Thực phẩm tăng giá, đi chợ như …mất cắp
“Ôi, sao đắt thế”; “Mới hôm nọ có chín mươi sao giờ đã trăm hai rồi”; “Ơ, tưởng chỉ 13 thôi chứ”… là những câu quá quen thuộc mà người ta có thể nghe thấy ở bất cứ hàng nào, chợ nào kể từ sau Tết đến giờ….
Cứ hy vọng giá đắt vài hôm rồi chững, nhưng bà nội trợ thì mỗi ngày lại thêm choáng váng vì giá cứ tiếp tục tăng. Trước đây, trong lúc chuyện trò, các bà nội trợ thường nói: “Ôi dào, tiền thức ăn thì hết bao nhiêu. Các khoản thời trang hay chi tiêu hiếu hỉ, sắm sửa đồ dùng, tiện nghi, rồi đi du lịch… thì mới tốn nhiều”. Nhưng giờ đây, câu đầu tiên mà các bà các chị nói với nhau lại là: “Khiếp, giá cả sao mà đắt kinh khủng thế. Đi chợ mà chỉ mang trăm bạc thì chả mua được cái gì!”.
Dạo một vòng quanh chợ Ngọc Khánh, chị Khanh bất ngờ khi thấy hàng loạt hàng cá nghỉ chợ. Chợ này mọi khi vốn là nơi được các bà nội trợ rất ưa chuộng vì hàng hoá phong phú mà giá cả lại hợp lý. Phần lớn cá ở chợ được những người ngoại thành trực tiếp mua từ Thường Tín, Phú Xuyên, hay Hoà Bình mang đến. Cá đầm, cá sông vừa ngon vừa không đắt. Nhưng thời gian này, nhiều người buôn bán cho biết, giá quá cao, mua khó bán khó nên họ nghỉ. Những người còn lại mua cầm chừng, hàng ít nên giá lại càng đắt.
“Mọi khi mua đầu cá về nấu canh là một món rẻ nhất. Ấy vậy mà, giờ mua một cái đầu cá to to một chút cũng đến 5, 7 chục nghìn. Giá đắt đến mức không thể tưởng tượng nổi” – chị Khanh thốt lên kinh ngạc.
Không kể những món sơn hào hải vị đắt tiền, giờ đây, mua những món bình dân cũng trở thành vấn đề khá nan giải đối với những bà nội trợ sống bằng đồng lương công chức hay công nhân. Thịt lợn ba chỉ, tăng dần từ 6 nghìn rồi 7, 8 nghìn một lạng. Nay thì đã lên đến 10, thậm chí 11 nghìn đồng. Thịt diềm thăn bò cũng tăng từ 9 nghìn lên đến 15 nghìn đồng một lạng. “Chỉ với một món canh dưa đã mất đứt gần trăm nghìn đồng. Tôi thật không biết phải xoay sở thế nào” – chi Oanh (khu tập thể Phát tín) than thở.
Chuyện thật nhưng cứ như đùa. Cái câu “tiêu tiền như bị mất cắp” giờ đây đúng với đa số người nội trợ. “Nhiều khi đi chợ xong, sờ túi thấy hết tiền, tôi cứ tưởng mình đánh rơi hay bị móc túi. Giật mình thon thót. Thế nhưng bình tĩnh nhẩm lại, hóa ra đúng là mình tiêu. Tại cái gì cũng đắt quá nên thành ra thế” – bà Sinh (Ngọc Khánh) than thở.
Đủ “chiêu” ứng phó
Trước đây, đi chợ tìm mua được món gì nấu cho ngon, hợp khẩu vị với mọi người trong gia đình là vấn đề đau đầu với các bà nội trợ. Nhưng bây giờ, độ “đau đầu” lại tăng thêm nhiều lần. Với mức lương không thay đổi mà giá cả thì tăng từng ngày, các bà nội trợ chỉ còn một cách là cân nhắc, tính toán làm sao để mua được những món ngon, đủ chất nhưng giá cả phải vừa với túi tiền.
“Hôm nay, em phải đi vòng quanh mấy vòng chợ để tìm mua mấy lạng tép riu về rang khế. Mặc dù so với trước đây thì cũng đắt hơn nhiều, nhưng vẫn còn rẻ chán so với các món khác. 3 chục tiền tép, thêm mấy nghìn khế, 2 lạng thịt ba chỉ là có thể có món ăn mặn cho cả nhà rồi. Hơn nữa, món này cũng dễ ăn” – chị Mai (khu tập thể Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Cũng như chị Mai, nhiều bà nội trợ giờ đây phải tính toán chi tiết, cân nhắc từng thứ một trước khi quyết định mua. Ưu tiên đầu tiên là dinh dưỡng cho con, thứ đến là khẩu vị của chồng. “Chồng còn ăn gì, mình ăn theo đó, chứ giá cả thế này, mua cho hợp khẩu vị của cả nhà thì quá tốn kém” – chị Thuỷ (Khu tập thể bộ thuỷ sản) bộc bạch.
Một khoản chi phí rất quan trọng và cũng chiếm một phần lớn trong khoản tiền chợ, đó là tiền mua hoa quả. Giá cả thực phẩm leo thang và hoa quả cũng không nằm ngoài vòng xoáy. “Tôi chỉ dám mua những loại hoa quả mà hai đứa nhỏ thích ăn. Có đắt một chút cũng cố. Còn bố mẹ thì ăn… chuối. Hôm nào mua được cân nho ngon cho con, bố mà mon men thò tay vào là.. bị đập luôn!” chị Yến (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) thật thà kể.
Giá cả tăng cao cũng là cơ hội để chị em văn phòng chia sẻ với nhau về kinh nghiệm đi chợ và chọn món. Nhiều người đã mang hết “vốn liếng” nấu ăn để tư vấn cho đồng nghiệp những món vừa ngon mà lại không tốn nhiều tiền. Những ngày này, món “chân gà kho cay” hay “nõn đuôi lợn xào dưa”, “cá kìm kho cà chua”… được chị em triệt để khai thác.
“Thôi thì có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Tiền học, dinh dưỡng cho con thì không thể bớt. Còn bản thân mình thì “hy sinh” một chút cũng không sao. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Ngày xưa, thời bao cấp khổ thế các cụ còn chịu được nữa là… Hy vọng thời buổi khó khăn sẽ mau qua” – mấy bà mấy chị động viên nhau.
Theo VnMedia