Một ngày nọ, cô bạn thân quyết định ráp hai mảnh lẻ với nhau, một sở trường của cô bạn ấy. Hai chúng tôi được mời đến với lý do thăm nhà mới của cô bạn, nói chuyện một hồi, rồi … cùng đi về trên một tuyến phố.
Tình yêu đầu tiên của tôi là dành cho môn số học. Những con số khi ở gần nhau, hoặc cách nhau mấy dấu cộng trừ nhân chia hay mấy cái dấu ngoặc, chẳng có màu sắc mùi vị gì đặc biệt, thế mà lại hay đáo để. Nên tôi rất thích hai câu thơ mộc mạc này của nhà giáo Văn Như Cương:
“…Em ơi trong toán nhiều công thức
Vừa đẹp như hoa, lại chẳng tàn”
Tôi thích và vẫn nhớ rất nhiều quy tắc dãy số, và mê mẩn đến nỗi chọn luôn một dãy số SIM đặc biệt với các con số trùng lặp theo một quy tắc khó, dãy số mà đa phần các bậc phụ huynh đáng kính muốn ghi lại cũng phải hỏi đi hỏi lại vài lần.
Rồi tôi theo học ngành ngoại ngữ. Nhỏ nhắn và tương đối xinh xắn, không quá năng động cũng không quá chậm chạp, không thiếu hiện đại và cũng không hụt truyền thống, nhưng cầm tấm bằng cử nhân ngoại ngữ, ra trường đi làm đến hai năm, mà vẫn chưa có tình yêu thứ hai.
Tôi luôn mộng mơ về một cuộc gặp tình cờ của hai kẻ chưa yêu ai bao giờ, chỉ cần hai mắt chạm nhau là Thiên lôi trên trời sẽ mang rìu chặt “xoẹt” một tiếng trên cao, thứ mà dân gian vẫn dùng từ “sét đánh” để mô tả, mối tình đầu mơ mộng của cả hai bên, và “yêu là cưới”.
Một ngày nọ, cô bạn thân quyết định ráp hai mảnh lẻ với nhau, một sở trường của cô bạn ấy. Hai chúng tôi được mời đến với lý do thăm nhà mới của cô bạn, nói chuyện một hồi, rồi … cùng đi về trên một tuyến phố. Ngày xưa, phố vắng thưa và ít xe máy, vào cái giờ dơ dở ấy, hầu như chỉ có hai chiếc xe chạy chầm chậm bên nhau. Ngồi trên chiếc xem Dream Thái cao mốt thời thượng bấy giờ là một anh chàng cao to ngạo nghễ, và ngồi trên chiếc xe 82 bên cạnh là tôi, tất nhiên rồi. Đến gần một ngã rẽ bên kia đường, anh nói đường về nhà anh đây rồi, nhưng tiện đường nên sẽ đi cùng với tôi đến ngã tư tới. Đèn đỏ, anh nói tiếp rằng anh luôn vẽ đường cho các bạn, tuy cuối cùng rất ít người đến nhà anh. Tôi đáp lại rằng: Em thì ngược lại, em không chỉ đường để ai đến nhà em và cũng ít người đến nhà em, kết quả giống nhau. (Phần đối đáp này hình như giống trong truyện “Love story” của Mỹ!)
Rồi đèn xanh. Tôi vù ga rẽ đi. Chắc vù nhanh quá nên lúc Thiên lôi thả sét xuống chỉ trúng mỗi một người vẫn đang … vẩn vơ như trong mơ trên chiếc xe Dream II thời thượng ấy!
Sau đó kịch bản cũng đúng như tôi mong đợi, chúng tôi yêu và cưới, đơn giản như thể một cặp đôi trời sinh vậy. Từ hình thức đến nội dung, nhiều điểm chúng tôi tương đồng, nhiều điểm là bù trừ, và nói chung là sự kết hợp giữa tương đồng và bù trừ thực sự có cái hay của nó.
Tình yêu theo năm tháng của cuộc sống gia đình có những biến chuyển lớn. Nó một phần vẫn âm ỉ, chúng tôi vẫn chí chóe những câu đối đáp như buổi gặp lần đầu. Một phần, nó thành tình nghĩa, không phải ruột thịt nhưng thật gần gụi. Một phần nó biến thành tình yêu thương đối với những thành viên khác trong gia đình hai bên và với những đứa con của chúng tôi khi chúng lần lượt chào đời.
