Tình trạng trì trệ và thiếu động lực làm việc bắt nguồn từ chính sự mơ hồ, lẫn lộn và không rõ ràng về mục tiêu công việc cũng như trình tự tiến hành công việc đó. Hãy cố gắng tránh đừng để bản thân bị rơi vào tình trạng khá phổ biến này bắt cách xác định mục tiêu rõ ràng và chính xác cho tất cả những công việc mà bạn cần phải hoàn tất.
Sau đây là công thức hoạch định và hoàn thành mục tiêu từ diễn giả nổi tiếng Brian Tracy – một công thức mà bạn có thể áp dụng cho cả cuộc đời mình. Công thức này gồm 7 bước đơn giản và chỉ cần áp dụng một bước bất kì trong số này, năng suất làm việc cũng như mức thu nhập của bạn có thể sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba lần so với mức bình thường.
Bước 1. Nhận định chính xác những nhiệm vụ cần thực hiện
Một trong những việc gây lãng phí thời gian nhất chính là hoàn thành xuất sắc những việc không cần thiết. Do đó, bạn hãy tự mình quyết định hoặc có thể cùng cấp trên xem xét và thảo luận các mục tiêu của bạn cho đến khi bạn thực sự hiểu rõ mình cần phải làm gì và nên tiến hành công việc theo thứ tự ưu tiên nào.
Trong thực tế, vẫn còn rất nhiều người mãi quẩn quanh với những công việc không mấy quan trọng, từ ngày này sang ngày khác, chỉ vì họ không chịu trao đổi trực tiếp với cấp trên.
Xem thêm bài viết Đặt mục tiêu SMART
Bước 2. Xây dựng thói quen viết ra giấy mọi suy nghĩ cùng các kế hoạch
Bạn sẽ hình thành các mục tiêu cụ thể và bao quát hơn khi liệt kê chúng rõ ràng ra giấy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn đã biến các ý tưởng và kế hoạch mơ hồ, vô hình trong suy nghĩ thành một dạng vật chất mà bạn có thể nhìn thấy và chạm được.
Hơn nữa, nếu chỉ lưu giữ trong tâm trí, các mục tiêu mãi mãi vẫn chỉ là ước muốn hay sự tưởng tượng mà thôi, vì chúng không được thúc đẩy thành hành động. Đôi khi, những công việc và kế hoạch không được viết ra đó có thể làm bạn nhầm lẫn, mất phương hướng và tồi tệ hơn là phạm phải hàng loạt sai lầm không đáng có.
Bước 3. Hãy tự ấn định thời hạn hoàn thành công việc
Nếu không xác định mốc thời gian khởi đầu, kết thúc nhất định thì mục tiêu hay quyết định sẽ mất đi tính cấp bách. Điều này vô hình sẽ tạo ra xu hướng trì hoãn. Bạn sẽ cảm thấy dường như công việc này không mấy quan trọng, mà cũng chẳng hề gấp rút buộc bạn phải nỗ lực bắt tay vào thực hiện nhanh chóng. Và bạn cứ làm việc với một tác phong tự do, thoải mái và chắc chắn kết quả đạt được sẽ không hiệu quả.
Bước 4. Liệt kê tất cả các phương án có thể áp dụng để đạt được mục tiêu đề ra
Mỗi khi nghĩ ra một giải pháp hay phương án mới, bạn hãy bổ sung vào bản danh sách. Và cứ như thế bạn tiếp tục xây dựng cho mình một danh sách thật đầy đủ ghi lại những việc cần làm. Danh sách này có tác dụng như một bước tranh toàn cảnh về tổng thể các nhiệm vụ và mục tiêu, giúp bạn có cái nhìn bao quát để so sánh và đánh giá tầm quan trọng của từng mục tiêu. Danh sách này cũng mở ra cho bạn hướng đi thích hợp nhất để đạt đến đích cuối cùng.
Khi mục tiêu đã được xác định cụ thể và lên lịch trình thực hiện chi tiết, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của bạn sẽ tăng lên rõ rệt.
Bước 5. Biến danh sách các phương án, khả thi thành kế hoạch hành động
Trước hết, bạn hãy sắp xếp lại danh sách dựa trên mức độ ưu tiên và theo trật tự nhất định. Sau đó, hãy chọn xem đâu là việc cần làm ngay và việc có thể tạm gác lại, việc cần hoàn thành trước và việc sẽ kết thúc sau. Cách tốt nhất là bạn hãy vẽ kế hoạch của mình ra giấy và trình bày dưới dạng sơ đồ hình cột hay hình tròn. Bạn sẽ cảm thấy bất ngờ khi nhận ra rằng con đường tiến đến mục tiêu sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ biết cách phân chia chúng thành những mục tiêu riêng lẻ.
Bước 6. Hành động
Hãy nhanh chóng triển khai kế hoạch bằng việc khởi đầu thực hiện một nhiệm vụ trong danh sách và lần lượt tiến hành các nhiệm vụ tiếp theo. Một kế hoạch trung bình nhưng được thực hiện với quyết tâm cao sẽ có giá trị hơn nhiều so với một kế hoạch hoàn hảo nhưng lại bị trì hoãn. Vì thế có thể khẳng định rằng bí quyết để gặt hái mọi thành công chính là HÀNH ĐỘNG.
Bước 7. Cam kết mỗi ngày hoàn tất một phần nhiệm vụ trong bản kế hoạch đề ra
Đây chính là cách hiệu quả nhất đưa bạn tiến gần đến đích cuối cùng. Hãy tận dụng 24 giờ của một ngày sao cho hữu ích nhất. Bạn cố gắng xây dựng thói quen đề ra kế hoạch hàng ngày, chẳng hạn như tham khảo tài liệu về một lĩnh vực quan trọng, liên hệ với một khách hàng tiềm năng, vận động hay luyện tập thể thao, học ngoại ngữ…
Điều quan trọng là luôn giữ một thái độ sống và làm việc tích cực, năng động. Một khi đã khởi đầu công việc, hãy kiên trì theo đuổi đến cùng để hoàn thành công việc đó. Chỉ riêng ý chí và quyết tâm này cũng đủ để bạn trở thành một người làm việc có năng suất cao và thành đạt.
Tóm lại, càng dành nhiều thời gian cân nhắc về mục tiêu, nghị lực và khao khát thành công của bạn sẽ càng được củng cố.
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy chia sẽ nó với bạn bè của bạn nhé.
Ghi rõ nguồn ima.edu.vn khi trích dẫn bài viết này
Có thể bạn quan tâm: 24 Cách Để Tiết Kiệm Một Giờ