Thông điệp dành cho sếp trẻ: Nhân viên lớn tuổi không thích giao tiếp bằng máy tính không phải vì họ không thể thích nghi với công nghệ, mà vì họ muốn trao đổi trực tiếp mặt đối mặt với sếp.
Đối với sếp
Cam Marston, Giám đốc công ty tư vấn Generational Insight chia sẻ: Các sếp trẻ thường cho rằng nhân viên lớn tuổi chậm chạp và không có khả năng sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, sự thật là họ hoàn toàn có khả năng nắm bắt những điều này nhưng với họ, công nghệ là phương tiện hỗ trợ chứ không phải là một thứ thiết yếu.
Theo một nghiên cứu do CareerBuilder thực hiện, có đến 69% số nhân viên trên 55 tuổi dưới quyền sếp trẻ. Nếu bạn đang ở vào vị trí này thì cách duy nhất để điều hòa mối quan hệ với nhân viên lớn tuổi là trao đổi công việc một cách trực tiếp, mạnh dạn và thẳng thắn”.
John Dewar là một chuyên viên tin học cao cấp, anh có nhiều nhân viên lớn tuổi dưới quyền và thường trao đổi công việc qua email nhưng anh nhanh chóng nhận ra đây không phải là cách hiệu quả. Những con chữ vô hồn không chuyển tải hết được thái độ, cảm xúc của anh tới nhân viên một cách chính xác.
Vì vậy rất dễ gây hiểu lầm và căng thẳng trong công việc. John đã nghĩ ra giải pháp: Đến nói chuyện trực tiếp với nhân viên và sau đó gửi mail tóm tắt nội dung công việc. Khó khăn lớn nhất mà John phải vượt qua là thuyết phục nhân viên công nhận năng lực làm việc của anh. ”Để giữ ổn định và hòa khí trong công ty, cách duy nhất là trao đổi trực tiếp để tôi hiểu rõ nguyện vọng của nhân viên và họ cũng hiểu được kỳ vọng của tôi”.
“Sếp trẻ cũng phải thường xuyên đối diện với cuộc chiến xây dựng lòng tin”- Bruce Tulgan nhà sáng lập Rainmaker Thinking Inc., một công ty tư vấn nguồn nhân lực chia sẻ. Các sếp trẻ thường rất tham vọng và nôn nóng đạt được thành tựu nhưng lại thiếu kinh nghiệm và chưa đánh giá được hoàn cảnh cụ thể của mình. Vì vậy, ngay từ đầu bạn nên chia sẻ thẳng thắn về những điều mình chưa biết rõ, học hỏi từ các đồng nghiệp để xác định mục tiêu của mình. “ Công ty thuê tôi để làm gì? Nhân viên của tôi có những khả năng gì? Mục tiêu mà chúng tôi phải hoàn thành là gì?”
Thật sai lầm nếu bạn bước vào cơ quan và thét ra lửa: “Tôi là sếp ở đây, từ giờ trở đi mọi việc phải theo ý tôi!” Cũng thật sai lầm nếu bạn xởi lởi: “ Đừng coi tôi là sếp nhé!”. Cả hai cách đều không mang lại hiệu quả. Thay vào đó, bạn nên khẳng khái trình bày mục tiêu của mình và nhờ đồng nghiệp hỗ trợ.
Đối với nhân viên
Janis Grover đã làm việc với hai sếp trẻ trong hai tình huống khác nhau. Người đầu tiên là một phụ nữ chưa có kinh nghiệm làm quản lý và hầu như không bao giờ lắng nghe ý kiến của người khác. Vị sếp này luôn đặt mình trong trạng thái cạnh tranh gay gắt với đồng nghiệp. Cô thậm chí còn tranh cãi với người thư ký lớn tuổi về cách trình bày một bản kế hoạch kinh doanh. Kết quả là vị sếp này bị cho thôi việc sau một thời gian ngắn.
Lần tiếp theo, Grover làm việc với một nhóm đồng nghiệp trẻ tuổi hơn rất nhiều. Sếp trân trọng những ý kiến của cô và xem đó là những lời khuyên quý giá từ một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm.
Một câu chuyện khác, Steven Glennon là người thích trò chuyện trực tiếp và cô ít khi sử dụng internet hay mạng xã hội. Tuy nhiên, vị sếp trẻ tuổi lại hoàn toàn khác. Glennon đành chủ động trước: “Tôi phải điều chỉnh thói quen của mình một chút để quen với cách giao tiếp của sếp và cố gắng để sếp chấp nhận cách giao tiếp của tôi. Khi cần bàn bạc những vấn đề quan trọng, tôi gõ cửa vào gặp trực tiếp”. Glennon cũng thừa nhận: “Những người trẻ có khả năng sáng tạo rất mạnh mẽ, mà chúng tôi – những người lớn tuổi khó bì kịp”.
Nếu sếp trẻ tuổi hơn bạn thì bạn phải chuẩn bị tinh thần và chấp nhận sự thật: “Sếp mới chính là những người có quyền quyết định công việc kinh doanh của công ty”. Tuy nhiên, dù chức vụ cao thấp khác nhau thì chúng ta vẫn là những con người bình đẳng. Nếu sếp can thiệp quá mức vào công việc của bạn, thì chính bạn phải giúp sếp hiểu được giới hạn của mình.
Đây là cả một nghệ thuật. Bạn không nên quát vào mặt sếp: “Tôi đã làm việc cách đây 20 năm rồi, khi đó anh chỉ mới học lớp 3”. Thay vào đó, hãy hỏi sếp bạn có thể làm được gì để cải thiện tình hình. Đừng bao giờ im lặng và chờ đợi mọi thứ thay đổi. Ý thức được uy quyền của sếp là đúng, tuy nhiên, không ai cấm bạn dẫn đường cho sếp.
Theo Doanh nhan SG