Mỗi khi đến mùa tuyển sinh đại học, nhìn các sỉ tử ra vào tấp nập đăng ký dự thi tôi lại có dịp tìm về ký ức ngày xưa. Một ký ức cứ khiến tôi day dứt mà mỗi khi nghĩ đến tôi lại cảm thấy mắt mình nóng dần lên và hình như tôi muốn khóc.
Thật nực cười, một thằng con trai như tôi sao lại muốn khóc, sao lại yếu đuối như vậy? Tôi nhớ về cái thuở mà tôi vừa mới tốt nghiệp cấp ba, đang rục rịch chuẩn bị cho mùa tuyển sinh này. Cũng chính thời điểm đó, tôi đã làm cho cha mẹ phải rơi lệ, những giọt lệ buồn vì tôi.
Đó là kỷ niệm khó quên mà tôi xem như vô giá, luôn khắc ghi trong tiềm thức nơi trái tim mình. Là con một trong nhà nên tôi được cha mẹ dồn hết tình yêu thương lo cho cái ăn cái học để bằng bạn bằng bè trong thôn trong xóm.
Tôi chọn cho mình một ngôi trường trên thành phố để thi vào đại học. Vì thế để chuẩn bị thật tốt cho việc ôn thi cận kề, cha mẹ đã cho tôi lên thành phố tầm sư học đạo.
Cha đi cùng tôi lên Sài Gòn để sắp xếp chổ ăn chổ ở cho tôi. Mọi việc đâu vào đó, cha mới yên tâm mà bắt chuyến xe đò về quê sớm để cho kịp gặt mấy đám lúa vần công. Công việc còn đang dang dở ở quê mà một mình mẹ thì không thể quán xuyến hết.
Trước khi về, cha dặn dò tôi đủ điều:
– Ở lại thành phố ráng mà học hành nha con. Đừng có ham chơi với bạn bè mà bỏ bê việc học đó nghen.
Một thằng con trai với làn da ngăm rặc đậm chất miền Tây sông nước, từ miền quê mới lên. Tò mò, ham chơi, thích nhiều điều lạ lẫm. Tôi cảm thấy lạ tai với những điều mà bạn bè xung quanh nói đến nào là quán ba, vũ trường. Theo bạn bè vui chơi, công việc học hành ngày càng bỏ bê xao lãng.
Không màng tới, tôi còn học đòi theo mấy ván bài đỏ đen thâu đêm suốt sáng thua nhiều mà ăn thì không có bao nhiêu. Tiền ba mẹ cho tôi đều tiêu hết sạch, đến cả chiếc xe đi học tôi cũng đem cầm.
Tôi không dám điện thoại về nhà xin tiền cha mẹ nữa vì tôi không còn lý do gì để mà bịa ra. Nào là ôn thi môn này, mua thêm sách nọ, phải bồi dưỡng kiến thức, phải đóng tiền học lắc nhắc. Có lắm lúc cha đòi lên thăm tôi, sợ bị phát hiện tôi lấy cớ:
– Con bận học nhiều, con vẫn khỏe, cha không cần lên thăm con đâu.
Kỳ thi tuyển sinh đã tới, trong đầu tôi không có một chữ bẻ đôi thì lấy gì mà thi, chủ nợ thì đòi tiền ráo riết. Tiền nhà trọ, tiền ăn, bao nhiêu thứ cứ cuốn vào tôi đến nghẹt thở. Bí và cùng đường tôi khăn gói về quê tìm cha mẹ cứu giúp.
Vừa bước chân vào ngõ, con chó phèn chạy đến vẫy đuôi mừng rỡ. Không màng tới nó, tôi đi thẳng một mạch vào nhà. Gặp tôi cha mẹ mừng lắm hỏi han đủ thứ, nhìn cha mẹ tôi không kìm được nước mắt, tôi khóc và thú tội. Tôi nói lí nhí lấp la lấp lửng rồi kết lại một câu trong tiếng nức nghẹn:
– Nếu con không trả tiền thì xe con bị bán mất cha mẹ ơi!
Không gian nhà tĩnh lặng, tiếng cười đùa ban đầu bỗng dưng im ắng.
– Con ơi là con! Sao con lại hư đốn như vậy !
Mẹ tôi gào lên và khóc. Riêng cha tôi vốn nóng tánh, ông liền cho một cái bộp tay như trời giáng với những trận đòn bầm dập.
Qua nhiều ngày suy đi tính lại, mẹ phải bấm bụng bàn với cha cầm đất chuộc xe. Thấy tờ giấy cầm đất trên tay cha mà lòng tôi đau xé như từng mũi kim đâm sâu vào lòng ngực. Tôi hối hận vì tuổi trẻ ham chơi bồng bột mù quáng.
Bỏ lỡ kỳ thi đại học để rồi sau này cha mẹ phải vất vả nhiều hơn. Giọt nước mắt muộn màng của tôi không thể xóa đi những việc mình đã gây ra. Bài học đầu đời đáng nhớ mà tôi nguyện nơi đáy lòng mình, hứa với cha mẹ sẽ không vướng vào con đường sai lầm này một lần nữa.
Thời gian trôi nhanh, quá khứ rồi cũng phải lùi lại. Hiện tại giờ đây, tôi đã ra trường và đi làm. Tôi mong các bạn đừng giống như tôi, bỏ lỡ một kỳ thi mà đã mười hai năm dùi mài kinh sử, phụ đi công ơn tấm lòng của cha mẹ cũng như thầy cô của mình.
Đặng Tuấn Thanh