Tác giả: Freedom Writer Teachers. Erin Gruwell
Dịch giả: Hoàng Mai Hoa.
Nhà xuất bản: Nxb Thời Đại
Số trang: 452
Giá bìa: 89.000 VNĐ
Thể loại: Sách học làm người, giáo dục
Đối tượng: tất cả mọi người
Nghề giáo- có lẽ là nghề gian nan, chông gai nhưng cũng nhiều vinh quanh nhất. Ai trong chúng ta cũng đã lớn lên và khắc ghi trong tim tiếng trống trường rộn rã mỗi ngày đến trường, tiếng cô thầy đều đều bắt nhịp cho ta bước vào đời. Nhưng mấy ai hiểu được biết bao tâm huyết, trăn trở của những người đưa đò dành cho những lớp học trò thân thương. Đến với “người gieo hy vọng”, chúng ta sẽ bắt gặp: “mỗi câu chuyện đều không giống nhau, nhưng nếu có một tình cảm cao đẹp, một câu nói xuất hiện lặp đi lặp lại, đó là lời công bố giản dị: tôi là một người thầy. Họ nói ra điều đó với tất cả sự hiến dâng và đầy tự hào, và họ nên làm như vậy.” – Anna Quindlen, nhà báo chủ nhân của giải Pulitzer danh giá, đồng thời được coi là nhà phê bình về lối sống đương đại Mỹ
Câu chuyện bắt đầu từ ERIN GRUWELL. Cô mới tốt nghiệp đại học, về làm giáo viên ở một trường trung học. Vượt qua những trở ngại ban đầu vì những học sinh ngỗ nghịch do hoàn cảnh gia đình đặc biệt éo le, cô khuyến khích họ bày tỏ nỗi niềm của mình qua những trang nhật kí. Qua đó, cô giúp họ nhận ra những giá trị sống vẫn còn tiềm ẩn, cứu họ khỏi nguy cơ sa lầy vào những tệ nạn xã hội hoặc lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn, khiến họ thực sự trưởng thành và có vị thế trong xã hội. Cô gọi những học sinh cá biệt này là Những nhà văn Tự do.
Sau thời gian làm giáo viên trung học, cô quay lại trường đại học làm công tác giảng dạy. Tại đây, để sinh viên am hiểu tường tận về những giá trị lớn lao của mối cảm thông giữa thầy và trò, cô mời chính những học sinh cũ của mình – Những nhà văn Tự do – tới nói chuyện cho sinh viên nghe. Những buổi nói chuyện như vậy đã gây xúc động mạnh mẽ đối với các sinh viên. Lúc đó, cô nhận ra những bài học thực tế của cuộc sống lại có giá trị học thuật. Từ đây, cô nảy ra một ý tưởng muốn nhân rộng mô hình giảng dạy thành công này cho các trường học ở khắp nơi, tái tạo lại điều kỳ diệu đã từng xảy ra tại phòng học 203 của cô và những nhà văn tự do năm xưa. Thế là 150 giáo viên từ Mỹ và Canada được quy tụ lại. Đó là những giáo viên phải mang trong mình một niềm tin rằng mỗi đứa trẻ là một món quà và mỗi em phải được dạy dỗ một cách khác nhau, chúng có khả năng làm mọi chuyện; giáo viên chính là những nhà ươm hạt mầm nơi những học sinh của họ.
Những giáo viên này đến Long Beach và học hỏi từ Erin Gruwell và những nhà văn tự do để sau đó trở lại lớp học với những học sinh của họ. Bằng cách đó, kết quả giáo dục trở nên đáng lạc quan, nhiều học sinh của họ đã tốt nghiệp xuất sắc, có nghề nghiệp và thăng tiến. Những giáo viên này đã tiếp tục phối hợp với nhau và chia sẻ những câu chuyện riêng theo cách mà họ đã chia sẻ khó khăn với học sinh. Cuốn sách này chính là sự kết hợp của những câu chuyện ấy. Nó phản ánh trung thực những thách thức những học sinh phải gánh chịu, những khó khăn của giáo viên để đưa các em đến với bài giảng một cách thu hút và những cảm xúc vỡ òa trong mối đồng cảm giữa giáo viên và học sinh.
