Ông Robet Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, kêu gọi thế giới nỗ lực hơn trong việc giải quyết vấn đề đối xử không bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Ông cho rằng đây không những là việc cần thiết phải làm mà còn là giải pháp kinh tế thông minh.
Theo báo cáo mới nhất về phát triển và bình đẳng giới của Ngân hàng Thế giới, gần 4 triệu phụ nữ và trẻ em gái đã ‘biến mất’ ở các nước đang phát triển do tỉ lệ tử vong phụ nữ ở những nước này cao hơn ở các nước giàu.
Sudhir Shetty, đồng tác giả báo cáo, cho biết hiện tượng phụ nữ và trẻ em gái ‘biến mất’ là do quan điểm văn hóa trọng nam kinh nữ, các ca tử vong ở trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh nở.
Phụ nữ và trẻ em gái tử vong ở ba lứa tuổi. 2/5 bào thai bé gái chưa được sinh ra. Hiện tượng này là do quan điểm trọng nam, chủ yếu xảy ra ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số vùng Caucuses và Tây dãy Balkans. Khoảng 1/6 trẻ em gái tử vong khi mới sinh hoặc trong những năm đầu đời do thiếu nước sạch và vệ sinh. Đây là một thất bại lớn của chính phủ và điều nghiêm trọng nhất là vấn đề này đang gia tăng ở vùng cận Sa mạc Sarara thuộc Châu Phi. 40% phụ nữ qua đời trong độ tuổi sinh nở. Vấn đề này hiện là điều nhức nhối và sẽ vẫn tiếp tục cần quan tâm ở Nam Á và vùng cận Sa mạc Sahara thuộc Châu Phi. Tỉ lệ phụ nữ tử vong khi mang thai và sinh con cao là do hệ thống chăm sóc sản phụ ở những nước này còn lạc hậu.
Báo cáo cũng cho thấy khoảng cách giữa nam và nữ về trình độ học vấn cơ bản đã thu hẹp lại trong vòng 25 năm qua. Ở 45 nước trên thế giới, số học sinh nữ ở các trường trung học hiện nay vượt số học sinh nam; số sinh viên nữ ở các trường đại học cao hơn số sinh viên nam ở 60 nước. Tuổi thọ trung bình cũng có những cải thiện đáng kể. Phụ nữ ở các nước nghèo sống lâu hơn nam giới và tuổi thọ phụ nữ tăng 20 năm so với thập kỷ 1960.
Bà Ana Revenga, một nhà phân tích tại Ngân hàng Thế giới, cho rằng các nước vẫn tiếp tục đạt được những tiến bộ nhờ giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
“Ví dụ, nam giới và phụ nữ được tiếp cận với các cơ hội kinh tế khác nhau và có mức thu nhập không đồng đều. Phụ nữ thường là những người làm việc không lương trong gia đình hoặc làm những nghề được trả lương thấp. Nữ nông dân ít tiếp xúc với phân bón và các sản phẩm hóa chất nông nghiệp khác, đồng thời họ trồng những mảnh ruộng nhỏ hơn và những cây trồng cho lợi nhuận thấp hơn. Nữ doanh nhân ít được tiếp cận với các khoản tín dụng và thường điều hành những công ty nhỏ hơn so với nam giới”, bà Revenga cho biết.
Theo bà Revenga, những điều kể trên đúng ở cả các nước giàu và các nước nghèo. Chính vì vậy, phụ nữ trên khắp thế giới thường có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với nam giới, ở Mexico là 20%, Ấn Độ và Đức là 40%.
Ông Robert Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cho rằng việc ngăn cản sự phát triển của phụ nữ không chỉ là việc làm sai mà còn gây tổn hại đến nền kinh tế.
Theo ông Robert Zoellick, trong 5 năm qua. Ngân hàng Thế giới đã cung cấp 65 tỉ đô-la cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng, giáo dục và tín dụng. Tuy vậy, ông không cho rằng khoản ngân sách này tập trung vào các hoạt động nhằm giảm khoảng cách giữa hai giới. Ngân hàng Thế giới muốn nỗ lực biến mục tiêu này trở thành yếu tố cơ bản trong mọi hoạt động. Nếu làm một phép toán cơ bản, việc 50% dân số không hoàn thành nhiệm vụ cá nhân và không cống hiến cho xã hội sẽ khiến thế giới bỏ lỡ một cơ hội phát triển khổng lồ.
Ngân hàng Thế giới cho rằng bao cấp cho dịch vụ chăm sóc trẻ em, tạo việc làm và đào tạo cho phụ nữ là một trong những cách thức giúp cải thiện khả năng phụ nữ được tiếp cận với các cơ hội kinh tế. Ngoài ra, những nước tạo cơ hội và điều kiện tốt hơn cho phụ nữ có thể giúp tăng sản lượng kinh tế, cải thiện đầu ra cho trẻ em và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Nguồn World Bank