Tác giả: Lý Quí Trung
Lĩnh Vực: Xây Dựng Thương Hiệu
Nhà Xuất Bản: NXB Trẻ
Giá Sách: 24.000 VNĐ
Xây dựng thương hiệu là một đề tài không hề mới tại Việt Nam nhưng làm sao để một doanh nghiệp tạo được thương hiệu và duy trì nó trong lòng khách hàng là điều vẫn còn nhiều vướng mắc.
Trong chủ đề bài viết tháng 8 về việc khẳng định thương hiệu cá nhân, mình muốn chia sẻ với bạn đọc của Dakota những điều thú vị trong cuốn sách “Xây dựng thương hiệu – dành cho doanh nghiệp Việt Nam đương đại” của tiến sỹ Lý Quí Trung.
Thật ra, chúng ta có thể dễ bị lẫn lộn giữa “nhãn hiệu” và “thương hiệu”. Nếu nhãn hiệu giúp phân biệt sản phẩm này với sản phẩm khác thì thương hiệu giúp phân biệt nhãn hiệu nào là nhãn hiệu tốt và đáng tin cậy. Nhiều cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy người tiêu dùng hiện nay nghiêng hẳn về phía sản phẩm có nhãn hiệu mà họ từng biết đến, từng nghe đến nhiều hơn. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy đến 90% người tiêu dùng Việt Nam quyết định mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua thương hiệu. Nói cách khác, theo cảm nhận của khách hàng thì cứ có “thương hiệu” thì nhất định thương hiệu phải tốt hơn.
Các yếu tố của thương hiệu:
Cảm giác gần gũi, thân quen của khách hàng có thể hình thành do ảnh hưởng của báo đài, dư luận do sự tổng hợp từ nhiều yếu tố như sản phẩm, nhãn hiệu, biểu tượng (logo), hình tượng (icon), nhãn hiệu (slogan), mô hình kinh doanh… Trong đó, nếu ví việc thiết kế thương hiệu như việc xây dựng một tòa nhà thì nguyên liệu chính của việc này bao gồm: tính cách thương hiệu, tên thương hiệu, biểu tượng, hình tượng, khẩu hiệu của thương hiệu.
Tính cách thương hiệu cũng giống như con người, nghĩa là cần có tính cách rõ ràng để mọi người nhớ đến để nổi bật trước đám đông. Cá tính rõ ràng sẽ góp phần quan trọng để định hình những chi tiết còn lại trong bức tranh thiết kế một thương hiệu mạnh.
Trên thực tế thì việc chọn tên thường xảy ra trước việc chọn tính cách cho thương hiệu. Tên thương hiệu có thể là tên một người như Khải Silk, Kềm Nghĩa hay tên địa danh như bánh canh Trảng Bàng, hoặc ghép từ những chữ cái có nội dung bên trong mà chỉ có chủ thương hiệu mới biết chính xác.
Do là biểu tượng của một thương hiệu, logo phải nói lên cá tính, đặc điểm và ý nghĩa văn hóa đặc thù của thương hiệu đó. Ngoài ra, logo còn phải đẹp, gần gũi mới tạo thiện cảm nơi người tiêu dùng Việt Nam. Logo cần phải có sự khác biệt rõ rệt so với một rừng logo khác, làm cho người tiêu dùng liên tưởng ngay đến sản phẩm của thương hiệu.
Trong khi đó, hình tượng của thương hiệu là một nguyên liệu không kém phần quan trọng trong việc thiết kế thương hiệu nhưng không ít thương hiệu vì lý do nào đó đã bỏ sót phần này. Các thương hiệu mạnh thường chọn một nhân vật nào đó hay một con vật làm hình tượng (icon) cho mình. Chẳng hạn chuối cửa hàng thức ăn nhanh KFC có ông già râu bạc hiền lành và thân thiện với trẻ con.
Một số hình tượng:
- Cô gái hà lan
- Trâu vàng SEA game 22
- Ông già KFC
- Anh hề McDonald
Khẩu hiệu là một câu, một lời văn ngắn gọn diễn tả cô đọng về lợi ích hay những nét tinh túy của sản phẩm. Âm điệu của câu khẩu hiệu cũng phải nghe thuận tai, có thể pha chút dí dỏm, cách điệu mới ấn tượng, dễ nhớ. Câu slogan “Nâng niu bàn chân Việt” của Biti’s nghe rất lạ và hay nên đã thấm sâu vào lòng người tiêu dùng nội địa.
Cuối cùng, bao bì và màu sắc của thương hiệu cũng là nguyên liệu tối quan trọng trong quy trình thiết kế một thương hiệu mạnh. Một thương hiệu dù mạnh cách mấy cũng không được đánh giá cao nếu không tiện lợi và mẫu mã thiết kế không thích hợp. Bao bì được xem là đạt tiêu chuẩn khi đáp ứng những điều kiện : dễ cầm, dễ mở, dễ cất, dễ sử dụng và dễ xử lý khi bỏ đi.
Xây dựng thương hiệu bằng quảng bá
Quyển sách đề cập đến những cách một doanh nghiệp có thể tạo nên tiếng vang cho thương hiệu nhờ nhiều cách khác nhau như làm người đi tiên phong trong một dòng sản phẩm nào đó, tạo sự tò mò, tạo sự đối kháng, sử dụng người nổi tiếng hay cũng có thể là người chơi ngông. Là người đi tiên phong, thương hiệu của bạn sẽ được khách hàng ghi nhớ đầu tiên và vì thế sẽ hiệu quả hơn. Chẳng hạn như cà phê Trung Nguyên nổi tiếng nhờ đi tiên phong trong việc quảng bá một phong cách uống cà phê sành điệu và thương hiệu cà phê đầu tiên mở tầm phủ sóng trên toàn quốc. Một cách phổ biến khác gây sự chú ý của dư luận là kích thích người tiêu dùng lẫn giới truyền thông như trường hợp của iPhone được tung ra giữa năm 2007. Hãng Apple đã liên tục đưa ra những tin sốt dẻo về sản phẩm mới trong nhiều tháng để cuối cùng người tiêu dùng phải xếp hàng dài để trở thành một trong những người đầu tiên sở hữu chiếc điện thoại iPhone ngay trong ngày sản phẩm này được tung ra thị trường. Trong khi đó, tạo sự đối kháng giữa các thương hiệu cũng luôn là đề tài nóng được giới truyền thông quan tâm. Đây là một nguyên tắc cơ bản trong tiếp thị, như Coca Cola có Pepsi-Cola, Yahoo! Có Google… Sự đối kháng tạo nên sự cạnh tranh và đề tài thú vị cho giới truyền thông. Một cách khác để tạo tên tuổi cho thương hiệu đó là sử dụng người phát ngôn nổi tiếng. Vì trên nguyên tắc, mọi thương hiệu đều cần một người phát ngôn, và thật tuyệt vời nếu người phát ngôn này lại nổi tiếng hay có nhiều uy tín.
Bằng cách viết giản dị nhưng sâu sắc, phân tích cụ thể với những ví dụ của những thương hiệu nổi tiếng, Xây dựng thương hiệu đã giới thiệu đến độc giả những kinh nghiệm hữu ích cho những ai mong muốn xây dựng tên tuổi thương hiệu cho một doanh nghiệp Việt.
Nguồn Dakota