Trong cuộc sống bất kỳ ai trong chúng ta cũng có lúc phạm phải sai lầm. Sai lầm là cách để chúng ta học hỏi và đứng lên từ những vấp ngã của cuộc sống.
Ngày còn bé, mỗi lần qua nhà thằng bạn hàng xóm, tôi len lén nhìn bố mẹ nó với ánh mắt sợ hãi. Cứ mỗi lần nó làm sai điều gì, mẹ nó lại sẵn sàng mắng mỏ nó không thương tiếc. “Sao con vẽ bậy thế này hả? Bức tường bẩn hết cả rồi!…”, “Bài toán dễ vậy mà cũng làm sai là sao! Học với chả hành!…”, “Lại bể chén nữa rồi! Để đó, không cần mày đụng vào. Làm gì cũng bất cẩn!”… Tôi đến chơi với nó, cũng không ít lần chia sẻ cảm giác bị quở trách. Trong tâm trí non nớt của thằng bạn lúc ấy, làm cái gì cũng sợ mẹ mắng, làm gì cũng sợ bố đánh. Lớn lên, tưởng chừng nó được tự quyết định cuộc sống của mình thì chẳng còn sợ sệt điều gì nữa nhưng sau một hồi đắn đo, nó lại chậc lưỡi: “Thôi, sợ làm sai thì mất công!”
Trong cuộc sống bất kỳ ai trong chúng ta cũng có lúc phạm phải sai lầm. Sai lầm là cách để chúng ta học hỏi và đứng lên từ những vấp ngã của cuộc sống. Thế nhưng, không ít cha mẹ Việt Nam vẫn luôn trách mắng mỗi khi con mình phạm phải sai lầm gì dù là rất nhỏ. Họ không biết rằng chính việc la mắng con như vậy làm cho những cậu ấm cô chiêu sợ hãi khi đối mặt với sai lầm.
Trong khi đó, những bạn trẻ coi sai lầm như một lẽ dĩ nhiên trong quá trình phát triển bản thân thì dám chấp nhận rủi ro để thành công. Với họ, “Ai cũng có quyền được sai” như một phương châm sống thành công cho mình. Nó có thể được xem như một quyền cơ bản của mọi người. Bạn có quyền phạm phải những sai lầm. Bạn có quyền thất bại.
Tuy nhiên, nhiều người không thấy được giá trị của cái quyền này. Tôi nghĩ đó cũng là một yếu tố chính gây nên nỗi sợ thất bại. Ví dụ khi thuyết trình trước đám đông, nếu tôi đứng trước mọi người và lúng ta lúng túng, người ta sẽ cười vào mặt tôi thì sao dám nhìn mặt ai nữa? Nhưng nhìn kỹ hơn, nếu tôi không bao giờ sai, thì tôi thực sự chưa trải nghiệm được gì nhiều.
Đừng sợ thử thách bản thân ở một khía cạnh nào đó. Đó là cách tốt nhất để bạn học hỏi. Hãy cứ để mọi người phản hồi về ý tưởng của bạn. Nhiều khi họ sẽ góp ý cho bạn nhiều cách nhìn nhận mới để hoàn thiện nó. Nhiều khi những chỉ trích của người khác cũng giúp bạn mạnh mẽ và biết cách kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn. Đừng e ngại khi bạn bắt tay vào thực hiện một bài thuyết trình, viết một bài báo cáo, xây dựng một website riêng, viết bài đăng báo… Bất kỳ hoạt động nào bạn cũng hãy sẵn sàng lắng nghe phản hồi và rút ra bài học từ đó.
Ông Sonny Vũ, CEO của Misfit Wearables
Cuối tháng 4/2012, ông Sonny Vũ, CEO và là người sáng lập công ty Misfit Wearables (một
công ty chuyên sáng tạo và phát triển các sản phẩm cảm ứng phục vụ cho sức khỏe và ứng
dụng y tế có trụ sở tại Mỹ) cùng với nhà quản trị John Sculley – cựu CEO Pepsico, đã đến
TP.HCM.
Ông Sonny Vũ nói rằng, ông đến Việt Nam ngoài lý do là quê hương của ông thì tại đây ông có
thể tìm thấy những con người “đẳng cấp quốc tế, những người dám dấn thân, chấp nhận mạo hiểm
để tìm cách thay đổi tương lai, chứ không phải đi tìm chỗ ẩn nấp an toàn”.
Chỉ có những người hiểu được quyền lợi “ai cũng có quyền sai và thất bại” mới dám mạo hiểm
đón nhận thử thách.
Xin mời bạn đọc thêm về video này!
Từ bỏ cái tôi
Tôi nghĩ rằng người ta thường sợ hãi thất bại vì họ đánh đồng nó với giá trị cái tôi của mình. Vì thế, nếu họ làm cái gì đó sai trái hay thất bại, họ cảm thấy xấu hổ hay thậm chí là nhục nhã. Để ý quá nhiều đến cái cái tôi của mình trong mắt mọi người là bạn đang tốn nhiều thời gian một cách vô ích. Nếu bạn nghĩ mình thất bại trong bài thuyết trình, bạn sẽ không dám thử sức mình thêm một lần nữa. Nhưng nếu bạn tách biệt việc mình làm và con người của mình, bạn sẽ cảm thấy bạn có quyền được sai. Nếu việc gì đó không như ý muốn xảy ra, thì chỉ sự việc đó không thành công chứ không ảnh hưởng gì đến giá trị của bạn.
Khi tôi viết bài hay thuyết trình, tôi cố gắng không đánh giá bản thân với kết quả nhận được. Công việc là công việc, ý tưởng là ý tưởng, chúng không nói lên giá trị thực sự của tôi. Thậm chí nếu tôi chia sẻ những trải nghiệm của mình thì chúng cũng không thể đánh đồng toàn bộ con người. Chúng chỉ được thể hiện qua ngôn ngữ viết mà thôi. Nếu sau một bài thuyết trình hay những bài viết, tôi nhận được những ý kiến chỉ trích thì điều đó nghĩa là tôi cần cải thiện kỹ năng chứ không có nghĩa là con người thật của mình. Những ý tưởng hay kỹ năng chỉ đơn
thuần là tài sản hay kết quả của sự sáng tạo chứ không đồng nghĩa với giá trị của một con người. Vì thế, tôi không ngại xông pha vào việc viết lách hay chia sẻ ý tưởng. Tôi không muốn tự mình gán nhãn cho chính mình nhưng sống thật với những giá trị của bản thân.
Làm sao bạn tập cho mình quyền được sai và thất bại? Đừng để cái tôi của mình bị đau đớn chỉ vì bạn đang thiếu kỹ năng. Bạn có quyền được sai. Hãy để những việc mình làm có thể đổ bể nhưng đó là cách để bạn cải thiện và phát triển mình dần dần. Khi thất bại, bạn sẽ khám phá ra những giới hạn của mình, và tìm cách vượt qua nó.
Chúc bạn thành công!
Xem thêm bài viết Kích Hoạt Tư Duy Tích Cực