Ly hôn trở thành một hiện tượng mang tính toàn cầu nổi lên trong hơn nửa thập kỷ qua. Theo Ben Bland của tờ Financial Times, tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam tuy chỉ mới tăng lên gần đây nhưng đã tăng 50% trong vòng 5 năm qua.
Trao đổi với Radio Australia, phóng viên thường trú tại Việt Nam Ben Bland của tờ Financial Times, người đã nghiên cứu về xu hướng thay đổi này, cho rằng sự gia tăng này ở Việt Nam có liên hệ với thay đổi luật pháp từ năm 2005, khiến các cặp vợ chồng dễ ly hôn hơn, nhất là trong trường hợp họ không tìm được sự đồng thuận.
Việt Nam được xem là một xã hội chú trọng đến vai trò phụ nữ, dư luận xã hội và sự bền vững gia đình được xem là nền tảng tốt nhất cho xã hội. Thế nhưng, Việt Nam đã dần mở cửa với thế giới bên ngoài, cả về mặt kinh tế lẫn xã hội những năm qua.
Ben cho rằng chính những thay đổi kinh tế và xã hội đã thúc đẩy những gì đang xảy ra ở Việt Nam. “Các nhà nghiên cứu xã hội nói rằng phụ nữ là nguyên nhân đằng sau những vụ ly hôn gia tăng. Thay đổi kinh tế-xã hội khiến cho phụ nữ có điều kiện tài chính độc lập, nhất là ở thành phố. Và khu vực nông thôn cũng đang thay đổi”.
Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ở Việt Nam lớn lên trong bối cảnh đất nước có đời sống vật chất tốt và mở cửa hơn với thế giới, nên họ có điều kiện tiếp cận với lối sống tự do hơn của phương Tây và sẵn sàng phá bỏ truyền thống cũ vốn ràng buộc con người.
Mặc dù số vụ ly hôn ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua, từ 53.000 lên 90.000 năm ngoái, nhiều người vẫn xem đây là một tỷ lệ thấp so với các nước phương Tây.
Theo Ben, có một lý do để mức gia tăng ly hôn ở Việt Nam chưa đến nỗi quá trầm trọng là vì chính phủ rất quan ngại và cố gắng tránh những thay đổi xã hội có thể phá vỡ trật tự hiện có.
“Việt Nam là nước cộng sản chủ nghĩa, nơi Chính phủ vẫn thực hiện những chiến dịch tuyên truyền trên truyền hình hoặc qua báo chí nhằm khuyến khích người dân khắc phục mâu thuẫn và gìn giữ gia đình”, Ben cho biết.
Tuy nhiên, tỉ lệ ly hôn gia tăng cũng tạo ra sức ép đối với hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Hiện nay, cùng một cấp tòa án phải xử lý cả những vụ án hình sự và dân sự thông thường cũng như các vụ ly hôn. Bản thân các luật sư và thẩm phán cũng chưa được trang bị đủ để xử lý những vấn đề phức tạp liên quan đến ly hôn. Cho nên, theo Ben, Việt Nam cần sớm phát triển một hệ thống tòa án chuyên trách giải quyết các vấn đề gia đình, trong đó có ly hôn.
Nguồn Bayvut