NGHỀ “MIỆNG CƯỜI, TAY VỖ” CỦA BẠN TRẺ
Khi các chương trình trò chơi,giải trí (game show) mới ồ ạt vào Việt Nam thì “nghề” cổ vũ cũng ra đời thu hút nhiều bạn trẻ.
Cười toe toét và “vỗ tay luôn luôn”
Hồng Anh (SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ với tôi rằng,cô đang đi làm thêm,công việc là đi cổ vũ cho các game show trên truyền hình,công việc không nặng nhọc mà lại có tiền tiêu. Tuần vừa rồi,theo chân Hồng Anh,tôi cũng được đến trường quay để làm khán giả trong chương trình trên Đài truyền hình Việt Nam.
Đội cổ vũ được một BTV hướng dẫn vào ghế dành cho khán giả. Sau một khoảng thời gian khá lâu để chờ ê kíp làm chương trình lắp đặt máy móc,cuối cùng chúng tôi cũng được bắt đầu công việc: Cười thật tươi,vỗ tay thật to,gương mặt “nở ra” để diễn tả sự thích thú…
Thế nhưng,thực chất thì lúc đó chương trình vẫn chưa diễn ra,chúng tôi chỉ “diễn” để ghi hình trước. Những hình ảnh này,sau đó sẽ được cắt ghép để “trám” trong quá trình dựng hình cho chương trình. Người hướng dẫn khán giả (còn gọi là hoạt náo viên truyền hình) cũng “nhá hàng” trước những “tín hiệu” để vỗ tay trong suốt chương trình,khi MC dừng ở từ nào,diễn giả nói dứt câu nào.
Trong trường hợp MC hay diễn giả nói sai,thì tất cả khán giả đương nhiên cũng phải “diễn” lại để ghi hình lại. Được vào trường quay của Đài xem trực tiếp chương trình nên ai cũng háo hức,dù có mệt vì phải vỗ tay nhiều lần,nhưng khán giả vẫn phải cười tươi khi máy quay “lia” về phía mình.
Minh Trang (Đê La Thành,Hà Nội) chia sẻ: “Nghề cổ vũ,vỗ tay thuê cho các game show cũng là một trong nhiều công việc được SV lựa chọn,với thu nhập khoảng 50.000 – 70.000 đồng/chương trình. Mặc dù tiền công không cao,lại có những game show phải quay đi quay lại nhiều lần nhưng không ít SV vẫn hào hứng tham gia”.
Một nữ SV có thâm niên đi làm cổ động viên hóm hỉnh khi nói về công việc của mình: “Vỗ tay thuê cho chương trình,vừa được xem lại vừa có tiền. Nhiều lúc gặp được thần tượng của mình cũng thích,không phải tốn tiền mua vé xem họ biểu diễn mà có khi tranh thủ lúc giải lao còn được chụp hình,xin chữ ký nữa,nói chung chỉ cần bạn vỗ tay và cười là “ngon lành cành đào” rồi.
Nữ sinh này cũng chia sẻ thêm,nhờ những lần đi vỗ tay “thuê” cho các chương trình game show mà bạn hiểu hơn về công việc của đài truyền hình: Để có được những khuôn hình đẹp,lung linh khi phát sóng,toàn bộ ê kíp đã phải làm việc rất vất vả. Ngay cả việc vỗ tay cổ vũ cũng phải làm một cách… nghiêm túc!.
Tùy theo nội dung,tính chất chương trình và đơn vị tổ chức,thù lao cho công việc đòi hỏi sự năng động này dao động trong khoảng 10.000 – 50.000 đồng/người/buổi. Mỗi lần ghi hình game show trực tiếp thì thù lao cao hơn,cần nhiều CĐV hơn để làm “nóng” không khí tại trường quay.
Xem thêm Giới trẻ đổ xô đi thẩm mỹ viện để tìm việc làm
Chủ động săn chương trình
Hồng Anh cho biết: “Ngoài những mối quen biết như có người nhà làm trong đài truyền hình,bạn bè mách nước thì bọn em cũng chủ động “săn” chương trình nhờ những mối quan hệ trước. Phải để ý xem sắp tới có chương trình nào diễn ra thì liên hệ với người phụ trách để làm cổ động viên,vỗ tay cho chương trình. Sinh viên thường trẻ trung,sôi động hơn những đối tượng khác,nên là đối tượng khán giả được ưu tiên”.
Hồng Anh cũng tiết lộ,nếu ghi hình từ sáng đến chiều thì khán giả được khoảng 90.000-150.000 đồng,tùy theo độ “cực khổ”. Vì không chỉ vỗ tay,có chương trình còn yêu cầu khán giả phải hò hét hoặc xung phong lên chơi trò chơi.
Cũng có nhiều chương trình,nhiệm vụ của khán giả không chỉ đến xem mà còn phải cổ vũ,khuấy động theo yêu cầu. Tuy nhiên,cũng có nhiều chương trình,người tham gia không được trả tiền mà lợi ích duy nhất là họ có cơ hội xem trực tiếp các game show,chương trình ca nhạc.
Nhiều chương trình game show,khán giả cổ vũ được phát dụng cụ hỗ trợ cổ động. Đó là hai chiếc gậy làm bằng xốp,khi vỗ chúng vào nhau sẽ phát ra những tiếng kêu rất to. Hoặc những gậy phát sáng để làm chương trình lung linh hơn. Chương trình chưa diễn ra,nhưng đội cổ vũ đã phải hò hét kêu gọi mọi người reo hò,vỗ gậy để “làm nóng” trước khi chương trình bắt đầu.
Vì cổ vũ từ đầu đến cuối chương trình nên nhiều CĐV sức khỏe không tốt đã bị khản cổ,người mỏi nhừ vì phải đứng lên ngồi xuống nhiều. Thậm chí,có người đã… lăn ra ốm. Thế nhưng khi khỏi,họ lại muốn đến trường quay để vỗ tay cho chương trình và được gặp các MC,biên tập viên,hay các khách mời mà mình yêu thích.
Trần Khải Hùng,SV ĐH Thương mại hóm hỉnh cho biết: “Nhiều khi bọn em đi cổ vũ,vỗ tay cho các game show như đi thể dục. Vì cả buổi phải hò hét,đứng lên ngồi xuống để khuấy động chương trình,dù thù lao không cao,nhưng quan trọng là bọn em thích làm việc với tinh thần đậm chất “thể dục” này”.
Xem thêm “Vua” bò sữa cao nguyên
Theo Đời Sống &Pháp Luật