“Nếu bạn hít một hơi thật sâu và quan sát xung quanh, ‘Nhìn chuyện gì gì xảy ra cho tôi đây này’ sẽ trở thành ‘Nhìn xem những thứ đang xảy ra kia kìa!’ – Và điều gì đang diễn ra? Những bi kịch cuộc sống bày ra trước mắt chúng ta, và ta là một phần trong nó.”
[If you take a deep breath and look around, ‘Look what’s happening to me!’ can become ‘Look what’s happening!’ And what’s happening? The incredible drama of life is happening. And we’re in it!]
— Sylvia Boorstein (nhà vật lý trị liệu, tiến sĩ nghiên cứu Phật học người Mỹ)
Một nghịch lý trong cuộc sống ngày nay: khi mức sống ngày một gia tăng, được bảo đảm về an toàn và tiện nghi, con người càng đánh mất đi sự hạnh phúc và những giá trị nhân văn. Trong hoàn cảnh khó khăn, chống chọi với thiên tai hay chiến tranh, chúng ta bảo bọc lẫn nhau, chia nhau từng miếng ăn, thậm chí sẵn sàng hy sinh vì những người không hề quen biết.
Nỗi bất hạnh của người khác cũng là nỗi đau của chính ta. Nhưng khi cơn nguy khó qua đi, một khi có cuộc sống đầy đủ con người lại tìm cách vơ vét vào mình mọi thứ có thể. Chúng ta bận nghĩ về lời lãi của vụ làm ăn hơn là đếm xỉa tới người ăn xin mình vừa bước qua, chúng ta vứt rác xuống đường để khỏi vấy bẩn lên chiếc xế hộp bóng lộn, chúng ta tìm cách hạ bệ nhau để hòng thăng tiến, hay đày đọa bản thân, thậm chí tìm đến cái chết khi chuyện không như ý mình (thất tình chẳng hạn)… Lúc này, không nỗi khổ nào sánh với những gì TÔI đang phải chịu, tất cả mọi sự về TÔI, TÔI và TÔI.
Chính chúng ta đang tự tạo ra bi kịch đời mình.
Chỉ cần gác một vài phút giây than thân trách phận và nhìn quanh ta sẽ thấy bao cảnh đời mà so với họ, những “bi kịch” của chúng ta hóa nhỏ nhoi. Nhìn xa hơn, dù ở đâu trên trái đất này, điều kiện sống ra sao thì hàng triệu triệu con người đã và đang chịu những nỗi thống khổ riêng, ta mới nhận ra mình may mắn đến thế nào.
Khi ta yên giấc trong chăn êm nệm ấm thì ở đâu đó ngoài kia có những người già bệnh tật không có ai nương tựa; những trẻ em chết dần vì đói, vì thiếu thuốc men; những người chỉ mong cuối ngày kiếm được hơn 1 đô la để nuôi sống gia đình; những người nơm nớp lo sợ vì bị kỳ thị chủng tộc, tôn giáo; những người đang phải gánh chịu hậu quả của thiên tai, dầu tràn hay tai nạn rò rỉ hạt nhân; những binh lính lẫn dân thường không biết ngày mai mình còn sống hay không; những người nhà nạn nhân lặng đi vì mất mát sau vụ khủng bố;…
Cuộc sống cần mỗi chúng ta làm cho nó tốt đẹp hơn, không phải gieo thêm khổ đau và hủy diệt vì nó đã có quá đủ rồi. Những bi kịch sẽ vơi bớt ngay khi ta từ chối là một phần trong nó. Đừng là nguyên nhân, hãy là giải pháp – có rất nhiều việc phải làm hơn là đóng vai nạn nhân.
Bạn đem đến cho cuộc sống này điều gì?
Tác giả Nguyễn Đức Nhật