Phụ nữ có thể thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ tốt hơn nam giới? Liệu việc làm cha/mẹ có cải thiện khả năng làm nhiều việc một lúc của bạn?
Mọi người vẫn tin rằng phụ nữ có khả năng làm cùng lúc nhiều việc tốt hơn nam giới. Rốt cục, các nghiên cứu về hiệu suất công việc cho thấy phụ nữ tiếp tục gánh vác phần lớn việc nhà và chăm sóc con cái trong khi vẫn đảm nhận công việc bán thời gian hoặc toàn thời gian.
Như vậy điều này nghĩa là phụ nữ ‘đa năng’ hơn? Không hẳn như vậy.
Với một chủ đề nóng bỏng như thế này, thật ngạc nhiên là hiện có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy nam giới hay nữ giới là ‘người thắng cuộc’.
Theo Tiến sĩ Etienne Koechlin, Giám đốc phòng thí nghiệm khoa học thần kinh nhận thức thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về Y học và Sức khỏe, tất cả mọi người đều có thể ‘đuối’ khi phải thực hiện song song hai nhiệm vụ.
“Nếu loại trừ những việc bản năng như đi bộ hoặc các nhiệm vụ cảm biến chuyển động như đánh trống, con người không thể thực hiện đồng thời hai việc: một nhiệm vụ sẽ đình trệ trong khi nhiệm vụ kia được thực hiện và ngược lại”, Tiến sĩ Etienne Koechlin nói.
Năm 2010, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Koechlin sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ chức năng (MRI) để kiểm tra hoạt động não bộ của 32 người, 16 nam và 16 nữ, trong khi họ thực hiện hai bài kiểm tra ghép chữ đơn giản.
Nghiên cứu này, được đăng trên tạp chí ‘Science’ (Khoa học), cho thấy cả hai bán cầu não của vỏ não trung phía trước hoạt động giống như trò chơi tiếp sức, luân chuyển giữa các nhiệm vụ.
Theo các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa nam giới và phụ nữ. Mặc dù vậy, ông Etienne Koechlin vẫn tin nhận định cho rằng phụ nữ có khả năng làm nhiều nhiệm vụ tốt hơn là có ‘nguồn gốc thực tế nào đó’.
“Một giả thuyết là phụ nữ có xu hướng đánh đồng các vấn đề ưu tiên trong khi nam giới xếp thứ tự ưu tiên khi phải thực hiện nhiều việc một lúc”, ông Etienne Koechlin cho biết.
Phụ nữ vượt trội trong khả năng lập kế hoạch
Theo Giáo sư Keith Laws từ Đại học Hertfordshire, Anh, người luôn tin rằng phụ nữ có thể làm nhiều việc cùng lúc hơn hẳn nam giới, lập kế hoạch và chiến lược là chìa khóa mang lại thành công cho phụ nữ.
Năm 2010, ông Laws nghiên cứu một nhóm gồm 50 nam giới và 50 phụ nữ trong loạt nghiên cứu chưa được công bố.
Những người tham gia được yêu cầu hoàn thành một số nhiệm vụ ‘đời thực’ – tìm nhà hàng trên bản đồ, giải những phép tính đơn giản, lập kế hoạch tìm chìa khóa bị mất trong khi liên tục bị xen ngang bởi những cuộc điện thoại.
Phụ nữ và nam giới thực hiện các nhiệm vụ giải toán, đọc bản đồ (những nhiệm vụ thường được coi là thế mạnh của nam giới) cũng như trả lời điện thoại tốt tương đương nhau. Tuy nhiên, 70% phụ nữ vượt trội so với nam giới trong việc tìm kiếm chìa khóa bị mất.
“Phụ nữ có kế hoạch và chiến lược tìm chìa khóa tốt hơn nhiều so với nam giới. Đàn ông có xu hướng nhảy vào việc nhưng khả năng tổ chức và bao quát kém hơn. Dường như họ không hề dừng lại để phản ánh hoặc lập kế hoạch”, Giáo sư Laws nhận xét.
