“Về nhà, ăn cơm cháu nó cũng để cái laptop bên cạnh, suốt ngày chỉ công việc và công việc. Đợt thi tay nghề vừa rồi ở cơ quan, cháu nó bảo là sẽ đạt điểm cao để không xấu hổ với các đồng nghiệp nam, thế rồi… con tôi nhập viện chỉ vì yêu việc quá!”
“Cả thành phố này chỉ mình con dâu tôi đi làm”
Vũ Thùy Trang (25 tuổi, nhân viên PR của công ty cổ phần Truyền Thông Kim Hoàng tại Hà Nội) than thở, một ngày làm việc của Trang bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc vào 5h30 phút hàng ngày, nhưng đó chỉ là trên lý thuyết còn thực tế thì những việc không tên đội lên rất nhiều.
Là dân văn phòng nhưng Trang cũng phải tất tả ngược xuôi, nhiều khi thấy mình đúng là một nữ tiếp thị. “Mỗi ngày, mình chỉ ngủ được 6 tiếng đồng hồ. Nếu ngày mai có họp và sự kiện gì là cả đêm mình mất ngủ để lo cho công việc ngày hôm sau suôn sẻ. Công việc đó sếp mình không bao giờ biết đến và chỉ trả lương cho giờ làm việc ở công ty”, Trang chia sẻ.
Mỗi khi đi làm về, bỏ túi xách ra mình chỉ ước được ngủ ngay vì mệt mỏi, căng thẳng – đó là lời than vãn của Bùi Thị My (nhân viên trực cửa hàng của Viettel). My mới lấy chồng hồi đầu tháng 10 âm lịch, công việc của gia đình nhà chồng cô đành khất dần vì quỹ thời gian có hạn. Chính vì thế mà mẹ chồng My thường nói đẩy, nói đưa rằng “cả thành phố này chỉ có con dâu tôi đi làm thôi”.
Nữ IT nhập viện vì… quá yêu công việc
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai vừa lật lại những bệnh án các bệnh nhân ông đã từng điều trị. Ông nhẩm tính: “Số lượng người trí thức, người trẻ bị tâm thần ngày càng nhiều”.
Gần đây, viện đã tiếp nhận trường hợp là bệnh nhân nữ N., 26 tuổi, người Hải Phòng. N. vốn là một nhân viên IT (lập trình viên) của một công ty máy tính. N phải chịu một áp lực công việc quá lớn và những kỳ vọng về bản thân không đạt được, nhất khi là con gái làm IT lại càng vất vả. Ban đầu N. trầm tính, ít nói, ít cười, mất ngủ kéo dài, lâu dần N. phát điên, có lúc tự nhiên cười sằng sặc, sau đó lại khóc ngay được.
Mẹ của N. xót xa: “Về nhà, ăn cơm cháu nó cũng để cái laptop bên cạnh, suốt ngày chỉ công việc và công việc. Đợt thi tay nghề vừa rồi ở cơ quan, cháu nó bảo là sẽ đạt điểm cao để không xấu hổ với các đồng nghiệp nam, thế rồi… con tôi nhập viện chỉ vì yêu việc quá!”
Bác sĩ Dũng không khỏi đau lòng khi gặp những người bệnh nhân vốn là dân thành đạt, trí thức cũng mắc phải căn bệnh rối loạn cảm xúc lâu dần hóa điên. Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng bệnh nặng, người đờ đẫn, kẻ điên dại…
Cách giảm stress: Ngửa mặt lên trời cười “hà hà”
Theo Tiến sĩ Phan Quốc Việt – Chủ tịch hội đồng quản trị Tâm Việt Group, stress là rối loạn tư duy hay dân dã là nghĩ quẩn. “Khi đó, bản thân ta không thể điều khiển được ý nghĩ mà là ý nghĩ điều khiển lại chúng ta”. Stress là khi người ta thường nghĩ về cái xấu nhiều hơn cái tốt, cái xấu át đi cái tốt. Thông thường về mặt sinh tồn con người lại nhớ cái xấu rất lâu.
Ông cũng cho rằng thực tế người Việt Nam đang thiếu các phương pháp giảm stress. Có một phương pháp rất hiệu quả là nụ cười, nhưng không phải ai cũng biết mà sử dụng hiệu quả.
Ai cũng biết tác dụng tích cực của nụ cười, bởi nụ cười đem lại sự tươi trẻ về tinh thần cho chủ nhân và cho cả người nhận. Cười và khóc là hai bản năng tự nhiên đầu tiên của con người. Nhưng càng lớn lên, cuộc sống con người bận rộn, xô bồ ngày càng khiến chúng ta ít khi nở nụ cười.
Nụ cười có tác dụng giảm stress, khi cười cơ thể được thăng bằng, hoàn toàn thư giãn, thoải mái.
Trong khi đó, nhiều người lấy việc chạy thể dục, đi bộ làm cách giảm stress nhưng điều đó vẫn không hiệu quả bằng việc sử dụng nụ cười một cách tự nhiên.
Được biết, để giảm stress cho nhân viên, nhiều công ty, doanh nghiệp đã tự xây dựng “chiến lược nụ cười” cho mình, để “chiến lược nụ cười” mang lại tác dụng tốt nhất cho công việc sản xuất, kinh doanh bằng cách tổ chức các câu lạc bộ tập Yoga cười.
Yoga cười được cho là phương pháp yoga dùng tiếng cười như một bài thể dục mà không cần đến các tác nhân gây cười như tấu hài, tiếu lâm hay xem hài kịch.