Có những tình cảnh éo le nhưng vì muốn che giấu sự thật nên thêu dệt đủ điều, để rồi luôn phập phồng lo sợ, day dứt, suy tính đủ bề để đối phó. Nhưng trớ trêu thay sự thật luôn tìm ra lối thoát để trình diện với người mình muốn giữ kín.
Như vậy, việc tìm cách chia sẻ sự thật thực ra đóng vai trò như thế nào trong đời sống tinh thần của chúng ta?
Sự thật vẽ nên một bức tranh đẹp cho trái tim
Trái tim được xem là bộ phận cực kỳ quan trọng trong cuộc sống con người. Không phải bởi vì nó có chức năng vận chuyển máu cho cơ thể, nhưng vì nó là biểu tượng của tình yêu. Mọi thứ đến từ tình yêu dường như đều ngọt ngào và ấm áp lòng người.
Khi có tình yêu, lý do của những gì bạn nói ra là để mối quan hệ trở nên tốt hơn. Đối phương sẽ cảm nhận được tình yêu và sự chân thành của bạn trong lời nói, và thông điệp của bạn được đón nhận một cách dễ dàng.
Khi bạn nói sự thật, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, tự tin trong các mối quan hệ, không phải lo lắng và tìm cách đối phó với lời nói dối của mình.
Khi người ta nói dối, mọi thứ giống như một mớ hỗn độn, được pha trộn bởi nhiều tạp chất không trung thực. Trong khi đó, lời nói thật được tạo nên bởi những nét vẽ trong sáng và thực tế. Kết quả là bức tranh cuộc đời trở nên một kiệt tác, phản ánh chân thực cuộc sống.
Sự thật là nền tảng để xây dựng ngôi nhà vững chắc của tình yêu thương, sự cảm thông và tôn trọng lẫn nhau
Khi mục đích của việc nói lên “sự thật” là để xây dựng mối quan hệ trở nên tốt hơn và giúp cả hai hoàn thiện, mỗi câu nói của bạn đều được cân nhắc. Sự chân thật tạo nên lòng tin tưởng lâu bền cho đối phương. Đó chính là cách bạn ghi dấu ấn trong lòng người khác. Mỗi khi nhắc đến bạn, người ta sẽ nhắc đến “thương hiệu của lòng trung thực”.
Trong khi đó, lời nói dối hay nói không hoàn toàn đúng sự thật chỉ tạo được “sự bình an” chốc lát nhưng để lại day dứt khôn nguôi. Ngoài niềm tin của người khác dành cho mình, sự thật tạo nên tinh thần tự tin cho bản thân và cho các mối quan hệ xung quanh chúng ta. Chính động lực này sẽ truyền cảm hứng và năng lượng để mỗi một ngày sẽ tốt hơn ngày hôm qua.
Sự thật cho biết rằng chúng ta quan tâm đến cảm xúc của nhau
Với những nhận định chủ quan, chúng ta thường đặt cảm xúc tiêu cực của bản thân vào đấy. Trong khi đó, khi bạn tôn trọng và chú ý đến cảm xúc của đối phương, bạn sẽ dùng lời nói thích hợp và tế nhị khi trình bày vấn đề. Ai trong chúng ta cũng không muốn là nạn nhân của lời nói dối. Vì thế, lời nói thật xuất phát từ ý định muốn sự việc tốt đẹp hơn cho cả hai bên có khi không tệ như mình tưởng tượng.
Như vậy thực hư là bản chất của sự thật làm mất lòng hay cách thể hiện sự thật mới thực sự làm người nghe mất lòng?
Nghệ thuật nói lên sự thật
1. Từ bỏ ý định muốn kiểm soát đối phương
Mỗi người là một vũ trụ thu nhỏ với những quan điểm sống riêng. Không ai muốn bị người khác kiểm soát. Điều duy nhất có thể kiểm soát là cảm nhận của chúng ta về quan điểm của người khác.
Khi từ bỏ ý định muốn người khác phải theo ý mình, ngôn ngữ và cách thể hiện cũng làm cho đối phương dễ chấp nhận sự thật.
Khi từ bỏ ý định kiểm soát, chúng ta mới có cơ hội khám phá và cảm thông cho tâm tư, tình cảm, quyết định của người khác
2. Mở lòng lắng nghe quan điểm của mọi người
Mỗi người có quyền có quan điểm sống khác nhau.. Nếu ai cũng cố chứng minh mình đúng, sự thật sẽ trở thành mất lòng. Sự thật được đón nhận khi người nghe biết mình chấp nhận quan điểm của họ và luôn mở lòng tìm hiểu, cảm thông cho họ
3. Tôn trọng những gì quan trọng với đối phương
Bạn có nghĩ yêu quý bản thân mình là một sự ích kỷ? Sự thật là những người thân xung quanh luôn muốn thấy bạn trân trọng những giá trị của riêng bạn và họ muốn bạn chia sẻ điều đó với họ. Qua đó, hai bên sẽ đi đến một sự cảm thông và thấu hiểu những giá trị của nhau.
4. Lời nhận định khách quan chứ không nhằm chỉ trích lên nhân cách, bản chất
Nhiều khi tránh nói sự thật cũng xuất phát từ lời trách móc làm tổn thương đến cái tôi, cái thể diện của người nghe sự thật như: “Mày thật vô dụng!”, “Mày đúng là kém cỏi!”, “Em hậu đậu quá!”, “Anh thiệt là vô tâm!”,…Có lẽ bạn và tôi có thể làm một danh sách hàng nghìn hàng trăm trang về những lời quở trách tương tự mà hầu như ai cũng gặp phải.
Giá như chúng ta được nghe lời nhận định lên sự việc hơn là tính cách của chúng ta, hay một lời quan tâm thăm hỏi vì sao sự việc chúng ta làm không mang lại kết quả như mong đợi, hay một niềm tin tưởng rằng chúng ta có thể tự đúc kết bài học và rút kinh nghiệm, thì có phải nói sự thật sẽ dễ dàng hơn không nhỉ?
Chẳng hạn như là “ Vì sao điểm con lại không phản ánh đúng với thực lực vốn có của mình?”; “ Anh muốn em giữ cẩn thận những món đồ này vì nó quan trọng với anh”; “ Em hiểu rằng công việc là quan trọng nhưng nếu có thể, anh sắp xếp lại thời gian để gia đình có nhiều cơ hội gần gũi với nhau hơn”;….
Bạn thấy đấy! Sự thật là vẻ đẹp. Chúng ta tạo nên vẻ đẹp cho tâm hồn bằng cách luôn giữ cho mình sự chân thật. Với việc nói lên sự thật, bạn sẽ không ở trong tâm trạng luôn phải đối phó và lo lắng với việc sự thật bị bại lộ.
Thay vào đó, tinh thần tự tin và chân thật tạo cho bạn “năng lượng” để tập trung vào những điều khác quan trọng hơn. Bạn sẽ có động lực để thực hiện những gì mình thật sự mong muốn.
Xem thêm bài viết kỹ năng sống: Loại bỏ thói quen than phiền