9 năm qua, chương trình Tiếp sức mùa thi (TSMT) đã hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần cho hàng triệu triệu thí sinh. Điều quan trọng hơn nữa, TSMT còn giúp các bạn trẻ có cơ hội giành lấy tấm vé vào đại học – ngưỡng cửa quan trọng tiếp cận tri thức và thành công.
Thanh niên và Cuộc sống giới thiệu câu chuyện dưới đây về những thí sinh (TS) ngày xưa với tinh thần vượt khó và khát khao vươn lên bằng sức mạnh của tri thức hiện giờ đang thành công trong cuộc sống.
Suýt chút nữa một cựu học sinh đã chịu thua số mệnh khi không nhận được giấy báo dự thi, nếu không có TSMT. Đó chính là Nguyễn Văn Tư (28 tuổi), quê ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, dự thi vào trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) năm 2003, hiện là chuyên viên pháp lý tư vấn kinh doanh, văn phòng Tập đoàn Cargill tại VN.
Một cậu học trò ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk như tôi không có nhiều điều kiện để tìm hiểu thông tin về các trường ĐH, CĐ. Tốt nghiệp lớp 12, tôi đăng ký thi vào trường CĐ Giao thông vận tải 3 (Đà Nẵng) chỉ với hy vọng đơn giản: gần nhà, tốn ít tiền, thời gian học ngắn, tốt nghiệp xong kiếm được việc phụ giúp bố mẹ.
Đến Đà Nẵng học, sau đó tôi lại quyết định đăng ký dự thi vào trường ĐH Ngoại thương và coi đó là một lần đánh cược để thay đổi số phận mình.
Gần đến ngày dự thi, trong khi TS khắp nơi đã nhận được giấy báo thi và đều đã đến điểm dự thi để chuẩn bị cho cuộc “vượt vũ môn”, tôi lại không nhận được bất kỳ thông tin gì về hồ sơ của mình. Nhiều lần hỏi bưu điện xã nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “không biết”. Tôi cũng không biết hỏi ai, tinh thần tôi hoang mang, suy sụp nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng số phận đã định đoạt tương lai của tôi, tôi gần như từ bỏ ước mơ của mình.
Vài ngày trước khi thi, lang thang qua trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng với tâm trạng rối bời, tôi gặp một đội sinh viên mặc áo xanh tình nguyện với dòng chữ “Tiếp sức mùa thi 2003”. Không biết đó là gì nhưng tôi vẫn bước đến chỉ với hy vọng mong manh may ra có ai đó giúp được điều gì.
Một anh chăm chú lắng nghe câu chuyện của tôi và hẹn tôi quay lại vào buổi trưa. Sự nhiệt tình của anh đã kéo chân tôi quay lại vào buổi chiều. Anh nói đã hỏi thăm giùm tôi và khuyên tôi nên vào thành phố ngay để kịp thời gian khiếu nại giấy báo dự thi.
Vậy là hy vọng lại le lói trong tôi. Tôi hăm hở lên đường vào TP.HCM với hành lý chỉ có vài bộ quần áo, ít sách vở cùng số tiền ít ỏi, không đủ để thuê nhà trọ nên đành chọn Công viên Hoàng Văn Thụ là “nhà”.
Tôi đến trường, nhưng vì thiếu một số giấy tờ nên tôi vẫn không có phiếu báo danh. May mắn thay tôi đã gặp đội tình nguyện Tiếp sức mùa thi của trường ĐH Ngoại thương. Họ đã nhiệt tình hướng dẫn, giúp tôi các thông tin cần thiết, viết giấy cam kết và còn đưa tôi đến trường thi vào buổi đầu tiên làm thủ tục để tôi có thể dự thi.
Tôi bước vào phòng thi với tâm trạng hân hoan và quyết tâm cao độ. Năm đó tôi đã thi đỗ vào ĐH Ngoại thương và tiếp tục con đường học vấn của mình ở một trình độ cao hơn.
Những ngày học ở TP.HCM, khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây, nhưng nghĩ đến tương lai tươi sáng hơn, nghĩ đến bố mẹ, đến những người không quen biết đã giúp đỡ mình ngày nào, tôi càng cố gắng nhiều hơn.
Hiện nay tôi đã tốt nghiệp được 4 năm, đã có việc làm ổn định tại văn phòng Tập đoàn Cargill tại VN. Tôi đã lập gia đình từ cuối năm 2009 và đang chuẩn bị chào đón cô con gái đầu lòng vào tháng 5 này. Tất cả những khó khăn, cực nhọc, gian truân của những ngày ấy, tôi vẫn như mới thấy hôm qua thôi.
Những gì có được ngày hôm nay, có thể rất bình thường đối với nhiều người, nhưng đối với tôi là một kỳ tích. Con đường thoát nghèo bằng cái chữ không còn là chuyện cổ tích của người khác, mà là của chính tôi.
Tôi thấy hạnh phúc và biết ơn vì những gì mình đang có. Nếu ngày ấy không có TSMT, tôi có thể bỏ cuộc. Tôi vẫn luôn mong được gặp người đã sáng tạo ra tiếp sức mùa thi, được gặp lại anh Tùng – SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng, được gặp lại các bạn SV tình nguyện của trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 năm 2003… chỉ để làm một điều thật đơn giản: cảm ơn họ bằng tất cả tấm lòng của mình.
Theo Thanh Niên
Tiếp sức mùa thi