Lặng lẽ, âm thầm nhưng lại cuồn cuộn như những mạch nước ngầm bên chồng, bên con luôn là hình ảnh của những người phụ nữ. Công việc làm báo còn cho chúng tôi được biết nhiều hơn thế về những người mẹ, người vợ đã trở nên vĩ đại trong sự lặng lẽ của mình.
Một lần đi thực hiện chương trình học bổng Tiếp sức đến trường ở miền Trung, chúng tôi đã không giấu được ánh mắt ái ngại khi gặp mẹ của một em học sinh được đề xuất trao học bổng.
Bà bước lên từ khoảnh ruộng nhỏ, lưng khòm gập xuống gợi nhớ câu ca “bà còng đi chợ…” những ngày xưa. Bà với nắm tay ra phía sau đấm đấm vào lưng, cố thẳng người lên để nói chuyện với khách và bắt gặp ngay ánh mắt của tôi. Không đợi khách lạ mở lời, bà đã trấn an ngay bằng nụ cười hơi ngượng ngập: “Mới ngoài năm mươi mà cái lưng như ri…”.
Đốt cả thế gian
Chỉ đến lúc ấy, tôi mới nhận ra gương mặt bà không phải mang đầy nếp nhăn như một “bà còng” trong ca dao mà vẫn đầy đặn vẻ chất phác.
Và sự tinh tế của một phụ nữ đã khiến bà giải thích thêm với khách mà vẫn không cần nghe một câu hỏi nào: “Vì làm đồng phải cúi xuống nhiều quá, cả mấy chục năm nay. Nhưng không sao, lưng mình có còng, có phải cúi xuống nhưng con nó vươn lên là được”.
Câu nói làm người nghe rơi nước mắt. Con của bà là một cậu bé giỏi toán, vừa thi đỗ vào Đại học Bách khoa. Không cần xác minh thêm gì nữa, tên của cậu được xác định ngay trong danh sách nhận học bổng, nhưng chúng tôi cũng biết rằng không cần đến suất học bổng ấy, với người mẹ như thế cậu nhất định sẽ thành tài.
Một bà mẹ khác cũng gây ấn tượng không kém khi hơn nửa năm kể từ ngày xuất hiện trên báo, nhiều bạn đọc vẫn tiếp tục hỏi thăm: bà Chung Thị Do, người mẹ đã mười mấy năm cõng con trai đến trường để con học và học giỏi, người mẹ đã nhất quyết không buông tay trước những gánh nặng tính bằng kilôgam của cậu con trai trên lưng, gánh lo ngổn ngang cơm áo gạo tiền trong lòng và gánh muộn phiền đè nặng từng giấc ngủ.
Nguyễn Chung Tú lớn lên với nỗi bất hạnh của căn bệnh nhược cơ, nhưng cũng chính căn bệnh đó đã cho em biết em có một người mẹ tuyệt vời đến thế nào.
“Trong bất hạnh thì hạnh phúc lại càng kết tinh và lấp lánh lên như kim cương” – một bà mẹ đã cười rất tươi mà tự hào nói như thế, như là đang đọc sách. Ấy là chị Thu Hương, mẹ của cậu bé “xương thủy tinh” Đỗ Minh Hội.
Trước những đau đớn, thiệt thòi của con, trước những khó khăn chất chồng của gia đình, những nghiệt ngã của cuộc đời, chị thốt lên một lời cam kết: “Dù có phải đốt cả thế gian này mẹ cũng sẽ làm vì con”.
Và chị đã làm thật, tất cả những gì một người mẹ có thể và cả những điều mà những người đứng ngoài tình mẹ con sẽ không thể nghĩ ra, để Hội được vui sống và tự tin với chân tay thủy tinh của mình.
Niềm tin của chị đã truyền sang những bà mẹ khác của những cô cậu bé thủy tinh khác, họ đã gặp nhau, đã gắn kết nhau thành một gia đình, cùng đi tìm những sắc màu lấp lánh trên con đường thủy tinh của mình.
Con đối với mẹ bao giờ cũng là cả thế giới, và từ con, nhiều bà mẹ đã mở cửa với cả thế giới như thế.
Mở ra thế giới
Đã 19 năm, giải thưởng toán học Nguyễn Đình Chung Song trở thành một mục tiêu và niềm tự hào của những học sinh giỏi toán TP.HCM.
Tên của hai thế hệ thầy dạy toán Chung Song – Song Minh bao năm nay nằm trong lòng nhiều thế hệ học trò thành phố, từ ngày có giải thưởng, những cái tên ấy càng in đậm. Khuất phía sau và làm một cái nền vững chắc cho giải thưởng lại là một cái tên khác: bà Lê Thị Túy Đại, người vợ hiền thảo của thầy Song, người mẹ rất mực thương yêu của thầy Minh.
“Để có một chút gì ghi lại những tình cảm yêu thương của ông ấy với mẹ con tôi, với toán học và với các học trò” – bà chỉ giải thích đơn giản như thế và giải thưởng Nguyễn Đình Chung Song đã xuất hiện năm 1992, một năm sau khi thầy Song qua đời.
