Ai đó nói: “Người nào làm cho kẻ cùng hội cùng thuyền với mình cười vui, người đó đáng được lên thiên đàng. Song, làm cho họ khóc không ra tiếng thì tốt hơn, vì không còn ai cạnh tranh”.
Tomorrow
Làm một lệnh “search” trên Google với từ khóa “tình đồng nghiệp”, 105 triệu kết quả hiện ra nhưng lướt qua vài trang thì hầu hết đó là tên những đường link một bộ phim với tựa là Tình đồng nghiệp. Click thử vào một địa chỉ với nội dung “Nhạt như tình đồng nghiệp”, đọc xong lại suy nghĩ về cái “tình” trong cụm từ đó.
Một ngày có 24 tiếng nếu chia ra làm ba như người ta vẫn chia thì 8 tiếng ngủ (lúc đó không suy nghĩ, giao thiệp…), ta bỏ qua không tính. Còn lại, ta có 8 tiếng dành cho công việc và 8 tiếng cho gia đình. Như thế, ta có tới 1/3 thời gian trong ngày dành cho công việc nói chung và mối quan hệ đồng nghiệp nói riêng.
Theo quy định của luật Lao động trung bình mỗi cá nhân làm việc 40 giờ mỗi tuần đồng nghĩa ta có 2.080 giờ mỗi năm. Khi ta ở lâu với một ai đó, không ít thì nhiều cũng có tình cảm, huống gì với khoảng thời gian không dài nhưng cũng chẳng phải là ngắn đó. Thế tại sao lại “nhạt” nhỉ?
Tình bạn là người anh em mà Chúa đã quên không gửi vào gia đình. Mỗi chúng ta từ khi bắt đầu biết giao tiếp đã hình thành những mối quan hệ. Và trong những mối quan hệ ấy, người mà ta cảm thấy đồng cảm và có thể chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống thì được ta gọi là “bạn thân”.
Tình yêu là một nửa của mỗi người mà khi xưa Thượng đế đưa xuống trái đất, vì một vài lý do đã bị chia làm hai. Để rồi tới một ngày ta tìm được một nửa thất lạc đó cùng với những thứ mang tên chung, đó là hạnh phúc. Ta gọi là “bạn đời”.
Đồng nghiệp là người cùng ta giải quyết những vấn đề mà ở đó ta được trả công để làm điều ấy. Lúc này ta gọi là “bạn làm chung”.
Cũng là bạn nhưng có lẽ lại không hẳn vậy. Bởi ngay từ đầu khi thiết lập mối quan hệ với một ai thì ít nhiều mỗi cá nhân cũng đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra. Bên cạnh đó là khoảng thời gian mà ta và đối phương cùng nhau xây dựng để mối quan hệ ngày càng phát triển hơn. Nói chung, về căn bản từ đầu ở đây đã có sự chọn lựa.
Nếu vào siêu thị mà vì một lý do nào đó ta không có cơ hội chọn nên đã mua ngay một món đồ. Sau đó, ta nghĩ rằng nếu hoàn cảnh khác đi thì đã kiếm được cái tốt, đẹp hơn dù thực tế không hẳn vậy. Trong cuộc sống cũng thế, ta có thể chọn được việc làm chứ đâu chọn được người làm chung. Nói đơn giản ta đang ở thế buộc phải chấp nhận.
Lúc này, vô hình chung, ta đang bị thói quen trong suy nghĩ chi phối, đó là những gì không được ta sàng lọc và lựa chọn thì chắc chắn không phải là tốt nhất. Hơn nữa, theo xu hướng “nhảy việc” hiện nay, đôi khi còn chưa kịp biết tên người cùng công ty nói gì tới thân thiết hay gắn bó.
Không phải là tất cả nhưng có lúc ta phải thừa nhận rằng ở đâu, vật chất được coi trọng thì tình cảm chỉ là thứ yếu. Tiền không phải là mục đích mà chỉ là “phương tiện” nhưng để đạt đến nhiều mục đích, ta không thể thiếu “phương tiện” này. Và nơi người ta cạnh tranh, đố kỵ, hơn thua, đôi khi là bỏ qua những chuẩn mực đạo đức để cố kiếm được nhiều hơn nữa những “phương tiện” đó thì làm gì còn nhiều chỗ cho cái gọi là tình nghĩa.
Tuy nhiên, nói như thế không phải không còn đó những người đồng nghiệp mà ta có thể tin tưởng để nghe lời khuyên, sẻ chia cùng ta những nỗi buồn, cổ vũ khi ta không tự tin, bỏ qua những lỗi lầm mà ta mắc phải và giúp đỡ ta một cách chân thành, không đòi hỏi hay toan tính. Và tôi may mắn khi có được những người đồng nghiệp như thế.
Dù mạnh mẽ tới đâu thì cũng chẳng ai có thể một mình đứng trước vô cùng, vì thế, những người đồng hành luôn có ý nghĩa đặc biệt. Tôi chưa đủ trải nghiệm để khẳng định một điều gì cả. Nhưng tôi tin rằng dù cuộc sống có phức tạp thế nào đi nữa, bạn chỉ cần một trái tim chân thành và ấm áp, bạn cũng sẽ gặp được những người như thế trong cuộc hành trình khám phá cuộc sống này. Bạn và tôi hãy cùng tin như thế nhé!
Nguồn Ngôi Sao- Dakota