Đưa đón con đi học là một trong những câu chuyện dài trắc trở của các bậc phụ huynh thời nay
Đồng nghiệp than buổi chiều tắc đường, đưa đón con đi học mệt quá. Đang họp ở cơ quan thì phải “đánh bài chuồn”, dù trong lòng không khỏi áy náy ngại… sếp, nhưng đâu có thể để con đứng vất vơ ngoài cổng trường. Thế rồi, vừa đi được một đoạn, xe máy lại bị len trong đám tắc đường. Đến nơi thì muộn gần một giờ đồng hồ, con bé phụng phịu vì đứng chán ở ngoài cổng trường rồi, mỏi chân và đói bụng.
Hầu như ai bây giờ cũng phải đưa đón con đi học, thậm chí cả những người có con lớn, học đến trung học phổ thông. Đường thì đông xe cộ, người điều khiển xe thì không tuân thủ luật lệ giao thông. Rồi những bất trắc khó lường, như “mẹ mìn” chẳng hạn, khiến cho chả ai dám “sểnh” con mình ra một chút.
Có nhà có con trai đi học, trong điện thoại của cha mẹ lưu số của mấy bác xe ôm, vừa là chỗ quen biết vừa đã được “thẩm tra lý lịch” kỹ càng, để nhờ đưa đón. Nhà có con gái thì không dám mạo hiểm, quen với thân cũng chả nhờ !
Cô bạn tôi có lần kể: Cha và mẹ bận đột xuất, không đến trường đón con gái được, bèn bảo con tự đi taxi về nhà. Tối về, vợ chồng hục hặc mắng nhau là bất cẩn. Nếu tay lái taxi mà lưu manh, nó chở con đi mất thì biết đâu mà tìm?
Trước cửa mọi trường tiểu học trong thành phố, không sáng nào mà không tắc đường. Mà cũng không hẳn là tắc, nói theo người dẫn chương trình của VOV Giao thông, thì là “lưu chuyển chậm”. Dòng xe nhích dần từng đoạn đến trước cổng trưởng, và dừng lại, rồi các cô cậu học sinh rời xe của cha mẹ để bước vào trường. Trường nào phụ huynh khá giả, nhiều ô tô đỗ lại cho các cậu ấm cô chiêu xuống xe, thì dòng xe lưu chuyển chậm càng dài hơn…
Lại nhớ ngày xưa đi học, đa số các trò đều tự đến trường. Hồi năm 1977, tôi học vỡ lòng ở một trường trong nội thành (tương đương lớp 1 tiểu học bây giờ). Sáng được mẹ dắt đi. Buổi trưa tan trường, cả lớp xếp hàng từng trò túm áo nhau thành một dây dài, có bạn lớp trưởng dẫn đầu, và cô giáo dắt xe đạp đi theo ở cuối hàng, để đi về. Cô giáo trẻ, mặc áo hoa và quần xoa đen. Cô với trò trông hẳn đáng yêu lắm, nên rất hay có những chú thanh niên gọi với theo trêu cô: “Cô giáo ơi, cho “em” vào lớp với !…”.
Cứ túm áo nhau như vậy cho qua đoạn đường có cái ao cho an toàn, thì cô giáo lên xe đạp đi về, để học trò đi tiếp. Học trò thì đến từng đoạn lại tản mát, ai về nhà nấy, cho đến nhà tôi là xa nhất, cuối đường, còn 3 đứa trẻ ở chung một khối nhà tập thể.
Đấy là học trò bé tí, vừa qua mẫu giáo. Chứ lớn hơn một chút, từ lớp 1 trở đi thì đi học cùng bạn bè, chả phải có ai đưa đón, trừ lúc trời mưa. Đi một mạch từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Cũng có bạn la cà đi chơi hay ăn quà vặt, để cha mẹ phải đi tìm nhưng chỉ là cá biệt. Hồi đó còn chưa có quán chơi game để học trò lêu lổng lên mạng tối ngày như bây giờ.
Bây giờ, ví thử nếu các bậc cha mẹ mà không phải đưa con đến trường, thì có lẽ nạn tắc đường cũng giảm phần nào… Nhưng làm sao thế được, vì ngoài những lý do kể trên, còn có lý do: nếu cho con học trường điểm hay trái tuyến thì không mấy khi gần nhà!
Theo nld