Mặc dù khả năng lập chiến lược xử lý nhiều nhiệm vụ đồng thời trong đời thường có thể là một yếu tố thuận lợi ở phụ nữ, nhưng ‘không ai có thể làm cùng lúc hai nhiệm vụ phức tạp, đừng nói gì đến ba’, ông Laws khẳng định.
Tương tự như vậy, quan niệm cho rằng phụ nữ có xu hướng làm nhiều việc rất tệ trong khi nam giới giỏi làm một nhiệm vụ chuyên biệt – tập trung thực hiện một nhiệm vụ thật tốt – hơn hẳn vẫn chỉ là một điều phỏng đoán, ông Laws nói thêm.
Là một phần trong dự án nghiên cứu quy mô lớn hơn, ông Laws dự định tìm hiểu liệu việc huấn luyện có cải thiện khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ hay không, liệu một số nghề có hiệu quả hơn nghề khác hay không và mọi người đánh giá khả năng làm nhiều nhiệm vụ của mình chính xác đến mức độ nào.
Cho đến nay, kết quả cho thấy mọi người tự đánh giá không chính xác khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ của bản than, Giáo sư Laws cho biết.
Hiệu suất trong gia đình
Dù đánh giá quá thấp hay quá cao khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ thì chắc chắn chúng ta vẫn tin rằng chúng ta đang phải làm nhiều việc hơn trong gia đình.
Tiến sĩ Gigi Foster từ Khoa Kinh doanh thuộc Đại học New South Wales đang nghiên cứu tác động của hiện tượng làm nhiều công việc đối với hiệu suất trong phạm vi gia đình, đặc biệt là việc chăm sóc trẻ.
Một phân tích dữ liệu sử dụng thời gian của người Úc do Tiến sĩ Foster và đồng nghiệp Charlene Kalenkoski từ Đại học Ohio thực hiện cho thấy, trong vòng 10 năm từ năm 1997 đến 2006, có sự gia tăng đều ở cả hai giới trong nhiệm vụ chăm sóc trẻ mà vẫn làm việc khác và xu hướng suy giảm trong việc chỉ làm duy nhất nhiệm vụ chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, điều thú vị là những khảo sát đánh giá kết quả phát triển ở trẻ cho thấy người mẹ càng cảm thấy vội vã và phải làm nhiều việc một lúc, thì con cái người đó càng thể hiện tốt.
“Với những người mẹ cảm thấy họ có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ, con cái họ ghi điểm cao hơn. Còn với người cha, kết quả không như vậy”, Tiến sĩ Foster cho biết.
Để có số liệu chắc chắn hơn về mối liên hệ giữa việc thực hiện nhiều nhiệm vụ và hiệu suất trong gia đình, các nhà nghiên cứu thiết kế một nghiên cứu thử nghiệm mô phỏng tình huống trong đời thực.
Các nhà nghiên cứu yêu cầu 14 sinh viên chưa tốt nghiệp, 7 nam và 7 nữ, thực hiện một mô phỏng trên máy tính. Những người tham gia nghiên cứu phải dỗ dành một đứa trẻ trong khi phân loại một giỏ đồ giặt là đầy ắp.
Mặc dù quy mô nghiên cứu quá nhỏ để nhận biết sự khác biệt giữa hai giới, nhưng có một vấn đề thể hiện khá rõ.
“Chúng tôi phát hiện thấy khi làm một lúc nhiều việc, hiệu suất sẽ thấp hơn so với làm một việc”, Tiến sĩ Foster cho biết.
Các nghiên cứu chuyên sâu dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm 2011, không chỉ kiểm nghiệm hiệu suất mà còn tìm hiểu liệu cảm nhận của con người có phù hợp với thực tế hay không và kinh nghiệm có thể cải thiện tình hình như thế nào.
“Chúng tôi biết cách thức mọi người phân chia thời gian trong nhà và tác động tới đứa trẻ ra sao. Tôi cho rằng vấn đề này thực sự quan trọng,” Tiến sĩ Foster nói.
Nguồn Bayvut- Dakota