Trễ kế hoạch, trễ deadline, không hoàn thành công việc được giao, bị sa thải v.v. có rất nhiều thứ được gắn nhãn “thất bại” làm cho chúng ta cảm thấy như chết còn sướng hơn. Nhưng vượt lên trên tất cả những tai ương này, cảm giác bị ruồng bỏ bởi chính gia đình của mình chính là quán quân của cuộc thi “làm thế nào để huỷ diệt một người”.
Rất ít khi có trường hợp những người trong gia đình thực sự hả hê trước sự thất bại của bạn mà hầu hết đều muốn bạn không quá đau buồn về chuyện đó. Vấn đề là không phải ai cũng biết cách thể hiện sao cho phù hợp. Và việc thể hiện không phù hợp dễ dẫn tới hiểu lầm và khiến người trong cuộc càng sầu đời thêm.
Kết quả là mái ấm gia đình không còn ấm cúng mà trở nên nguội lạnh, hoặc nóng đổ lửa. Lúc này, tình cảm sứt mẻ, thậm chí hạnh phúc tan vỡ là điều tất yếu.
Theo như quyển sách của tiến sĩ John Gray, Đàn ông đến từ sao Hỏa, Đàn bà đến từ sao Kim, thì cách suy nghĩ của các thành viên trong gia đình đều rất khác nhau về mặt giới tính. Trong tình huống anh ấy (hay cô ấy) cần được an ủi sau khi gặp thất bại trong cuộc sống, việc không nhận ra sự khác biệt này sẽ dẫn tới sự hiểu lầm. Nó không chỉ làm cho người kia cảm thấy tệ hơn mà còn dẫn tới sự tổn thương cho cả người còn lại.
Hãy nhìn vào trường hợp sau nhé. D vừa bị cấp trên mắng một trận vì đã không làm tốt công việc. Anh cảm thấy bẽ bàng, tự ái và chỉ muốn về nhà cho rồi. Về đến nhà, D bật ti vi, bấm chuyển hết kênh này tới kênh khác. Anh không xem truyền hình mà đang nghiền ngẫm sự việc tại chỗ làm. Anh cứ ngồi như vậy cho tới khi vợ anh, H, cũng vừa đi làm về.
H thấy chồng ngồi một đống, với trực giác của phụ nữ, cô biết ngày hôm nay có chuyện gì khiến anh không vui. Cô ân cần hỏi thăm anh. D chỉ trả lời qua loa. H vẫn tiếp tục hỏi, cô quan tâm tới anh ấy và tin rằng chỉ cần nói ra thì D sẽ cảm thấy khá hơn. Nhưng ngược lại, cô càng hỏi thì anh chồng càng bực bội. Một lúc sau, hoặc là H nản lòng không hỏi nữa và bỏ vào trong với tâm trạng bị tổn thương, hoặc là D tắt ti vi, nói gì đó một cách tức tối rồi bỏ đi ra ngoài.
Đây là một trong rất nhiều trường hợp cho thấy việc không nhận ra sự khác biệt giới tính trong suy nghĩ của nam và nữ dễ dẫn tới những mâu thuẫn không đáng có. Sự khác nhau này là điều hiển nhiên. Chúng ta không thể thay đổi điều đó, nhưng chúng ta có thể nhận biết nó và biết cách đối xử với nhau phù hợp hơn.
Trong trường hợp nêu trên, H đã đúng khi tin rằng một khi D nói ra thì anh ấy sẽ khá hơn. Nhưng sau vài câu trả lời cho có của anh ấy, H cần hiểu là D chưa muốn nói về chuyện đó lúc này. Anh ấy cần thời gian suy nghĩ cho thông suốt rồi mới có thể nói ra được.
Đây là một trong những điểm khác biệt giữa nam và nữ. Phụ nữ thường trả lời cho có lệ và bảo là không có gì nhưng trong lòng thì đang chờ người kia tiếp tục hỏi để họ có thể biết chắc người đó có thực sự muốn nghe mình nói hay không. Còn với nam giới, điều này chỉ có nghĩa là họ thực sự không muốn nói, ít ra là vào lúc đó.
Khi đã hiểu về sự khác nhau này, H sẽ không thúc ép chồng mình trả lời nữa. Cô ấy sẽ nói rõ sự quan tâm của mình và cho D biết rằng anh ấy có thể nói về chuyện đó với cô bất kì lúc nào anh muốn.
Làm như thế chắc chắn sẽ khiến D rất cảm động vì anh cảm thấy mình được tin tưởng và trân trọng.
Trong trường hợp ngược lại, H là người đang gặp rắc rối trong công việc thì D cần phải áp dụng cách mà vợ đã nhiều lần làm mình khó chịu. Anh phải tiếp tục hỏi bằng những câu khác nhau cho dù cô ấy nói là không có chuyện gì. Nếu trong một phút D nghĩ rằng H thực sự ổn, chỉ cần để cô ấy yên tĩnh suy nghĩ rồi nàng sẽ nói ra thì anh đang lầm vợ mình với một người đàn ông. Làm như thế H sẽ có cảm giác là anh ấy không thực sự quan tâm đến mình.
Bạn có thể hỏi rằng có trường hợp ngoại lệ nào không? Nghĩa là có lúc người phụ nữ cần được để yên suy nghĩ một mình. Dĩ nhiên là có. Thường thì lý do nàng không muốn nói chuyện với bạn về thứ khiến cho nàng có cảm xúc tiêu cực là vì… bạn chính là thứ đó!
Lúc này, cô ấy cần thời gian để suy nghĩ mà không có bạn lờn vờn xung quanh.
Tóm lại, chìa khóa để thực sự hỗ trợ trọn vẹn từ gia đình đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về những khác biệt giới tính trong suy nghĩ không chỉ giữa hai vợ chồng mà còn là giữa tất cả những thành viên trong gia đình. Đó là chưa kể sự khác biệt về mặt thế hệ và cá tính nữa. Hiểu về những khác biệt để thông cảm cho nhau hơn, để dễ chấp nhận nhau hơn.
Điều này không dễ dàng và cần rất nhiều thời gian, thậm chí là cả đời, để thực sự hiểu, chấp nhận và có cách thức đối xử phù hợp. Nhưng khó không đồng nghĩa với không thể. Những người yêu thương nhau sẽ không từ bỏ nhau cho dù có những lúc cơm không lành canh không ngọt.
Tổ nóng, tổ lạnh hay tổ ấm đều là do bạn lựa chọn. Hãy chọn một cách khôn ngoan.
Kế Thắng