Con gái tôi là một em bé cá tính, thừa hưởng sự mạnh mẽ của bố và sự kiên gan của mẹ. Con thích độc lập từ rất nhỏ, tự cầm bình sữa mút mút rất sớm. Con tự học bơi rồi kiên quyết dạy mẹ bơi. Cảm động trước tấm lòng của con gái, cuối cùng thì tôi cũng nổi người, rồi bơi lõm bõm vài ba mét trên biển sau một buổi “dạy” của con. Con cũng rất tự lập trong cuộc sống và học tập. Đôi khi đọc sách về đồng hành cùng con, tôi thấy thật tự hào vì con tôi luôn có vài gạch đầu dòng ưu điểm.
Tôi thật yêu dáng vẻ thiên thần của con trai, một sự kết hợp của tất cả những nét đẹp của bố mẹ và cái má lúm sâu mà chắc con xin được từ một nhà người bạn bè hay họ hàng nào đó. Tôi thật thương cái tên gọi “thiên thần bất hạnh” của con, con có một hình hài xinh xắn, sáng sủa nhưng con có thêm cả chứng tự kỷ. Ánh hào quang của vẻ ngoài thiên thần theo tháng năm đã không còn che khuất được với khiếm khuyết giao tiếp, xã hội ở con cùng với sự nghịch ngợm và những vấn đề kèm theo như khiếm ngôn và khó học.
Có lẽ trên đời này, chẳng có gì thay đổi tôi mạnh mẽ như hai từ “tự kỷ” ấy. Tôi bắt đầu tham gia một nhóm có con không may mắn nơi chúng tôi dễ dàng tìm được tiếng nói chung. Là tiếng lòng của người mẹ có con mắc hội chứng Down, hớn hở khi bác sỹ thông báo con đã đủ khỏe để mổ tim – một trong những dị tật khủng khiếp hay đi kèm với hội chứng DS. Nếu không mổ, con có thể ra đi bất kỳ lúc nào… Nếu ca mổ thành công, con sẽ trở thành một em bé DS có trái tim hoạt động bình thường, để rồi có thể có cơ hội biết đi khi các bé cùng tuổi đã biết đá bóng… Là tiếng nấc nghẹn ngào vui sướng của cả gia đình khi cô bé 3 tuổi lần đầu đứng vững để đẩy xe tập đi trong công viên sau bao ngày tháng từ Nam ra Bắc rồi trị liệu ở nước ngoài…
Là khi tôi dõi theo ánh mắt của em bé bán tăm tội nghiệp. Cầu mong cho em đừng gặp kẻ xấu trên đường. Cầu cho em lớn nhanh để biết tự vệ. Cầu cho ai đó có công việc ổn định để cho em một mái nhà chở che…
Là khi tôi gặp một cụ già tóc bạc trắng quẩy hai đầu đòn gánh những túm tỏi khô đi bán rong. “Cô ơi, mua giúp tôi ít tỏi nhé!” “Vâng, bà bao nhiêu tuổi rồi mà vẫn bán hàng có duyên thế?”. Bà cụ ấy đã gần 80 tuổi, và đang nuôi một mẹ già ở quê, cụ ông mất, con cái có gia đình hết, nên cụ lại về ở trông nom mẹ. “Cháu biếu bà chút tiền nhé, bao giờ về quê, bà cho cháu gửi lời chúc cụ khỏe mạnh, sống thêm 10 năm nữa!”. Bà cụ ấy làm tôi nhớ đến bà nội. Bà nội tôi mất cũng lâu lâu rồi, xưa, bà và tôi hợp nhau lắm.
Là đứa bé gần nhà tôi, nó hơi nghe khó nên thường nói to hơn so với mức độ bình thường, nhưng rất chăm ngoan, chịu khó và xởi lởi với mọi người. Mỗi lần gặp, thể nào nó cũng hơi “hét” vào tai tôi mấy câu thăm hỏi và kể chuyện đại loại như: Cô ơi, hôm nay cháu gặp em chạy ở trường! Cô ơi, cháu thấy em đi xe buýt… “Ừ, thế cháu thấy em chạy đi đâu thì cháu dẫn em về lớp hộ cô nhé!” … “Vâng”. Cứ như vậy, cái sự “nói to” ấy chẳng có gì phiền tôi cả. Thậm chí còn hay hay là đằng khác. Tôi thấy thực sự quý và thương nó. Có hôm đi chợ về, gặp nó, cho nó một chút quà, thế mà đã phóng xe đi cả chục mét vẫn thấy tiếng nó xa xa: “Cô ấy cho cháu đấy. Cô ấy đi xe kia kìa…”.
