Để thành công trong công việc, bạn không chỉ cần đến năng lực và thành tích xuất sắc, mà còn cần có các kỹ năng mềm khác. Đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ứng xử khéo léo.
Luôn tỏ ra thân thiện, hòa nhã, giúp đỡ các đồng nghiệp, điều đó sẽ giúp bạn gầy dựng mối quan hệ rộng rãi và dễ dàng thăng tiến hơn trong sự nghiệp đấy!
Nào cùng khám phá các bí quyết giao tiếp cần thiết mà bạn không thể thiếu khi đến chỗ làm nhé!
1. Chào nhau mỗi buổi sáng
Có khi nào bạn bước vào phòng làm việc với đôi mắt nhìn xuống sàn nhà như đang cố tìm tiền lẻ bị đánh mất, nhún vai một cái và bắt tay vào công việc ngay lập tức? Thường xuyên có thái độ như vậy thì khó tránh được tình trạng các đồng nghiệp chung phòng không quan tâm đến sự hiện diện của bạn hoặc tệ hơn là dần dần sẽ tránh xa bạn đó.
Bạn nên tập thói quen mỉm cười, chào hỏi các đồng nghiệp mỗi buổi sáng khi bước chân vào công ty. Nếu chưa thực hiện điều này, bạn hãy bắt đầu tập để thay đổi chính mình đi nhé. Nó thực sự tuyệt vời và nhanh chóng cải thiện được mối quan hệ của bạn và đồng nghiệp nơi công sở đó. Cách ứng xử này vừa lịch sự vừa có thể phá tan tảng băng ngầm trong môi trường công sở vốn nhiều áp lực lẫn phức tạp.
>>> Kỹ năng sống: Làm thế nào để hạnh phúc ở nơi làm việc
2. Tâm sự, chia sẻ sở thích với đồng nghiệp một cách nghệ thuật
“Hãy chia sẻ với đồng nghiệp của bạn về điều họ quan tâm trong cuộc sống như thưởng thức âm nhạc, thể loại phim, sách mà họ yêu thích cũng như các sở thích khác của họ” – Larina Kase, Tiến sĩ, một nhà tâm lý học tại Trung tâm điều trị và nghiên cứu về chứng hay lo lắng tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia đã khuyên như vậy.
Cô ấy cho biết thêm rằng: “Biểu hiện sự quan tâm của mình đối với đồng nghiệp sẽ làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc cùng bạn”.
Một khi bạn biết được những sở thích của đồng nghiệp, các video clip, nhãn thời trang, chương trình truyền hình, họ sẽ giúp bạn và đồng nghiệp dễ bắt chuyện với nhau – chẳng hạn như: “Bạn nhìn xem tôi đem gì đến cho bạn nè – Idol của bạn đây”, hay: “Tối hôm qua tình cờ xem tivi thấy người ta hướng dẫn thêu chữ thập, em có ghi âm lại cho chị, chút nghỉ trưa chị nghe nha”, hoặc: “Mấy bồ ơi, Elise đang sales 70% giá kìa, chiều nay tranh thủ đi lựa vài cái áo thôi”.
3. Hỏi ý kiến đồng nghiệp
Nhiều người thích được người khác hỏi ý kiến về bất cứ vấn đề gì. Vì vậy bạn đừng ngại hỏi ý kiến đồng nghiệp về dự thảo báo cáo mà bạn được sếp phân công thực hiện, hay cách xử lý một tình huống nào đó bất chợt xảy ra trong cuộc sống hay trong công việc.
Sau khi hỏi ý kiến hoặc nhờ họ góp ý, bạn đừng quên cảm ơn sự nhiệt tình của họ, ngay cả khi lời khuyên của họ chẳng giúp ích được gì cho bạn.
4. Để ngoài tai những chuyện không liên quan đến mình
Bạn không muốn bất cứ ai nói xấu sau lưng mình phải không? Tất nhiên những người khác cũng có suy nghĩ giống như bạn thôi. Vì vậy, khi một đồng nghiệp quá “quỡn” trong công ty rỉ tai bạn về một vụ lùm xùm tình cảm giữa trưởng phòng X với chị B, chị C nào đó, hay thêu dệt chuyện yêu đương lãng mạn của em gái chân dài phòng marketing…tốt hơn hết bạn chỉ cười và đáp “Vậy à”, rồi khéo léo chuyển đề tài ngay lập tức, hoặc viện lý do đang làm dở một việc rất gấp không thể trì hoãn được để “thoát thân” một cách an toàn.
Nếu bạn tỏ thái độ không đồng tình hoặc nghi ngờ độ chính xác, tính thực hư của thông tin họ vừa cung cấp, các “bà Tám” chắc chắn sẽ mất cảm tình với bạn, còn nếu thỏa hiệp, cả nể, bạn không chỉ sẽ bị lún sâu vào câu chuyện phiếm của họ mà có thể còn không giữ lại sự tin tưởng và tôn trọng của các đồng nghiệp khác.
