Không chịu nhiều sức ép như các bậc cha mẹ ở Việt Nam, các bậc cha mẹ Úc có nhiều thời gian ‘xả hơi’ và dành cho gia đình, con cái hơn bằng cách rút ngắn thời gian làm việc từ toàn thời gian xuống còn bán thời gian mà vẫn đảm bảo được cuộc sống do được chính phủ trợ cấp hàng tháng.
Chia sẻ trách nhiệm
Ở Úc, các trường học thường đóng cửa vào lúc 15 giờ chiều nên điều này gây khó khăn cho cha mẹ trong việc đưa đón con cái nếu họ vẫn đang còn đi làm. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng Úc đã chọn giải pháp thay nhau nghỉ việc hoặc cùng làm part-time (bán thời gian) để đưa đón con.
Khác với suy nghĩ của người Việt Nam là trong gia đình người đàn ông phải làm trụ cột, các cặp vợ chồng người Úc thường phân công công việc nhà rất rõ ràng. Một đại tá đương nhiệm của Bộ Quốc phòng Úc cho biết sau giờ công sở và trở về nhà, ông luôn chia sẻ mọi công việc nhà cùng vợ, từ nấu ăn, rửa chén bán, dọn dẹp nhà cửa cho đến việc trông con và cùng vợ ra chợ bán hàng vào cuối tuần.
Đối với những cặp vợ chồng có con nhỏ thì nhiều người chỉ làm việc bán thời gian để trông con. Bạn đừng nghĩ rằng chỉ có những ông chồng ‘nhàng nhàng’ mới chịu ở nhà trông con mà cả một số người có công việc tốt với thu nhập cao cũng chấp nhận ‘hy sinh’ vài ngày làm việc để vợ không phải quanh quẩn ở nhà cả tuần.
Grek là trưởng phòng kĩ thuật của một công ty xây dựng còn vợ anh là nhân viên bán hàng của Trung tâm Thương mại Myer, thành phố Melbourne. Anh cho biết thời gian đầu khi con bắt đầu đến trường, anh chị thường phải gửi cháu vào dịch vụ trông trẻ sau giờ học vì công việc không cho phép họ về đón con vào lúc 3 giờ chiều. Thế nhưng có một lần cậu con trai anh nói rằng cháu rất buồn vì toàn phải ở lại trường đợi bố mẹ đến tận 6 giờ chiều trong khi các bạn khác đã được đón về nhà hết. Thế là anh chị đã quyết định không để con phải chịu thiệt thòi nữa bằng cách cả hai đều rút thời gian làm việc xuống chỉ còn 3 ngày/tuần để đưa đón con đi học.
John và Chantel lại có sự phân công lao động khác. Vì gia đình họ có tới 4 con nhỏ (đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi) nên việc Chantel quay trở lại làm việc sau khi sinh con không hề đơn giản chút nào. Vì vậy, sau khi sinh xong cô con gái út, hai vợ chồng bàn nhau là trong hai năm đầu, Chantel sẽ ở nhà trông con để John đi làm và sau hai năm đó thì đến lượt John nghỉ ở nhà. Hiện nay, Chantel đã sắp hết thời hạn ‘được’ nghỉ ở nhà và có kế hoạch quay trở lại làm việc theo đúng sự giao hẹn giữa hai người. Về phía John cũng chẳng phiền lòng chút nào, thậm chí anh còn tỏ ra phấn khởi và cho biết: “Tôi nghĩ sau gần hai chục năm đi làm thì đây cũng là một dịp tốt để tôi nghỉ ngơi và có thời gian chăm sóc lũ trẻ. Có rất nhiều điều để tôi học hỏi và tôi đang cố gắng phấn đấu để trở thành ‘father of the year (người cha của năm)!” (cười).