Tôi trở nên có nhiều yêu thương với những người nghèo khó, đau khổ, bệnh tật hay khuyết tật. Tôi hiểu một phần nào cuộc đời họ và con người của họ.
Cô bạn tôi theo đạo Phật cũng khuyên tôi hồi hướng những công đức của mỗi điều tốt mình làm được cho con trai để mong con tiến bộ hơn nữa. Tôi cũng luôn cố gắng đem lại điều tốt đẹp cho ai đó trong khả năng và phạm vi của mình. Đôi khi, sự giúp đỡ không phải là tiền bạc, mà đơn giản chỉ là một câu nói, sự an ủi, chia sẻ, chỉ bảo, định hướng, hay lời khuyên. Nhưng đối với những ai thực sự cần nó, thì đó là điều cực kỳ ý nghĩa. Có lẽ, chính tôi cũng ở trong hoàn cảnh ấy, nên tôi rất hiểu sự cần thiết và ý nghĩa đó. Mọi sự giúp đỡ, nhỏ hay to, vật chất hay không vật chất, đều là một việc thiện nguyện để đem lại điều tốt lành cho con người.
Câu chuyện tình yêu, đến giờ, tôi xin đặt lại là “Câu chuyện tình người”. Có những việc có thể rất nhỏ, ai cũng có thể làm được, nhưng trên thế gian này, có rất nhiều người thực sự cần đến chúng, nếu bạn chỉ để ý một chút thôi, bạn sẽ giúp đỡ rất nhiều những người có hoàn cảnh đặc biệt như tôi, như những nhân vật tôi đã từng gặp.
Khi gặp một người mẹ bế đứa con khuyết tật đi chơi nơi công cộng, nếu bạn nhìn họ, hãy nhìn thẳng và cười thật tươi. Người mẹ ấy dư sức biết rằng đứa trẻ ấy không lành lặn, nhưng vẫn coi đó đứa con đó là đáng yêu nhất đời.
Nếu bạn gặp một đứa trẻ bị lạc, không biết trả lời câu hỏi đơn giản như địa chỉ, tên bố mẹ, có thể có một chút thông tin trên chiếc vòng cổ hay trên áo để bạn có thể thông báo cho bố mẹ của trẻ đến, hoặc đưa trẻ về đồn công an. Đơn giản là như vậy, nhưng bạn đã giúp gia đình trẻ rất rất nhiều.
Tôi nhớ đọc ở đâu đó rằng xét về hành động, trẻ tự kỷ giống như một đứa trẻ hư, vô tâm, không biết ứng xử. Cháu có thể giật lấy gói bim bim của con bạn, vì cháu thích ăn bim bim và không kiềm lòng được. Nếu bạn có cười và rộng lượng cho cháu gói bim bim đó, có thể cháu vui quá mà không cám ơn và cũng không nhìn bạn một lần nào.
Cái oái oăm của tự kỷ là mặc dù không hiểu được những quy tắc ứng xử xã hội, nhưng trẻ tự kỷ chỉ có thể học hỏi dần và nhanh nhất nếu được hòa đồng vào xã hội. Nhiều khi phụ huynh thật dở khóc dở cười vì khó có thể giải thích cho người khác về hành vi của con khi con đi hòa nhập, nhưng cũng không thể rút con về nhà dạy “chay”. Nếu bạn cho các con một cơ hội hòa nhập, không từ chối các con, thì chính là bạn đã cho các con một cơ hội để sống.
Nếu mỗi người đều gieo một chút ít yêu thương, thì những người như chúng tôi sẽ nhận được nhiều lắm. Cuộc sống hiện đại cứ trôi theo từng vòng bánh xe, từng vòng quay công việc, từng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ, hối hả, bất tận. Nhưng nếu ta sống chầm chậm lại một chút, lắng nghe và chìa tay san sẻ với những người đồng hành kém may mắn hơn, đó chính là khi bạn mang yêu thương đến cho những người cần được yêu thương và biến cuộc sống của họ trở nên đậm sắc hơn bao giờ hết. Có thể lần nào đó, tuy chúng tôi không nói ra lời cảm ơn, nhưng có thể ghi nhật ký rằng: Mình phải cảm ơn hai cô chú ở quán café sáng nay, họ đã cười khi con chạy ào vào uống trộm một ngụm nước trong cốc của họ rồi biến mất! Mình không tiện giải thích rằng con bị tự kỷ, nhưng mình hy vọng họ hiểu không phải là con hư mà ắt là phải thứ gì đó cực kỳ khó giải thích, đại loại như … tự kỷ
Theo vnexpress