Mỗi ngày có bao nhiêu phiền muộn xảy đến với chúng ta, thường thì theo bản năng của mình chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy và nghe được chính những phiền muộn của mình. Nhưng xung quanh còn rất nhiều cuộc đời với những hoàn cảnh khó khăn, những nỗi bất hạnh lớn hơn nhưng họ vẫn phải đang một mình gánh chịu tất cả. Nếu chúng ta có thể cùng chia sẻ, để làm vơi đi dù là một ít nỗi đau đó thì cũng thật đáng quý bao nhiêu.
Quà tặng cuộc sống – Tiếng đóng cửa
Xem thêm những câu chuyện quà tặng cuộc sống Đôi dép
Tôi chuyển nhà đến nơi ở mới không bao lâu, cứ mỗi ngày vào lúc trời gần sáng ở lầu trên vang ra tiếng đóng cửa rất mạnh, và kế tiếp là âm thanh của một tràng tiếng chân bước đi tinh tinh tang tang. Những ngày kế tiếp, tiếng đóng cửa cũng đúng giờ ấy vang lên khiến tôi không sao chịu nổi, chẳng lẽ phải lên lầu để tranh luận.
Mẹ tôi khuyên: “Chúng ta mới chuyển đến, con làm như vậy có thể hơi thiếu suy nghĩ và dễ làm mất lòng hàng xóm”. Tôi suy nghĩ hoài và hỏi ý kiến mẹ: “Vậy thì chúng ta đi tìm trưởng dân phố, thử xin cô ấy giúp được không?” Mẹ tôi đồng ý.
Cô trưởng dân phố nghe chúng tôi trình bày xong thì khuyên nhủ và an ủi tôi rằng: “Chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa của gia đình bất hạnh đó một thời gian. Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, nằm dài trên giường không đi lại được. Tôi đoán, tiếng đóng cửa đó là của đứa con. Nghĩ lại cũng thật đáng thương, xin chị khoan dung cho!”.
Đúng vậy, cậu ta khoảng 16, 17 tuổi, trông thật thông minh. Tôi tự nhủ: “Phải cố chịu đựng thôi”. Mấy ngày sau tiếng đóng cửa vẫn cứ như vậy, và rốt cuộc tôi đành lên gõ cửa căn hộ nọ. Cậu bé đó ra mở cửa, hốt hoảng run cầm cập xin lỗi tôi: “Dì! Cháu xin lỗi, sau này cháu sẽ ráng cẩn thận…”.
Tối hôm sau, tôi vừa thiu thiu an giấc thì tiếng đóng cửa quen thuộc đó lại vang lên đập mạnh vào tai nghe chát chúa, mẹ tôi an ủi: “Nhẫn nhịn đi con, có lẽ thằng bé đã thành thói quen, từ từ rồi nó sẽ sửa đổi”.
Mấy ngày kế tiếp, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đó biến mất. Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng chân cũng nhỏ đi nhiều, bước đi nhè nhẹ xem ra rất cẩn thận.
“Mẹ! Mẹ nói thật đúng”, tôi vừa dứt lời, hai mắt mẹ tôi bỗng nhiên ngấn lệ, bà nghẹn ngào nói: “Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, mấy ngày qua thằng bé ban ngày đi học, ban đêm đến quán ăn chạy bàn, nó đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn mất…”.
Một tối nọ, bất ngờ tôi gặp cậu bé ấy ở cầu thang của dãy lầu, nó cúi thấp đầu đau buồn bước đến gần tôi nói: “Dì! Chắc dì bị mất ngủ nhiều, mấy ngày trước cháu làm ảnh hưởng giấc ngủ của dì, thật là có lỗi”. Một lát sau, cậu bé nói như run lên: “Tiếng đóng cửa mạnh như vậy là do cháu cố ý. Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, khả năng nghe kém dần, cháu đóng cửa mạnh là muốn để mẹ biết được con mình đã về mà yên tâm đi vào giấc ngủ, sau này sẽ không còn nữa đâu…”.
Tôi như không nghe được nữa, lệ từ hai khoé mắt tôi cứ tuôn trào ra…
Xem thêm Cội Rễ Của Sự Trưởng Thành