ hội ra nước ngoài du học, trong Lý cứ day dứt: “Ước muốn đi một lần để mở mang tầm mắt, nhưng thành đạt rồi thì sống với ai?”. Cuối cùng cô đành từ chối suất học bổng vì “Ở đỉnh cao sự nghiệp mà sống một mình thì còn gì là hạnh phúc”!
Hay với N.Thu (29 tuổi, TP.HCM) lại lựa chọn một lối rẽ khác. Ra trường được một năm cô lấy chồng. Làm việc trong một công ty nước ngoài lương cao ngất ngưởng nhưng nhiều áp lực, Thu quyết định quay lại trường học thạc sĩ sau khi sinh đứa con đầu tiên. Bận rộn cùng con gái đầu lòng, làm hậu phương cho việc kinh doanh của chồng, đôi lúc Thu tưởng mình sẽ bỏ ngang con đường học vấn.
Với rất nhiều nỗ lực, Thu bắt tay vào giai đoạn cuối của chương trình học: làm đề tài tốt nghiệp. Đi được gần nửa chặng đường, cô cấn thai bé thứ hai. Ngổn ngang trăm bề lo toan, ngày bảo vệ, hội đồng khoa học cũng dành nhiều sự ưu ái, cảm thông cho người báo cáo với cái bụng bầu nặng nề gần ngày sinh nở.
Lùi lại để yêu thương khi còn có thể
Gần ba năm sau khi quyết định ở lại Việt Nam, Loan đang bắt đầu tại một vị trí hoàn toàn mới: quản lý nhân sự trong một công ty liên doanh về giống cây trồng. Đôi khi bạn bè tiếc cho Loan, nếu không bỏ qua cơ hội lấy tấm bằng thạc sĩ hạng ưu hẳn cô đã có cuộc sống khá hơn. Loan bật cười chia sẻ: “Đúng là tiếc thật khi đến giờ vẫn chỉ có vỏn vẹn tấm bằng cử nhân làm vốn. Nhưng mình đã không bỏ lỡ hai năm cuối cùng của cuộc đời ba. Giờ nghiệm lại chặng đường gian khó đã qua, mình vẫn thấy may mắn vì có người chồng xứng đáng”.
Trang Facebook của N. Thu luôn được bạn bè quan tâm khi những chia sẻ của cô quanh quẩn cuộc sống gia đình. Thấp thoáng sau những hình ảnh chợ búa, tã, sữa… ai cũng thấy bóng dáng người chồng bao bọc gia đình nhỏ rộn ràng tiếng trẻ thơ. Trong một bài viết mới nhất trên Facebook, cô lại băn khoăn đứng trước lời đề nghị tiếp tục học lên cao, rồi tự khẳng định: “Mình còn cần gì hơn khi đã chạm đến thành công lớn nhất của đời người phụ nữ: có một tổ ấm để chăm sóc, yêu thương mỗi ngày?”.
Song sự hi sinh hay vươn lên của người phụ nữ cần sự đồng hành rất lớn từ người chồng, như chuyện vợ chồng anh T. Phúc (34 tuổi, TP.HCM). Hơn ba năm yêu nhau, hai người phải chịu cảnh yêu xa non nửa thời gian khi chị đi học ở Hàn Quốc, anh vẫn làm việc ở Việt Nam. Cưới nhau gần sáu tháng, anh chị lại phải xa nhau khi chị nhận học bổng đi Đức. Thời gian bốn năm đằng đẵng thi thoảng rút ngắn bởi những chuyến bay qua lại của anh. Nhiều người khen anh, anh chỉ cười chia sẻ: “Cũng khó khăn chứ chẳng dễ dàng gì khi chịu cảnh “mưa ngâu” này. Nhưng không thể ích kỷ trói buộc tương lai nghề nghiệp của cô ấy được”…
Theo – Tuổi trẻ