“khi bạn than thở, oán trách thì bạn đang trở thành một thỏi nam châm sống hút về mình những rắc rối và phiền toái.”
Trong quyển sách Bí mật tư duy triệu phú, tác giả T. Harv Eker đề cập đến một quy tắc. Đó là “khi bạn than thở, oán trách thì bạn đang trở thành một thỏi nam châm sống hút về mình những rắc rối và phiền toái.”
Hãy tạm gác qua việc bạn có muốn trở thành triệu phú và không giải thích một cách rõ ràng mối liên hệ giữa “than thở, oán trách” và “rắc rối, phiền toái”, hãy tự hỏi bản thân mình thường than oán vào những lúc nào? Phải chăng là khi bạn cảm thấy mình bị đối xử bất công, khi ai đó làm gì đó bất lợi cho bạn và bạn tin rằng mình đã “bị hại”?
Chẳng hạn, bạn là sinh viên chuyên ngành báo chí vừa mới tốt nghiệp. Nhờ có mối quan hệ rộng rãi, bạn xin được một chỗ ở một công ty truyền thông nho nhỏ. Công việc đơn điệu, nhàm chán sớm khiến bạn cảm thấy nản. Đã vậy, gã sếp lại còn thường xuyên chê những thành quả của bạn từ việc thiết kế poster cho tới đặt tít cho bài.
Bạn cảm thấy chán quá, cảm thấy như mình chẳng bao giờ làm được điều mình thích và bị kẹt cứng ở cái công việc tạp nham này.
Thực tế là một khi đã có suy nghĩ đó thì sự việc đã, đang và sẽ cứ như vậy. Nghĩa là bạn sẽ luôn phải “than thở, oán trách” và “người ta” vẫn làm đủ thứ chuyện để gây khó khăn cho bạn.
Tại sao lại như thế? Bởi vì cuộc sống của bạn chính là những gì bạn nhìn nhận, cảm nhận và quan niệm. Cho nên, khi nghĩ rằng “tại sao mọi thứ cứ phải khó khăn với mình? Tại sao người ta cứ làm khó mình vậy?” thì đừng hi vọng có câu trả lời. Thay vào đó, bạn sẽ gặp những tình huống như trên hoài.
Cái vòng tròn lẩn quẩn than thân trách phận vẫn sẽ như thế, hoặc ngày càng được nâng cao về chất lượng lẫn số lượng, cho đến khi bạn nhìn ra vấn đề nằm ở đâu.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Ở ngay chính bản thân bạn. Nếu để ý, bạn sẽ thấy từ những quyển sách cho tới các bộ phim kể về những câu truyện vượt qua khó khăn thường có chung một thông điệp. Đó là bạn luôn có chuyện để mà đổ lỗi cho người khác, cho mọi thứ trừ phi bạn chịu trách nhiệm về mọi thứ xảy ra trong cuộc đời mình.
Chỉ khi bạn tin rằng sung sướng hay đau khổ, thành công hay lụn bại đều thuộc phạm vi trách nhiệm của bản thân thì bạn mới có khả năng để vươn lên . Bởi vì theo như diễn giả Ngô Ngọc Danh thì Responsibility (trách nhiệm) = Responsible (phản ứng) + Ability (khả năng). Bạn càng chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình thì khả năng của bạn trong việc đương đầu với tai ương càng tăng.
Để thấy rõ hơn vai trò quyết định của việc tự chịu trách nhiệm cho mọi diễn biến trong đời mình, mời bạn nhìn vào công thức sau của Jack Canfield (tác giả quyển The Success Principles: How to Get From Where You Are to Where You Want to Be)
E (Event: sự việc, hoàn cảnh) + R (Response: phản ứng của bạn) = O (Outcome: kết quả)
Bạn thấy đấy, hoàn cảnh là thứ sẽ không thay đổi cho dù bạn đổ lỗi cho ai, có oán trách dữ dội cỡ nào. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là nó sẽ mãi như thế. Bởi vì kết quả là sự kết hợp giữa hoàn cảnh và phản ứng của bạn. Tùy cách thức mà bạn phản ứng sẽ cho ra kết quả khác nhau.
Và một khi đã chịu trách nhiệm 100% về đời mình, bạn sẽ có sức mạnh để làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Bạn tin điều đó chứ? Bạn có tin rằng mình có thể đạt được những điều mà mình xứng đáng?
“Dù bạn tin mình làm được hay không thì bạn đều đúng cả”, đây là lời nhận định từ nhà công nghiệp Henry Ford, người sáng lập hãng ô tô Ford.
Niềm tin đem lại sức mạnh. Đồng thời nó cũng có thể hủy hoại mọi thứ. Bởi vì như đã nói trên, cuộc sống cuả bạn là những gì bạn nhìn nhận, cảm nhận và quan niệm. Bạn tin mình làm được, bạn sẽ làm được. Bạn nghĩ mình chẳng bao giờ làm được thì chắc chắn đúng như vậy.
Tới đây thì có thể bạn sẽ tự hỏi “nếu chỉ đơn giản tự tin là sẽ vững bước thì tại sao tôi vẫn cảm thấy quá khó khăn như vậy?”
Câu trả lời là không hề đơn giản. Hãy tự hỏi bản thân, bạn có muốn cuộc sống của mình tốt đẹp không? Hầu hết sẽ là có. Nhưng nếu chỉ muốn thôi thì sẽ chẳng đi tới đâu cả. Bởi vì bạn không thể có thứ mà bạn không xứng đáng được nhận.
Ngay cả khi đã may mắn có được một cuộc sống sung túc thì bạn cũng sẽ nhanh chóng đánh mất nó nếu bản thân bạn không tương xứng với nó. Như ví dụ mà T. Harv Eker đề cập trong quyển sách của mình, một đứa trẻ cầm trên tay vốc kem mà không có ốc quế thì sẽ không ăn được gì nhiều vì kem sẽ tan hết một cách nhanh chóng.
Ốc quế là thứ giữ kem lại để đứa trẻ có thể từ từ tận hưởng. Sự tự tin chính là sức mạnh, nền tảng để bạn vươn tới thành công. Hãy tin vào chính mình, học hỏi không ngừng và mạnh dạn làm điều mà bạn ấp ủ. Không sớm thì muộn, bạn sẽ xứng đáng với điều đó.
Trở lại với ví dụ trên, bạn rất chán công việc ở công ty truyền thông nọ. Khi đã hiểu cần phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hạnh phúc của mình, bạn bắt đầu xem xét các lựa chọn. Bạn có thể xin thôi việc nếu không còn một chút hứng thú nào với lĩnh vực đó.
Nhưng biết đâu bạn lại có đam mê tự sáng lập công ty truyền thông chẳng hạn. Lúc này, quá trình làm những việc “trời ơi đất hỡi” trong công ty tuy rất nhàm chán nhưng cho phép bạn học hỏi cách thức hoạt động và tích lũy kinh nghiệm để biến ước mơ thành sự thật.
Bạn thấy đấy, bạn có thể đang ở bất cứ vị trí nào, nhưng điều quan trọng là bạn muốn ở chỗ nào và làm thế nào để đến được nơi đó. Cách thức có thể đa dạng, nhưng chỉ biết than vãn thì chắc chắn chẳng đưa bạn tới đâu cả.