Mỗi câu chuyện, một cuộc đời
Mỗi câu chuyện hé mở một hoàn cảnh đặc biệt của những em học sinh ngày ngày đối diện với ma túy, bạo lực, bị ngược đãi, bị hãm hiếp; những em sống trong những gia đình vô gia cư, từng trốn học, bỏ nhà đi, hay bị đưa vào trại giam ngay từ khi còn rất nhỏ; một học sinh chăm ngoan, học giỏi nhưng nhốt mình trong vỏ bọc của bản thân để rồi tự tìm đến cái chết để kết liễu đời mình; xung quanh đầy rẫy những kẻ nghiện rượu và nguy hiểm sẵn sàng vồ lấy các em…cuộc sống đã dạy các em cách giấu đi những vết sẹo trong tâm hồn và thay vào đó bằng vỏ bọc của sự chống đối, sự bướng bỉnh và thái độ ngỗ ngược. Có lẽ người ta gọi đó là những học sinh cá biệt. Qua những cảm nghiệm rất thật về những mảnh đời bất hạnh này, Erin Gruwell và những nhà văn tự do đã nhận thấy “ngay cả những em học sinh rất chủ tâm học tập vẫn có thể gặp phải rào cản nào đó huống chi các em cá biệt”. Họ đã dùng hết tâm huyết của một nhà giáo để tin tưởng và giáo dục những học sinh cá biệt này trở thành những con người biết phát hiện giá trị đang bị lãng quên.
Để kiến thức trở nên gần gũi với cuộc sống
Erin Gruwell và những giáo viên này phát hiện ra mỗi em học sinh của mình là một sự độc đáo, một món quà đặc biệt của tạo hóa. Để các em hứng thú với bài học, họ phải kết nối với kiến thức với cuộc sống thực tế của các em. Ở độ tuổi vị thành niên, mọi thứ trong cuộc sống đều tập trung vào những gì thực tế nhất. Một trong những cách để thu hút các em là trò chơi xếp hàng. Họ chia lớp học thành hai nửa, phân cách bởi một vạch trắng giữa sàn lớp học, rồi yêu cầu các em bước tới hàng kẻ nếu câu hỏi gắn với cuộc đời các em: đứng lên hàng kẻ nếu em biết ma túy bán ở đâu, đứng lên hàng kẻ nếu em từng chứng kiến bạn em bị bắn, đứng lên hàng kẻ nếu em từng đến thăm người thân ở trong trại giam…Bằng cách đó, Erin Gruwell và những giáo viên của họ đã phát hiện ra những thương tổn trong lòng những người học trò, rằng ai cũng mang trong mình những nỗi ưu tư không thốt thành lời, rằng mỗi em đều cần được lắng nghe và thông cảm. Và như thế, lớp học trở thành một gia đình để các em phơi bày những yếu đuối, mảnh manh trong tâm hồn. Đó là sự khởi đầu để đánh thức những giá trị đang tiềm ẩn trong mỗi học sinh. Đó là cách các giáo viên bắt đầu đem bài học đến với mỗi học sinh của họ và biết nó có giá trị như thế nào với những đứa con tinh thần của họ.
“Là một giáo viên trung học, mục tiêu của tôi là yêu thương và hỗ trợ học sinh vô điều kiện, là đội trưởng đội cổ vũ của các em. Các nhà giáo dục buộc phải có trách nhiệm cung cấp cho học sinh không chỉ là chiến lược để vượt qua những bài kiểm tra tiêu chuẩn. Chúng ta cần phải truyền tải cho các em học sinh của mình những bài học nhằm làm phong phú cuộc sống của các em, những bài học nhằm mài dũa khả năng suy nghĩ chín chắn của các em, những bài học giúp phát huy những tiềm năng sẵn có bên trong các em để các em lớn lên, trở thành những thành viên tích cực trong xã hội”
[bluebutton pos=”right” add=”https://dakota.vn/goc-cam-nhan/nguoi-gieo-hy-vong/2/”]Trang sau >[/bluebutton]