Ngoài kiến thức chuyên môn, một yếu tố quan trọng khác để ứng viên được doanh nghiệp tuyển dụng chính là kỹ năng mềm.
Tốt nghiệp chuyên ngành thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TPHCM với tấm bằng loại khá và từng nhận học bổng khi còn ngồi trên ghế giảng đường, N.V.T tự tin mình có thể tìm được một công việc ưng ý. Nhưng cách đây hơn một tháng, T. vừa đánh mất cơ hội làm việc ở một công ty lớn tại TPHCM chỉ vì khả năng giao tiếp, diễn đạt kém. “Biết vậy, hồi trước tôi nên tham gia các chương trình Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện hay các hoạt động ngoại khóa của lớp để tích lũy kỹ năng mềm thay vì lúc nào cũng chăm chăm bên sách vở” – T. than thở.
Mất nhiều cơ hội việc làm
Ngày trước, T. phớt lờ mọi lời khuyên của những người đi trước về tầm quan trọng của kỹ năng mềm khi đi tìm việc. Những ngày chạy vạy khắp nơi xin việc, T. mới thấm thía là mình đã sai. Trong quá trình phỏng vấn, ngoài kiến thức chuyên môn, T. còn phải trả lời nhiều câu hỏi tình huống của nhà tuyển dụng. Điều đó làm T. lúng túng và bị loại ngay từ vòng phỏng vấn ban đầu. “Đa số sinh viên ngành thủy sản ra trường đều bắt đầu từ vị trí nhân viên phát triển, mở rộng thị trường tại các tỉnh miền Tây. Nhưng để làm được công việc này, phải có khả năng giao tiếp, thuyết phục mới có thể tiếp thị được sản phẩm” – T. chia sẻ.
Sau đó, T. lại nộp đơn vào Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Hóa chất Uyên Vy, quận Tân Bình-TPHCM. Tuy công ty không yêu cầu cao về khả năng giao tiếp nhưng phải thành thạo Anh ngữ. Khi phỏng vấn, T. mất khá nhiều thời gian mới có thể giới thiệu đôi nét về bản thân bằng tiếng Anh. Khi nhà tuyển dụng hỏi thêm câu nữa thì T. ngắc ngứ. Cuối cùng, một trong các nhà tuyển dụng đành nói bằng tiếng Việt: “Chuyên môn em có thừa nhưng tiếng Anh của em thì kém quá. Cảm ơn em đã dành thời gian đến tham gia tuyển dụng”. Thế là T. lại tuột mất cơ hội có một việc làm phù hợp và mức lương hấp dẫn.
Giống như T., N.T.N cũng trầy trật tìm việc chỉ vì yếu kỹ năng mềm. Học về kế toán nên N. nghĩ mình chỉ làm việc với những con số khô khan. Khi bắt đầu đi tìm việc, N. mới nhận ra là làm kế toán cũng cần có khả năng giao tiếp. Nộp hồ sơ vào Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp – Thuế – Kế toán Tân Thành Thịnh, N. bị loại vì khả năng giao tiếp kém. Bởi vị trí mà N. ứng tuyển, công ty không chỉ yêu cầu về chuyên môn mà còn có kỹ năng giao tiếp với khách hàng. N. chia sẻ: “Ở công ty nhỏ và vừa, nhân viên kế toán thường kiêm luôn việc giao tiếp với khách hàng. Còn ở những công ty lớn thì không nhưng ứng cử viên phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm”. Giờ N. đành chấp nhận chọn một công việc trái nghề để “lấy ngắn nuôi dài” và thầm tiếc khoảng thời gian sinh viên bỏ phí vì không chịu rèn kỹ năng.
Không thể thiếu
Theo các chuyên gia nhân sự, trong quá trình tuyển dụng, họ thường đặt những câu hỏi tưởng chừng chỉ cho vui nhưng thật ra họ đang kiểm tra kỹ năng mềm của ứng viên, từ đó họ sẽ chọn ứng viên phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Các chuyên gia nhân sự nhận định nhiều sinh viên có hồ sơ xin việc với nhiều thành tích trong học tập nhưng vẫn không được nhà tuyển dụng tiếp nhận, vì trong quá trình phỏng vấn không trình bày được mình muốn gì, khả năng mình làm được gì. Ngược lại, nhiều sinh viên chỉ với thành tích học tập trung bình nhưng lại dễ dàng xin được việc. Họ đã thuyết phục nhà tuyển dụng bởi khả năng giao tiếp lưu loát và nhấn mạnh mình là người làm được việc ở vị trí doanh nghiệp đang cần.
Trong buổi giao lưu với các sinh viên ngành công nghệ thông tin tại Ngày hội iDay 2011 với tên gọi “Ngày hội Việc làm và Đào tạo ngành công nghệ thông tin Quang Trung 2011” do Công viên Phần mềm Quang Trung và Tập đoàn FPT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch TMA Solution, đã khuyên sinh viên nên trang bị kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ để có việc làm sau khi ra trường. Bằng chính câu chuyện và sự trải nghiệm của mình, ông đã chứng minh cho sinh viên thấy tầm quan trọng của kỹ năng mềm. 40 năm về trước, ông có 3 phút để giới thiệu về mình trước đông đảo bạn bè quốc tế tại một trường đại học ở Úc. Lúc đó ông 20 tuổi, là một du học sinh. Vì quá run và yếu kỹ năng giao tiếp, ông đã không nói được lời nào. “Tâm lý chung của những ông chủ đều không chỉ muốn nhân viên mình làm được việc mà còn biết giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp, với cấp trên hay khả năng làm việc nhóm, giải quyết tình huống” – ông Lệ chia sẻ.
Kỹ năng mềm rất quan trọng trong công việc
Ông Trần Tuấn Huy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Hợp tác Trẻ, cho biết đa phần sinh viên bây giờ đều yếu kỹ năng làm việc, giải quyết vấn đề, xử lý tình huống, làm việc nhóm; mất nhiều thời gian mới có thể hòa nhập với môi trường làm việc tại doanh nghiệp; khả năng nói tiếng Anh cũng hạn chế.
Ông Huy lưu ý: “Bản thân sinh viên phải ý thức được mình đang thiếu gì và tự bổ sung chứ không thể ngồi chờ nhà trường. Kỹ năng mềm ngày càng được các nhà tuyển dụng coi trọng, vì nó ảnh hưởng khả năng thăng tiến cũng như mức độ thành công trong sự nghiệp của bạn”.
Theo Người lao động
Xem thêm bài viết 21 Lời Khuyên Để Thành Công Trong Năm Mới