Để bước đầu khởi nghiệp thành công, các bạn sinh viên trẻ cần hội tụ đủ 3 “thức”: học thức, cách thức và nhận thức đúng đắn tạo hành trang vững chắc cho mình để hội nhập thành công.
Toạ đàm “Sinh viên cần gì để hội nhập? để thành công trong môi trường kinh doanh quốc tế” do trường ĐH KTQD phối hợp với Công ty sách Thái Hà tổ chức nhận được sự tham gia đông đảo của các SV đến từ các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Nhiều câu hỏi thông minh và thú vị xoay quanh chủ đề của buổi toạ đàm được đặt ra và thảo luận hết sức sôi nổi đã phần nào giải đáp được thắc mắc của phần đông các bạn SV: “làm thế nào để khởi nghiệp và hội nhập một cách thành công?”
Xem thêm Bí mật thành công
Sinh viên dám làm, dám chấp nhận thất bại
Thực tế cho thấy có rất nhiều bạn SV sau khi ra trường vẫn còn cảm thấy lúng túng ngay cả khi làm những công việc đúng với chuyên môn của mình. Họ có rất rất nhiều ý tưởng hay nhưng lại không biết biến những ý tưởng đó thành hiện thực. Họ thiếu kiến thức, thiếu bản lĩnh hay chưa biết chưa biết cách hội nhập?
Tại buổi toạ đàm, TS Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA đã chỉ ra rằng để có thể khởi nghiệp một cách thành công thì chính các bạn SV phải thay đổi tư duy, rằng thất bại chỉ là tình trạng tạm thời. Xã hội muốn phát triển thì phải có những con người có tư duy mới, tư duy dám làm, dám chấp nhận thất bại.
Điều quan trọng là phải tìm ra sự khác biệt, tìm ra con đường riêng cho mình.
“Thomas Edison đã thất bại đến hơn 10.000 lần thử nghiệm để phát minh ra bóng đèn. Vậy nếu như ông ấy sợ thất bại thì liệu ngày nay chúng ta có ánh sáng để sử dụng không hay vẫn chỉ chìm trong bóng tối?” TS Alan Phan hỏi.
Theo TS Alan Phan thì trong khi nền kinh tế Âu, Mỹ dễ dàng chấp nhận thất bại thì tư duy Á Đông dường như ngược lại. “Họ sợ thất bại, sợ người thân, bạn bè xa lánh”
“Vậy tư duy mới ở đây là gì? Đó chính là tư duy tách khỏi đám đông. Đám đông là những người còn nghèo khó”. TS Alan Phan ví đám đông như một cái hộp lớn. “Nếu không biết cách tách mình ra khỏi đám đông thì chúng ta cũng chỉ giống như chú kiến cứ loanh quanh trong một cái hộp lớn mà không biết tìm ra lối thoát”
Tại sao Bill Gate rời Havard để bắt đầu sự nghiệp của mình bằng một công ty máy tính? Tại sao một sinh viên trẻ như Mark Zuckerberg có thể tạo ra mạng xã hội Facebook ngay từ khi còn học ĐH? “Đó là vì họ dám nghĩ, dám làm. Họ có tư duy tách khỏi đám đông”, TS Alan Phan giải thích.
Tuy nhiên, diễn giả Alan Phan cũng nhận được phản hồi từ phía các bạn SV về tư duy mới này. “Chúng ta có nên tách khỏi đám đông, đi ngược dòng với đám đông hay không khi không phải ai trong số chúng ta cũng đủ năng lực, đủ tự tin để tách khỏi họ?”, một bạn SV năm thứ 3 chuyên ngành Bất động sản – ĐH KTQD băn khoăn.
Theo SV này thì nếu như người đó đủ bản lĩnh, đủ tự tin để tách khỏi đám đông thì chắc chắn người đó sẽ thành công. Ngược lại, nếu không đủ bản lĩnh, khi tách mình ra khỏi đám đông, không chịu được “phong ba bão táp” thì thất bại là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, có nên tách khỏi đám đông hay không lại là điều cần phải xem xét. Chúng ta phải nhìn nhận đám đông đó là đúng hay sai và xác định xem mình nên đi theo hướng nào, tránh tâm lý bầy đàn, a dua theo số đông.
Cơ hội cho các bạn trẻ trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay ngày càng rộng mở. Đặc biệt là khi VN chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, phá bỏ được những rào cản về tài chính, thương mại. Dĩ nhiên, cơ hội luôn đi kèm với rủi ro, thách thức. Nhưng không phải cứ gặp rủi ro, thách thức thì lại bỏ cuộc. Chính những khó khăn, thất bại đó lại cho chúng ta những bài học vô giá mà không một trường lớp hay sách vở nào dạy.
Yếu tố quan trọng khi hội nhập là bạn phải hiểu rõ đâu là bản sắc của mình, tìm ra lợi thế cạnh tranh, xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Từ đó tận dụng cơ hội và thế mạnh, khắc phục những điểm yếu và giải quyết khó khăn.
