Tưởng phát điên lên được
Đọc những dòng tâm sự của cô bé trong bài “Khi nào tớ mới được yêu?” trên Tuổi Trẻ Online, tôi bỗng giật mình bởi những điều cô bé trải qua sao giống đứa con gái đang học lớp 8 của tôi quá.
Giật mình khi nghĩ biết đâu đó chính là con gái tôi đã viết lên những dòng tâm sự dưới một cái tên xa lạ để không ai (kể cả tôi) biết rằng cháu đang vùng vẫy trong thế giới riêng của mình, với những suy nghĩ, hành động vừa ngô nghê, con nít vừa có những cái lý riêng. Thú thật khi biết con gái mình đang có bạn trai, tôi tưởng như phát điên lên được.
Hằng ngày đưa đón con đi học, tôi vẫn chứng kiến cái sự trẻ con rất hồn nhiên của cháu và rất mực tin rằng: “Con mình trong sáng là vậy, chắc không bị dính vào mấy chuyện yêu đương sớm như những cô bé, cậu bé khác”. Tôi vẫn để ý từng ngày sự trưởng thành, lớn khôn của cháu qua từng thay đổi nhỏ, từ cách đi, cách đứng, cách nói, cách cười, cái liếc mắt hay cả kiểu tóc, trang phục. Tôi không can thiệp quá nhiều khi cháu vẫn vô tư mặc những chiếc quần ngắn trên đầu gối tới lớp học thêm.
Khi cháu muốn dùng điện thoại, tôi mua cho cháu mà không lo lắng đến nỗi phải đưa ra những giới hạn của việc sử dụng. Thậm chí mỗi lần muốn cháu làm điều gì cho mẹ hoặc gia đình, tôi vẫn phải chấp nhận những “điều kiện” như: mua sắm quần áo, đi coi phim hoặc cho tiền. Từ những chuyện như thế, tôi đinh ninh cháu chỉ là đứa con nít, còn lâu cháu mới dính chuyện yêu đương!
Bởi thế, tôi đã bị sốc vô cùng khi có lần cháu để quên điện thoại ở nhà, tôi cũng chỉ vô tình mở lên xem con mình cài đặt, trang trí điện thoại như thế nào. Và những tấm hình chụp chung giữa cháu với một anh chàng nào đó vô cùng thân mật khiến tôi bàng hoàng đến thẫn thờ cả buổi sáng hôm ấy.
Có những tấm hình chúng chỉ chụp theo kiểu các bạn trẻ bây giờ hay chu môi, phồng má, trợn mắt, nhưng có những tấm hình hai cháu ôm nhau chặt cứng, thậm chí… hôn môi nhau. Nhưng tấm hình khiến tôi tưởng như mình sắp chết đến nơi là tấm hình cậu con trai đứng trước mặt con gái tôi, hai tay kéo cổ áo con bé rồi… nhìn vào bên trong.
Nguồn: thăm dò của Tuổi Trẻ Online
Tôi không thể tin được và hi vọng đó chỉ là những hình ảnh cháu tải từ Internet, hoặc đó là hình ảnh của bạn cháu mà cháu chỉ là “thợ chụp bất đắc dĩ”. Nhưng cái răng khểnh này, cái lông mày “dấu sắc, dấu huyền” này, cái mặt tròn phúng phính này, đôi mắt một mí này, cho dù cháu có hóa trang và đứng giữa hàng trăm cháu khác tôi vẫn nhận ra đó là con gái mình, chẳng thể là ai khác.
Nỗi đau khi bị con từ chối
Lần đó, trạng thái cảm xúc của tôi chuyển từ bàng hoàng, thẫn thờ sang khóc lóc, giận dữ. Khi con bé về đến nhà, tôi không kiềm chế được nên đã la mắng cháu rất nhiều. Ban đầu cháu im lặng. Nhưng cháu càng im lặng càng khiến tôi như bị đổ thêm dầu vào lửa. Phải chi cháu nói với tôi rằng đó chỉ là đóng kịch, đó không phải là mình, hay cháu xin lỗi… có lẽ tôi sẽ nguôi ngoai. Nhưng cháu im lặng như một lời thừa nhận khiến tôi không thể kiềm chế cảm xúc (mà ngay lúc này khi nghĩ lại tôi rất ân hận). Cháu cãi lại tôi, lần đầu tiên trong đời cháu cãi lại tôi. Sau đó cháu vào phòng mình và để lại cho mẹ tiếng đóng cửa phòng đầy hậm hực, giận dỗi.
Từ đó, cháu như một người xa lạ với tôi. Cháu vẫn ngồi sau lưng khi tôi chở đi học nhưng không líu lo chuyện này chuyện kia, cũng không ăn cùng bàn mà múc một tô cơm rồi vào phòng riêng. Càng cố gắng hiểu cháu, cháu càng nghĩ tôi muốn quản lý cháu. Khi tôi “làm hòa”, hỏi han quan tâm cháu và cậu bạn kia thì cháu cho rằng tôi muốn “moi móc thông tin” để can thiệp chuyện riêng.
Là một người mẹ, có nỗi đau nào lớn hơn khi bị con từ chối! Đến giờ tôi vẫn không dám nói cho ba cháu biết sự cố này vì sợ tính nóng nảy của ba sẽ khiến cháu rời xa cha mẹ hơn.
Cháu không muốn nói chuyện với tôi, nhưng tôi mong cháu hiểu là: “Mẹ sẽ cho con yêu khi nào con đủ lớn. Đủ lớn để yêu nghĩa là con có bạn nhưng không bị xao nhãng việc học, không bị cuốn vào những cuộc vui vô bổ… Đủ lớn để biết lựa chọn nơi vui chơi lành mạnh và an toàn. Đủ lớn để không khiến mẹ phải lo lắng khi xin mẹ đi chơi đến 21g mà tận 23g30 mới về, không một lời nhắn khiến mẹ thấp thỏm không yên, gọi điện thoại thì con không bắt máy. Đủ lớn để đủ tin mẹ, chia sẻ cùng mẹ những cảm xúc đang nảy nở trong lòng, để mẹ được cùng con trải qua những vui buồn giận dỗi của tuổi mới lớn, để mẹ định hướng cho con đi đúng đường chứ không như những chú nai con ngơ ngác… Đủ lớn nghĩa là con hiểu rằng: mẹ rất yêu con”.
Một phụ huynh (Q.Tân Bình, TP.HCM)