Lí do kinh tế
Ở Úc, những gia đình có thu nhập càng thấp thì sẽ càng được hưởng nhiều trợ cấp của chính phủ để nuôi con như giảm nhiều tiền gửi trẻ hoặc trợ cấp tiền sữa hàng tháng… Tuy nhiên, nếu tổng thu nhập trước thuế của gia đình bạn trên 100 ngàn đô-la/năm thì bạn sẽ mất đi khá nhiều quyền lợi. Tuy nhiên, một cặp vợ chồng bình thường hoàn toàn có thể đạt được mức thu nhập 100 ngàn đô/năm nếu như họ cùng đi làm toàn thời gian (5 ngày/tuần) nhưng họ lại bị cắt giảm trợ cấp và phải đóng tiền gửi trẻ cao hơn nhiều so với những người được coi là có thu nhập thấp. Vì thế, nhiều người chọn cách rút ngắn thời gian làm việc xuống chỉ còn 2-3 ngày/tuần, vừa đỡ áp lực công việc, vừa đảm bảo được khoản trợ cấp hàng tháng, lại vừa có thời gian dành cho con.
Gissel, một bà mẹ hai con và vốn là một cô giáo tiểu học cho biết: “Trước đây, khi hai vợ chồng tôi làm việc toàn thời gian, chúng tôi bị cắt hết các khoản trợ cấp và phải trả tiền giữ trẻ tăng lên gần gấp đôi so với những người chỉ làm việc 3 ngày/tuần!”
Cũng như Gissel, không ít bà mẹ than thở rằng mặc dù họ làm việc toàn thời gian nhưng số tiền thực tế họ nhận được sau khi chi trả tiền nhà trẻ chẳng cao hơn bao nhiêu so với lúc họ chỉ làm bán thời gian. Hơn nữa, họ lại bị mệt mỏi hơn vì áp lực công việc và việc nhà.
Gissel gọi đó là một sự “không công bằng” vì những người có con nhỏ và làm toàn thời gian phải đóng thuế nhiều hơn mà lại còn bị mất hết các khoản trợ cấp khác của chính phủ. Và đó là lý do chính khiến cho hai vợ chồng chị quyết định cả hai chỉ làm việc bán thời gian để trông con.
Gissel cho biết: “Nếu cả hai vợ chồng tôi cùng đi làm toàn thời gian thì tiền gửi trẻ 2 đứa con cũng đã mất đứt khoảng gần 2000 đô-la/tháng – chiếm 2/3 số lương của tôi. Mặc dù sau đó chính phủ có hoàn trả lại một ít để giúp tôi giảm chi phí này nhưng nó vẫn rất đắt đỏ. Vì thế nếu tôi có đi làm nhiều thì cũng không tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với đi làm ít.”
Tốt hơn cho trẻ ?
Cục thống kê Úc (ABS) cho biết, việc trông con ảnh hưởng rất nhiều đến công việc của các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ. Cha mẹ trong độ tuổi 25-44 là nhóm đối tượng ở nhà trông con nhiều nhất, chiếm 82%, trong đó ¾ là phụ nữ. Thông thường, sau khi có con, phần lớn đàn ông vẫn có thể tiếp tục công việc như thường lệ trong khi phần lớn phụ nữ lại phải hy sinh sự nghiệp để chăm sóc con cái. ABS cũng cho biết phần lớn phụ nữ Úc chỉ làm việc bán thời gian để ở nhà trông con và nội trợ. Đa số những phụ nữ được hỏi cho biết họ sẽ rất mệt mỏi và căng thẳng nếu vừa đi làm toàn thời gian lại vừa phải trông con và làm việc nhà. Chỉ có khoảng 4% bà mẹ muốn làm toàn thời gian và có 20% trong số họ muốn làm những công việc linh động về thời gian.
Trong giai đoạn 1980-2010, phần lớn các bà mẹ Úc thường chỉ đi làm bán thời gian. Vào năm 1981, có 19% bà mẹ làm việc toàn thời gian và 24% bán thời gian. Cho đến năm 2009, những con số này có tăng lên nhưng không quá nhiều và đạt 28% và 35%. Cũng trong thời gian này, xu hướng làm bán thời gian đã tăng lên. Tính đến năm 2009, chỉ có 25% các cặp vợ chồng có con nhỏ có công việc toàn thời gian cho cả hai người, còn lại phần lớn chỉ làm bán thời gian hoặc không đi làm.
Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch và trường Đại học New England và Đại học Quốc gia Úc (ANU) cho biết những người mẹ làm việc bán thời gian có thể nuôi con khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn so những người làm toàn thời gian hoặc không đi làm. Nguyên nhân là do những người mẹ đi làm bán thời gian có khả năng cân bằng công việc ở công sở và việc gia đình tốt hơn.
Theo Dakota