Từ kinh nghiệm 42 năm kinh doanh tại Mỹ và Trung Quốc, TS Alan Phan đã chia sẻ những trải nghiệm và bí quyết để có thể thành công ngay khi còn trẻ với các bạn SV trong hội trường. Ông cho rằng muốn thành công, điều đầu tiên là trong mỗi chúng ta phải có ngọn lửa đam mê và quyết tâm theo đuổi nó. “Ai cũng có tài năng, có ý tưởng nhưng đôi khi những ý tưởng, tài năng đó phải trải qua khó khăn, thử thách, thậm chí tuyệt vọng. Nếu không có ngọn lửa đam mê luôn cháy trong người thì chúng ta rất dễ bỏ cuộc”.
Kế đến là thời gian và sự nỗ lực của chính bản thân mỗi chúng ta. “Để thành công thì chúng ta không thể không có kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ được. Điều quan trọng là phải biết hành động, dám nghĩ, dám làm, có một tinh thần “thép” để chấp nhận rủi ro đồng thời đưa ra các biện pháp phòng ngừa”, TS Alan Phan khẳng định.
Hội nhập như thế nào?
Thế giới có thật sự “phẳng”? Đó cũng là câu hỏi được diễn giả Alan Phan và nhiều SV thảo luận với nhau. Trong thế giới toàn cầu hoá với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thông tin gần như không có khoảng cách về thời gian và không gian. Hơn nữa, nhu cầu thông tin của con người ngày càng cao.
Cùng với đó là sự phổ biến của mạng lưới Internet toàn cầu giúp cho con người bình đẳng hơn về kiến thức, về thông tin. Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng thế giới không hề “phẳng” khi công nghệ thông tin càng phát triển, khoảng cách giàu, nghèo và sự hiểu biết thông tin ngày càng cách xa hơn.
“Nếu có thời gian đi đến nhiều nơi trên thế giới, các bạn sẽ thấy còn rất nhiều người không hề biết đến những kiến thức cơ bản thì vấn đề hội nhập đối với họ chỉ là phi lý. Chính vì vậy, các bạn trẻ, nhất là các bạn SV cần phải xác định rõ mục tiêu cuộc đời mình, nắm lấy cơ hội để đưa đất nước phát triển, đặc biệt phải biết ngoại ngữ để nắm được kho kiến thức khổng lồ của nhân loại”
Làm thế nào để đạt mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn cho mình?
Đó là câu hỏi của bạn Vũ Việt Anh – SV ĐH Hà Nội khi muốn diễn giả đưa ra những lời khuyên nhằm giúp các bạn trẻ định hướng cuộc sống.
“Đầu tiên bạn phải xác định rõ mình muốn cái gì? Từ đó lập ra kế hoạch cho đời mình, từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Có như vậy thì các bạn mới có thể từng bước biến những ước mơ của mình thành sự thật. Sau đó phải hành động ngay để đạt được những mục tiêu đó. Tương tự như với kế hoạch kinh doanh, dù nó có hay, đẹp đến đâu nhưng không được thực hiện thì đó cũng chỉ là hình thức, là mớ giấy lộn mà thôi”, TS Alan Phan trả lời
Một thực tế đang xảy ra là các bạn trẻ VN lười đọc sách, nhất là các loại sách cung cấp các kỹ năng sống và kỹ năng làm việc, vẫn còn tình trạng sao chép một cách tràn lan, thiếu hụt văn hoá đọc nói chung.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà thì điều đó sẽ dẫn tới tình trạng “thọt” 1 chân, tức là thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng. “Tại sao các bạn không mày mò nghiên cứu khi việc tra cứu và tiếp nhận thông tin ngày càng trở nên dễ dàng hơn qua sách vở và Internet? Từ đó làm sao các bạn có thể định hướng được cuộc sống của chính mình”
Bạn Vũ Văn Định, kiểm toán 51A ĐH KTQD đưa ra câu hỏi cũng là thắc mắc mà nhiều SV đang đi tìm lời đáp: “Làm sao để ứng dụng những kiến thức được học ở trường ĐH vào thực tế một cách hiệu quả nhất?”
Câu trả lời được TS Alan Phan và TS Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra là ngoài việc học tập, nghiên cứu về ngành học của mình từ sách vở, các bạn SV nên tìm cách giao tiếp, học hỏi những người thành công đi trước ngoài thực tế. Các bạn cũng nên tìm những công việc gắn với chuyên ngành của mình và đi làm ngay khi còn đang học. Khi đó các bạn sẽ học hỏi được rất nhiều và sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho mình sau này. Đừng đợi đến khi tốt nghiệp mới đi xin việc.
Vì vậy, các bạn SV ngay từ khi còn trên giảng đường ĐH hãy trau dồi kiến thức, luôn luôn cầu tiến đồng thời tư duy một cách thực tế. Chừng nào không thay đổi nhận thức thì bạn vẫn chỉ là bạn của ngày hôm nay. Hãy thể hiện sức trẻ, khao khát làm giàu, khao khát đi trên đôi chân của mình.
Theo doanhnhan.net