Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, trẻ nhỏ cũng không khỏi bị ảnh hưởng theo. Nếu không chú ý, các bậc phụ huynh sau này phải đau đầu nghĩ cách cứu con ra khỏi thế giới ảo.
Nghiện net bởi… phụ huynh
Chị Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là biên tập viên của một nhà xuất bản nên công việc không thể tách rời máy tính. Ngoài công việc ở cơ quan, chị còn ôm việc về nhà tranh thủ làm thêm. Bé Mi 5 tuổi con chị đã quá quen với hình ảnh mẹ “ngồi đồng” trước chiếc máy tính xách tay hàng tiếng đồng hồ nên rất băn khoăn không biết có gì thu hút mẹ đến thế. Bé nhiều lần vòi vĩnh mẹ bế lên ghế ngồi cùng để quan sát và cùng bấm bàn phím. Mỗi lần đòi hỏi không được đáp ứng là Mi lăn đùng ra khóc ăn vạ. Để tập trung làm việc và muốn con tự chơi, không ảnh hưởng mình, chị Hương thường xuyên bật máy tính bàn, vào sẵn một trang web nào đó, cho bé tha hồ tự khám phá thế giới ảo. Dần dà, bé Mi đã biết cách lên mạng thành thạo và tự vào các trang web mà không cần tới mẹ giúp. Giờ đây cũng như mẹ mình, Mi phải lên mạng ít nhất 2 tiếng/ngày vào các buổi tối, dứt khoát lướt web cho đã đời mới chịu đi ngủ.
Tương tự, bé Minh Hoàng 7 tuổi (ở chung cư Vạn Đô, Bến Vân Đồn, Q.4, TP.HCM)
cũng là một tay chơi game cứng cựa do được luyện tay nghề hằng ngày cùng bố mình từ hồi mới 4 tuổi. Số là bố của bé rất mê game và thường bị con quấy rầy khi đang chơi nên quyết định dạy con biết chơi game trên máy tính cho… đỡ quấy. Bé Minh Hoàng giờ đây vô hình trung đã trở thành kẻ… nghiện game và luôn cáu kỉnh khi bị ai nhờ vả làm gì khi bé đang chơi.
Hai chị em Chút 7 tuổi và Chít 4 tuổi (tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2, Q.7, TP.HCM) cũng suốt ngày cãi vã tranh giành cái iPad mỗi khi đi học về. Mẹ của hai bé lúc nào cũng phải quát tháo hai con do nhiều lúc hai bé mải chơi iPad, nhất định không chịu vào tắm hoặc không ăn cơm.
Chị Hương, mẹ của Chút và Chít, than thở nhiều khi chỉ muốn vứt luôn iPad đi cho đỡ bực. Chị cũng cho biết tất cả do ông chồng mê công nghệ cao, luôn tích cực đổi máy tính và dạy các con cách sử dụng khiến lũ trẻ đâm nghiện máy không kém bố. Mặc cho vợ luôn phản đối cách dạy con cập nhật công nghệ hiện đại quá sớm này, chồng chị vẫn cương quyết không nghe. Thậm chí mỗi khi có khách tới nhà chơi, chồng chị khoe các con mình dù nhỏ đã biết sử dụng máy tính một cách thành thạo và mua riêng cho mỗi đứa một chiếc iPad cho đỡ cãi vã nhau. Đối với lũ trẻ, còn gì hơn khi được bố khích lệ như vậy. Kết quả là bữa cơm trong gia đình chị ngày càng lạnh ngắt do mỗi bé ôm một bát cơm ngồi một góc và nghịch máy tính riêng của mình.
Cứu con bằng cách nào?
Việc tiếp xúc với máy tính và internet quá sớm cũng dễ khiến trẻ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới tâm sinh lý trong suốt quá trình trưởng thành. Không ít trẻ bị cận thị, đau các đầu ngón tay, toàn thân rã rời, mỏi mệt, tinh thần sút kém, biếng ăn, lười học, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, trí nhớ suy giảm… do lén cha mẹ sử dụng máy tính liên tục hằng ngày với tần suất quá lớn. Thậm chí đối với những gia đình có điều kiện, con có máy tính trong phòng riêng thì cha mẹ càng khó kiểm soát. Từ việc lướt web xem tin tức, chơi game, nhiều trẻ đã sa đà, vô tình khám phá ra nhiều web đen hoặc liên tục cập nhật những thông tin không lành mạnh đầy rẫy trên các mạng… Trẻ cũng dễ bị sa ngã, bị lừa gạt bởi việc kết bạn ảo trên mạng và sống bay bổng trong một thế giới ảo với những lời tâng bốc, tán tụng của bạn bè ảo.
Chỉ hướng dẫn cho con sử dụng máy tính lên mạng khi thật cần thiết và khi con đủ tuổi nhận thức; khóa các trang web đen trên máy bằng phần mềm, thậm chí định giờ sử dụng máy cho con hằng ngày; khéo léo giải thích và so sánh cho con biết được sự khác biệt giữa cuộc sống thực với thế giới ảo… là công việc mà các bậc phụ huynh cần làm ngay. Đối với những trẻ nhỏ chưa có ý thức về việc sử dụng máy tính và lướt web, cần nghiêm cấm sử dụng, không nên nuông chiều con dẫn tới những hậu quả trượt dài khó kiểm soát sau này. Bản thân các ông bố bà mẹ cũng phải tự cố gắng hạn chế bớt việc lướt web ở nhà để làm gương cho các con.