Trường hợp vợ chồng trẻ, đã có con tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý xin “gỡ rối” chiếm tỷ lệ lớn trong các ca tư vấn liên quan đến mâu thuẫn gia đình. Điều này cũng phù hợp với một số khảo sát trước đây, tỷ lệ ly hôn ở vợ chồng trẻ chiếm đến 70% các trường hợp ly hôn nói chung.
Bận rộn nảy sinh mâu thuẫn
Kết hôn được vài năm, có lẽ không niềm vui nào lớn hơn của cặp vợ chồng trẻ là khi đứa con đầu lòng chào đời. Rồi nụ cười toe toét đầu tiên của bé, cái răng sữa xinh xinh, những bước chân chập chững… làm cho hạnh phúc của bố mẹ tăng lên gấp bội.
Nhưng áp lực của những cặp vợ chồng trẻ khi có con đầu lòng cũng không nhỏ, nếu thiếu kĩ năng xây dựng hôn nhân, nguy cơ đổ vỡ là rất lớn. Trong các trường hợp phải gặp gỡ chuyên gia tâm lý, nguyên nhân khiến chị em căng thẳng là việc chăm con khiến họ dồn quá nhiều thời gian, sức khoẻ, trong khi chồng không thông cảm, đỡ đần nên xảy ra mâu thuẫn. Với nam giới, khi vợ dành nhiều thời gian cho con họ có cảm giác mình bị ra rìa, họ thấy vợ lười biếng trong việc chăm chút bản thân mình, sức hấp dẫn không còn, chuyện ái ân cũng dần lạnh nhạt.
“Hai vợ chồng son, sinh một con thành bốn”. Có con, vợ chồng sẽ chi tiêu nhiều hơn so với trước. Nếu không có kế hoạch dự phòng, gánh nặng tài chính lúc này chủ yếu dồn lên vai người chồng. Người vợ thấy việc chăm con quá nặng nhọc, trong khi chồng lại nhởn nhơ việc xã hội. Người chồng thì nhận thấy quá bận rộn với việc mưu sinh cho gia đình, trong khi vợ lúc nào cũng cằn nhằn, kể lể những chuyện vặt vãnh. Sự bận rộn khiến hai vợ chồng dễ nảy sinh mâu thuẫn. Họ còn trẻ nên ít kiên nhẫn hơn với lỗi lầm của nhau, chuyện lục đục dễ thổi bùng thành ngọn lửa lớn thiêu rụi mái ấm.
Mức thoả mãn hôn nhân giảm sút
Theo kết quả nghiên cứu liên quan tới 31.000 cặp vợ chồng do ĐH San Diego (Mỹ) tiến hành cho thấy, mức thoả mãn hôn nhân giảm 42% sau khi người vợ sinh con thứ nhất. Nghiên cứu còn cho thấy rằng, có từ 50 đến 80% các bà mẹ trẻ và khoảng 30% các ông bố bị trầm uất, khiến họ chẳng những tỏ ra vô trách nhiệm với đứa con mà còn không còn mặn nồng chăm sóc nhau.
Một nghiên cứu khác do Viện Gallup (Mỹ) tiến hành cho thấy 100% các cặp vợ chồng có con lần đầu tiên đều cãi nhau sau 3 năm có con. Trong đó, 50% tìm lại được sự hoà hợp sau khi thảo luận ổn định với nhau.
Đứa con ra đời là kết tinh của hạnh phúc, nó phải là gạch nối cho hôn nhân bền vững. Tình trạng vợ chồng xung đột dữ dội không phải vì bản thân đứa trẻ mà những mâu thuẫn xảy ra xung quanh nó. Từ những cãi cọ ban đầu, nạn bạo hành gia đình rất dễ bột phát trong giai đoạn này.
Nhiều khách hàng khi đến gặp chuyên gia tư vấn đều khá ngộ nhận về vấn đề: “Cha mẹ cãi nhau, thậm chí “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” sẽ không ảnh hưởng nhiều đến con cái, vì chúng còn nhỏ để nhận thức được vấn đề”.
Thế nhưng trên thực tế, khi cha mẹ xung khắc thường họ sẽ vô trách nhiệm với con, chưa kể trường hợp cha mẹ ly hôn. Mặt khác, trẻ nhỏ sẽ bị thương tổn tinh thần nhiều nhất.
Những nghiên cứu trước đây cho thấy, cái cách mà cha mẹ nói chuyện với nhau trong những tháng đầu người vợ có thai sẽ ảnh hưởng đến hành vi tính tình của đứa bé sau này. Còn khi đứa trẻ đã biết bắt chước và phán xét hành vi người lớn, bất kì một xung đột nào của cha mẹ đều gây ra những tổn thương tâm lý.
“Vũ khí” chống lại sự đổ vỡ
Cặp vợ chồng nào biết nhường nhịn nhau, biết cách “quản lý” các xung khắc thì cả ba: vợ, chồng, con đều cùng có lợi. Thông thường, những vợ chồng có thể duy trì hạnh phúc sau khi có con đều là những cặp có người chồng biết tôn trọng, giữ được sự lãng mạn và hiểu nỗi lòng của vợ.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngoài việc hiểu được những khó khăn của “đối phương”, vợ chồng cũng cần phải biết thiết lập một “bản đồ” của tình yêu để duy trì ngọn lửa nồng cháy.
Cả hai phải luôn cập nhật và chia sẻ nhu cầu tình cảm của nhau. Trong giao tiếp hằng ngày phải tế nhị, đừng bao giờ gắt gỏng hoặc càu nhàu. Ngoài thời gian cho công việc, chăm sóc con cái, vợ chồng cũng nên thường xuyên dành những khoảng thời gian bên nhau để duy trì sự thân mật, yêu thương.
Các chuyên gia tâm lý khuyên vợ chồng không nên kéo dài nỗi bực tức đến giờ đi ngủ. Hãy khởi động ngày mới bằng nụ hôn say đắm thì mọi chuyện sẽ qua. Còn nếu “ngại” chuyện âu yếm, chí ít mỗi ngàycũng phải ôm chặt nhau một lúc.
Nuôi dạy con rất khó, trách nhiệm cha mẹ tăng dần, nếu không khéo sẽ dễ quên trách nhiệm phu thê dành cho nhau. Do vậy, hãy cùng nhau cố gắng cân bằng cả tình thương dành cho con lẫn tình chồng vợ.
Lê Trung Can (Chuyên gia tư vấn tâm lí)
Theo giadinh.net