Tất cả mọi người chứ không riêng gì teen đều mong muốn mình giàu có. Nhưng nhiều teen lại đang khổ vì mang tiếng con nhà giàu.
Nhà giàu khó kết bạn
Gia đình
bạn không được xếp vào hàng “quí tộc”. Bạn đến trường hàng ngày với chiếc xe đạp, chứ không phải xe tay ga hay xế hộp thì bạn cảm thấy thật ngưỡng mộ và đôi khi ghen tị với những người được như vậy! Teen đừng lầm tưởng rằng cứ được sinh ra trong một gia đình giàu có là hạnh phúc trọn vẹn nhé. Các bạn ấy cũng có rất nhiều tâm sự đấy.
Bạn M (lớp 9 trường NTT): “Bố mẹ mình giàu nhưng đâu có cho mình nhiều tiền. Hàng ngày mình cũng chỉ được 20.000 để tiêu vặt thôi. Mỗi khi phải đóng góp gì nhiều thì mình cũng phải về xin rồi hôm sau đóng. Có những bạn thông cảm cho mình nhưng nhiều bạn không hiểu thì cho mình là nhà giàu mà keo kiệt. Nhiều lúc thấy tức lắm nhưng chỉ biết im lặng”.
Bạn H (Lớp 11 trường T.P) tâm sự rằng bạn đã shock khi vô tình nghe thấy 2 người bạn trong nhóm nói với nhau rằng: “Nhà nó giàu, nó lại cần bọn mình nên cứ chơi với nó để có người tài trợ”, sau đó là những tràng cười hả hê.
Khi nhận ra nhóm bạn chơi với mình chỉ để lợi dụng vật chất thì H cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm: “Bố là giám đốc nhưng gia đình mình cũng chỉ khá hơn các bạn một chút thôi. Vậy mà lúc nào đi ăn các bạn cũng lảng đi để mình phải trả tiền. Ban đầu mình cũng không tính toán gì nhưng khi biết bị lợi dụng thì mình rất thất vọng”.
Còn bạn T lại thấy thật khó để kiếm cho mình một người bạn tốt khi mang tiếng “đại gia”. Nguyên nhân bởi hiện nay có nhiều teen kết bạn để lấy…tiếng tăm chứ không phải vì quý mến nhau thật sự.
T cho rằng: “Mọi người cứ nghĩ có tiền sẽ có tất cả nhưng không phải như vậy. Mình đã từng có rất nhiều bạn, nhưng khi gặp khó khăn mới biết đó chỉ là bè chứ không phải là bạn. Lắm lúc chỉ ước có được một người bạn thật sự mà khó quá”.
Giàu hay nghèo không ảnh hưởng đến tình bạn khi tình cảm xuất phát tự sự chân thành, không vụ lợi. Nếu teen chọn bạn chỉ nhìn vào “túi tiền” của họ thì rồi lúc tiền hết thì tình bạn cũng…tan biến.
Giàu nhưng có lúc ước…nghèo
Có điều kiện vật chất rõ ràng là điều ai cũng mong muốn. Nhưng đôi khi các bạn lại ước mình đừng được cái tiếng “con nhà giàu”.
Bố MT (SV năm 1 ĐH M) làm kinh doanh nên có rất nhiều mối quan hệ. Cuối tuần, bố mẹ thường hẹn bạn bè ăn tiệc ở các nhà hàng để mở rộng quan hệ, tìm người giúp đỡ cho công việc MT sau này.
Tất nhiên bữa tiệc không thể thiếu cậu con trai tài giỏi. Vì vậy MT thường xuyên phải đứng ngoài những chuyến đi chơi tập thể của bạn bè. Ban đầu MT cũng chiều ý bố mẹ, nhưng càng ngày bạn càng thấy mất tự do và chỉ ước gia đình mình “bình thường như các bạn cùng lớp để có thể thưởng thức những ngày cuối tuần theo sở thích của mình”.
Là tiểu thư của một gia đình giàu có ở HN nên N (15t) luôn được bố mẹ chăm sóc rất cẩn thận từ chuyện ăn mặc, đi lại cho đến những mối quan hệ bạn bè. Mỗi khi N khoe mẹ một người bạn mới đều nhận được những câu hỏi chất vấn kiểu như: Bố mẹ bạn ấy làm gì? Nhà ở đâu?. Đôi khi N thấy mẹ không phải quan tâm đến người bạn đó mà chỉ hỏi để biết xem bạn ấy có “xứng” chơi với con gái mình không mà thôi.
N chia sẻ: “Dù không muốn nhưng cũng phải thú nhận rằng mẹ mình rất hay phân biệt giàu- nghèo. Bọn mình chơi với nhau vì tình cảm chứ không phải tiền bạc. Nhưng mẹ thì luôn nghĩ rằng những bạn nhà nghèo chơi chỉ để lợi dụng mình thôi. Vì vậy có lúc mình phải giấu các quan hệ bạn bè. Giá mà nhà mình nghèo một chút có lẽ mẹ không khắt khe như vậy”.
Người lớn luôn có những lý lẽ riêng của mình và điều đó không hoàn toàn sai. Quan trọng là chúng ta hãy cố gắng thích nghi và tạo niềm tin ở các bậc phụ huynh khó tính. Rồi sẽ có lúc bố mẹ nhận ra con cái họ đã trưởng thành và hoàn toàn có thể trao quyền quyết định vào tay chúng mình đấy.
Theo PLXH