Khởi đầu chỉ là những món quà nhỏ được chuẩn bị từ nguồn tiền tiết kiệm của gia đình, đến nay đã có cả một danh sách dài những mạnh thường quân ủng hộ. Ban đầu giải thưởng chỉ đóng khuôn trong những em học sinh giỏi toán ở quận Phú Nhuận, nay đã được trao cho toàn bộ học sinh giỏi toán nhất TP.HCM.
Danh sách đại gia đình toán học Nguyễn Đình Chung Song nay đã gần đến con số 500, danh sách những người đã thành đạt cũng được cập nhật dài ra thêm hằng năm và trở thành niềm vui sống của bà. Nguồn tiền tích lũy từ các lớp học của thầy Minh, từ thu nhập của cả gia đình đều được dành cho giải thưởng.
Những ngày đầu năm mới luôn là ngày mà nhà bà vui nhất khi danh sách các em học sinh giỏi toán cấp quận, huyện, thành phố được cập nhật, cả nhà lên danh sách, in giấy chứng nhận, bàn nhau chọn mua quà, xúm xít gói…, nao nức như chuẩn bị phần thưởng cho con cháu trong nhà.
“Ông ấy luôn nói học sinh Việt Nam rất thông minh, nếu có điều kiện thì nhất định không thua ai – bà nhắc – Tiếp nối việc dạy học của ông ấy, tôi cố gắng tạo thêm một chút điều kiện, một chút động lực cho các em”. Tình thương kính quý chồng của bà đã lan tỏa ra ngoài khuôn khổ gia đình như thế.
Tôi còn biết một bà mẹ khác ngày ngày cùng con gái gom những đứa trẻ con nhà nghèo về nhà dạy học. Đêm đêm hai mẹ con, một đã rất già và một bắt đầu già, ngồi vuốt vuốt, xếp xếp những chiếc quần áo cũ, phân loại rồi gọi những nơi nào đang cần thì tới lấy mang đi.
Căn nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo đã thành nơi dung chứa và trung chuyển những tấm lòng… Và trong đời còn rất nhiều, rất nhiều những bà mẹ như thế nữa. Tình mẹ được thiên phú cho người phụ nữ để trao tình thương không đong đếm cho những người thân, những đứa con rồi từ đó mà mở lòng ra bao la để yêu thương cuộc đời, để cho “đời còn dễ thương”.
Có những người mẹ, những người phụ nữ như thế, cuộc đời này dù còn nhiều khó khăn, khắc nghiệt vẫn cứ thật đáng sống.
Đồng hành cùng con
Thư viện sách nói dành cho người mù hiện nay đã trở nên rất quen thuộc, nhắc đến thư viện, ai cũng sẽ bật ra ngay cái tên Hướng Dương. Nhưng nhiều năm song hành cùng thư viện, tôi biết Hướng Dương không thể trở thành một chủ nhiệm dự án thành công như vậy nếu không có cô Tuyết Ngọc, mẹ chị, kề bên.
Để bù đắp những thiệt thòi cho Hướng Dương sau vụ tai nạn làm chị mất đôi chân, cô Ngọc đã một lần nữa cho chị tất cả thời gian, tất cả sức lực, tất cả tâm huyết sau 25 năm nuôi con trưởng thành. Cô Ngọc với chiếc Chaly nhỏ xíu và cũ kỹ đưa Hướng Dương đến Trường Nguyễn Đình Chiểu những trưa hè nắng gắt, đến phòng thu ngày hai ba buổi.
Những ngày thư viện mới thành lập, cô Ngọc đi xin từng cuộn băng về cho Hướng Dương in sang, rồi cũng cô đóng gói từng hộp, từng thùng băng gửi đi các hội người mù, cũng cô ngồi ghi tỉ mỉ vào sổ từng người đóng góp, người mượn băng, người tặng sách…
Hôm nay thì thư viện đã có trụ sở khang trang, có ban bệ phòng ốc nhưng mỗi lần đến vẫn thấy cô Ngọc với cái dáng gầy gò, tong tả chạy lui chạy tới với hàng tá công việc không tên.
Mỗi lần Thư viện sách nói tổ chức một sự kiện, thế nào cũng gặp cô Ngọc ở cánh gà ôm ngực thở hổn hển và nói: “Hết lần này nữa thôi”, nhưng nhìn vào mắt cô, thấy những tia lấp lánh của niềm vui, hạnh phúc, tôi biết cô sẽ còn đồng hành với những dự án của con gái mãi mãi.
Và không chỉ là vì Hướng Dương, ánh mắt trìu mến của cô đã phủ khắp các em học sinh mù. Cái ôm riết và nụ hôn của cô rộng rãi trao cho những sinh viên nhận học bổng của thư viện. Cô thuộc tên từng “khách hàng” của thư viện, cả hoàn cảnh, học lực, ước vọng.
Và những bàn tay mềm ấm của các em, nụ cười hiền lành, tiếng gọi “má Ngọc” tha thiết đã trở thành một động lực to lớn để cô đồng hành cùng thư viện từ 12 năm nay và sẽ còn nhiều năm nữa.
Theo tuoitre