Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện giản đơn nhưng nhiều ý nghĩa về cuộc sống. Nó là lời tự thuật về ước mơ, về tình yêu, về tình thân…về “tất tần tật” những gì xảy đến với cuộc đời một con người theo một cách chân thật nhất có thể. Hoàn toàn không có một câu chuyện này chỉ toàn nói về sự thất bại. Nhưng tôi tin rằng với những ai từng đọc và nghiền ngẫm cuốn sách bé nhỏ này đều ngộ ra một thông điệp ý nghĩa: để viên mãn cùng ước mơ, để hạnh phúc trong tình yêu và ấm áp với tình thân đều phải từng bước qua thất bại. Nó có thể là những thất bại “con con” khiến người ta phải bật cười, cũng có thể là những cú vấp đau đớn mà phải mất một thời gian dài để đứng lên. 20 câu chuyện hoàn tách biệt của 20 tính cách khác nhau với những cách nhìn không giống nhau về cuộc sống không khỏi khiến người đọc hút theo từng trang sách.
Những ai từng ngồi trên ghế giảng đường chắc chắn sẽ đồng cảm với Varda One trong hành trình gian nan chinh phục điểm A và vị giáo sư khó tính. Hành trình tưởng như “vô thưởng vô phạt” ấy lại ghi dấu nỗ lực không ngừng của một sinh viên “vừa chạy bàn, vừa rửa chén, vừa dự lớp, vừa trông trẻ, vừa hướng dẫn nhóm học tập” và rồi nỗ lực ấy biến thành nỗi thất vọng và cay đắng khi lần nào cũng là “chỉ có điểm số 77- có lẽ đó là con số “xui” của tôi”. Con số “xui” cứ đeo bám chàng sinh viên này hết lần này đến lần khác nhưng nó cũng chính là động lực vô hình khiến anh làm việc nhiều hơn bao giờ hết “ tôi đọc sách kĩ càng hơn” , “tôi đã nỗ lực gấp đôi cho bài kiểm tra”…Và chẳng có gì ngạc nhiên khi nỗ lực ấy được đáp đền với “ điểm A đỏ chót” cuối kì nhưng đều khiến tất thảy mọi người ngạc nhiên chính là lời nói của vị giáo sư khó tính kia với anh: “ Tôi biết nếu tôi cho em những điểm A mà em hoàn toàn xứng đáng đó, em sẽ không tiếp tục làm việc cật lực nữa”. Những thất bại đôi khi có cay đắng một chút nhưng là cần thiết cho thành công.
Trường học đã gian nan như thế nhưng với trường đời sự gian nan ấy còn nhân lên gấp bội. Trong cuốn sách, Stephen đã kể lại câu chuyện dài để tìm ra được công việc mà mình thật sự muốn làm với tựa đề “ Hãy thử mạo hiểm!”. Dũng cảm từ bỏ công việc đã gắn bó 10 năm của một anh “công chức nhàm chán, sáng 9 giờ có mặt, chiều 5 giờ ra về” để tìm kiếm một vị trí tương xứng hơn cho mình. Lẽ dĩ nhiên chẳng dễ dàng gì để có được thành công, ông đã đánh đổi cuộc sống bình lặng trước đây để nhận lấy “ tôi đã sống rất vất vả và sau đó, chỉ nhờ vào hoa hồng, ăn mì, uống nước lã, sáng quáng quàng làm vội ly bột ngũ cốc” và cũng quen dần với những thất bại. Những nỗ lực của ông rồi cũng có kết quả khi trở thành một nhân viên bán cổ phiếu hàng đầu của công ty. Nhưng dường như đó chưa phải là thành công sau cuối của cuộc đời, ông một lần nữa từ bỏ những gì đã có, tiếp tục tìm kiếm giấc mơ và lẽ dĩ nhiên tiếp tục sống với những thất bại. Câu chuyện của Stephen gợi lên nhiều suy nghĩ về việc theo đuổi ước mơ, về việc tìm ra mục tiêu thật sự của cuộc đời và cả bài học về chấp nhận thất bại như một phần của cuộc sống.
Học từ thất bại và sữa chữa những sai lầm là cần thiết để thành công. Nhưng đối với cô bé Amy trong “ Không trách mắng” không còn cơ hôi để sữa chữa sai lầm nhưng nó cũng thật cần thiết để trưởng thành. Tự hào vì mới có được bằng lái xe, Amy rất nôn nóng được thể hiện mình trước các chị em gái. Không may mắn tai nạn xảy ra khi Amy ngồi sau tay lái đã cướp đi người chị thân yêu của cô – Jane. Nỗi đau quá sức đối với một cô gái còn quá trẻ nhưng cô may mắn có người cha người mẹ tuyệt vời : “Jane mất rồi và chúng tôi nhớ nó khủng khiếp. Nhưng nói gì hay làm gì cũng có mang con bé về được đây. Trong khi đó Amy còn có cả một cuộc đời trước mặt. Làm sao nó có thể sống một cuộc đời hạnh phúc nếu cảm thấy rằng chúng tôi oán trách vì nó gây ra các chết của cuộc sống?”. Về sau, Amy làm giáo viên của một trường dạy trẻ khuyết tật và là mẹ của hai đứa bé gái, và bé gái lớn nhất cô đặt tên là Jane. Cô độc trong chính thất bại của chính mình thật sự đáng sợ, dựa vào một ai đó để vượt qua thất bại không làm ta yếu đuối mà trái lại là nguồn lực mạnh mẽ để bước đi.
Còn rất nhiều câu chuyện như thế nơi “ Hãy can đảm và tốt bụng”. Câu chuyện về một cậu bé học sinh tiểu học từ bỏ chiến thắng để tránh thất bại cho một người bạn khác trên đường đua. Câu chuyện của cô bé ham mê bóng rổ nhiều lần bị từ chối vào đội tuyển vì chiều cao 5 fit rưỡi của mình… Những câu chuyện ấy tuy đơn giản nhưng lại đủ sức truyền cho hết thảy mọi người cảm hứng về một cuộc sống trong trẻo hơn.
Một cuốn sách nhỏ bé nhưng chứa đựng sức mạnh khác thường. Không nặng nề, khô cứng và giáo điều như cuốn sách dạy làm người khác, “Hãy can đảm và tốt bụng” chinh phục mọi người bằng sự nhẹ nhàng và ấm áp của nó. Một cuốn sách khi vui ta đọc để thấy hưng phấn, khi buồn ta đọc để tự mỉn cười…