Xem thêm 5 “Không” giúp bạn xử lý tốt quan hệ với đồng nghiệp
5. Có chính kiến
Người đẹp trai nhất phòng hôm nay ra tay sửa máy photocopy giúp chị em phụ nữ trong phòng không bị gián đoạn công việc vì máy photo bị hư sáng giờ, nhưng chưa kêu được thợ đến kiểm tra; Cô thư ký trầm tính ngồi sau dãy phòng bạn bị mất tiền…
Bằng mọi cách, hãy lấy tư cách cá nhân hoặc tập thể khen ngợi anh bạn đồng nghiệp nhiệt tình tháo vát; và nếu bạn biết chính xác thủ phạm đã nhám tay với món tiền của cô thư ký với đầy đủ nhân chứng, vật chứng, hãy dứt khoát nhưng khéo léo, tế nhị chỉ ra lỗi của người đã lỡ nhúng chàm. Hãy công minh, có chính kiến riêng trước thành tích hay sai phạm của người khác.
6. Trả lời cuộc gọi và email kịp thời
Để giành chiến thắng đồng nghiệp tại nơi làm việc, hãy bắt đầu với tinh thần trách nhiệm và thái độ làm việc tốt nhất có thể. Không có gì làm cho những đồng nghiệp luôn bận rộn với công việc bực bội, khó chịu hơn là email và tin nhắn điện thoại xử lý công việc của họ bị bạn bỏ qua.
Sự im lặng của bạn trước các email, cuộc gọi, tin nhắn đó không chỉ làm công việc của họ khó khăn hơn, mà còn truyền tải một thông báo khó chịu: Chuyện đó không quan trọng với bạn, họ không quan trọng đối với bạn. Thật là nguy hiểm!
7. Cạnh tranh lành mạnh để cùng tiến bộ
Khi đồng nghiệp đạt thành tích cao và được sếp khen thưởng, hãy thật lòng chúc mừng họ vì họ xứng đáng được như vậy. Bạn không nên tỏ thái độ tỵ hiềm hay khó chịu trước thành công của đồng nghiệp. Hãy biết học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, biết đâu nay mai bạn có thể bạn sẽ cần đến chúng.
Cạnh tranh lành mạnh với động cơ trong sáng để cùng tiến bộ, cùng là người chiến thắng. Đừng ngại “tâng bốc” đồng nghiệp với đối tác, với các bộ phận khác trong công ty để được “thơm lây”.
Có thể trong công ty bạn không hiếm những đồng nghiệp xấu tính, thích “dìm hàng” người khác và bạn lại là “nạn nhân” của họ, cứ hết sức bình tĩnh, tự tin thể hiện năng lực, bản lĩnh của mình một cách khiêm tốn và mạnh mẽ.
8. Đối với sếp – luôn luôn làm việc chăm chỉ, tận tụy như làm cho chính mình
Bảo đảm với bạn rằng, không một ông chủ nào lại không thích một nhân viên làm việc chăm chỉ, tận tụy. Bởi vậy khi được sếp giao một công việc nào đó, bạn khoan nghĩ đến việc mình sẽ được gì, điều quan trọng và cần thiết nhất là bạn hãy cố gắng hoàn thành công việc đúng yêu cầu, đúng tiến độ với kết quả hoàn hảo nhất.
Đừng mất thời gian so đo mức độ cống hiến của bạn với những đồng nghiệp khác. Hãy làm việc cho sếp một cách tận tụy như làm cho chính mình bạn nhé.
9. Bạn, tôi và tất cả chúng ta có chung mục tiêu phấn đấu
Thật là buồn cười vì có không ít người luôn nghĩ rằng mình đã làm quá nhiều việc cho công ty nhưng không được tưởng thưởng xứng đáng rồi đâm ra bỏ bê công việc, đả kích sếp… Nếu là nhà quản lý, hẳn là bạn sẽ rất mệt mỏi và cảm thấy mình thất bại, bối rối không ít.
Thử đặt mình vào lập truờng của sếp, phải chăng bạn cũng nhận thấy rằng suy nghĩ đó thật nguy hiểm vì chúng quá tiêu cực và làm mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn, thậm chí bản thân bạn cũng không được thoải mái. Thay vào đó, hãy cố gắng giả định rằng tất cả mọi người đều đang làm việc chăm chỉ và làm tốt nhất có thể, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng, tư tưởng thoải mái hơn, ngay cả khi bạn không biết gì về công việc của các đồng nghiệp khác.
Hãy nghĩ rằng tất cả mọi người đều có đóng góp quan trọng vào sự tồn tại và phát triển của tổ chức mình. Bạn nên tin rằng cả bạn và tất cả mọi người đã và đang làm việc rất tốt cho công ty mình. Bạn, tôi và tất cả chúng ta làm việc vì mục đích chung và có cùng mục tiêu phấn đấu!
Theo WomensHealthVN
Xem thêm Làm thế nào để cân bằng Công việc – Cuộc sống