Mỗi một con người đều xứng đáng được có những cảm xúc khác nhau đối với từng sự việc, đừng tỏ ra cứng rắn bằng cách khuyên họ ngay hoặc từ chối cảm xúc của họ. Hãy trải nghiệm và sống thật với cảm xúc của mình, tự nhiên mọi vấn đề rồi cũng sẽ được giải quyết.
Một buổi sáng đầu tuần thật khác biệt, tôi có một khoảng không riêng ngồi chia sẻ với cô Julie Tan- một thành viên trong gia đình FIC mà tôi yêu mến và cũng là một chuyên gia tâm lý đến từ Malaysia.
Đã từ lâu tôi không mở lòng trò chuyện về cuộc sống của mình, phải chăng vì cuộc sống vội vã hay tôi tự dối lòng tìm thật nhiều việc lấp đầy để không phải có một chút thời gian nhìn lại bản thân? Tôi chẳng buồn tìm câu trả lời, vì cho dù có là lý do gì đi nữa thì cũng không ảnh hưởng tới một sự thật, một hệ quả của những chuỗi ngày bận rộn khiến cảm xúc bị đóng băng.
Đã từ lâu tôi ít rung động trước những gì đang diễn ra với mình. Nhưng hôm qua là một ngày đặc biệt, một buổi sáng đầu tuần tràn ngập cảm xúc. Cô Julie hỏi thăm tôi về đứa trẻ trong tôi như thế nào. Lạ lẫm, bất ngờ, bối rối khi quá khứ được khơi gợi lại, tôi chợt nhận ra mình vô tình hay cứng rắn, nhưng sợi dây kết nối những kỷ niệm trong quá khứ khiến tôi trở thành một người như hôm nay dường như đang căng đến mức sắp đứt ra.
Tôi “ngoảnh mặt làm ngơ” với những gì xảy ra để “sống tốt cho hiện tại” là do tôi mạnh mẽ có thể lạc quan vượt qua mọi trắc trở hay tôi tự lừa dối cảm xúc của mình? Khi cảm xúc không được thừa nhận và cảm thông, tôi chôn giấu sâu trong lòng mình và tự an ủi rằng mọi thứ rồi cũng sẽ ổn thôi, nhưng những chuỗi ngày dài kìm nén cảm xúc thật, tôi chợt nhận ra tôi lạc mất nhịp đập của trái tim mình.
Đã mấy năm rồi, tôi không được trải nghiệm cái cảm giác hạnh phúc khi ở bên những người mình quan tâm, cái sự hào hứng làm những việc mang lại niềm vui cho họ, hay cái bất ngờ và hồi hộp trông chờ những sự kiện đặc biệt của cuộc sống, hay thậm chí cái cảm giác tức tối khi mọi việc không diễn ra theo ý mình. Tất cả nhường chỗ cho một bậc cảm xúc bình thản trước mọi việc, dù là tệ hại hay tốt đẹp.
Tôi chẳng buồn đấu tranh cho niềm vui của bản thân hay những người mình quan tâm bằng những lời khuyên chân thành, những câu nói đơn giản mà sâu lắng như: “mọi việc ổn cả chứ?”, “cái gì cũng phải chia sẻ với tao đó”, thậm chí bằng những cuộc điện thoại vu vơ ngắn ngủi tràn đầy tiếng cười. Tôi chợt nhớ con người thật của mình trước kia, trước khi lăn lộn kinh doanh. Tôi chợt thấy cô đơn vì không dám là chính mình khi ở bên những người bạn thân thiết.
Vẫn còn mắc kẹt trong mớ cảm xúc hỗn độn ấy, bất chợt cô Julie hỏi tôi xử lý thế nào khi thấy một đứa bé đang khóc giữa chốn đông người? Tôi cho rằng mình sẽ bước lại, mỉm cười, hỏi thăm và lấy một món đồ chơi hay viên kẹo để dỗ dành. Một bài học tôi rút ra từ cuộc nói chuyện với cô Julie là trước khi làm các bước trên, mình cần cho đứa bé ấy biết mình hiểu cảm xúc mà nó đang phải trải qua và đó là một chuyện hết sức hiển nhiên. Đứa bé ấy cần được công nhận cảm xúc của mình là lẽ bình thường để có thể bình tâm nghĩ đến chuyện khác.
Ví dụ minh hoạ nhỏ nhoi thế đấy, nhưng lại tạo một tầm ảnh hưởng lớn lao trong suy nghĩ của một con người. Nó sắp xếp lại mớ cảm xúc dang dở của tôi trước đó. Tôi thầm cười và chợt nhận ra rằng những lời công nhận cảm xúc như thế thật hiếm hoi trong cuộc sống của tôi. Thay vào đó là những lời tưởng chừng là trấn an tinh thần như “có gì đâu mà phải lo”, “chuyện cũng nhỏ thôi”, “nghĩ nhiều chi cho mệt”, “có thế thôi mà”,…
Nhiều khi những cuộc nói chuyện ngắn ngủi, sâu lắng lại giúp mình thoát khỏi cái bận rộn không cần thiết của cuộc sống, nhiều khi những điều nhỏ nhoi vậy lại làm cho mình có một cái nhìn mới và hiểu hơn về cuộc sống. Tôi chợt thấy nhẹ nhõm và muốn thay đổi cách mình thể hiện với gia đình và bạn bè,.
Thật ra khi những người bạn quan tâm đang có trăn trở, hãy nhẹ nhàng nói với họ một câu thôi “Mình hiểu cảm xúc bạn đang trải qua”- Mỗi một con người đều xứng đáng được có những cảm xúc khác nhau đối với từng sự việc, đừng tỏ ra cứng rắn bằng cách khuyên họ ngay hoặc từ chối cảm xúc của họ. Hãy trải nghiệm và sống thật với cảm xúc của mình, tự nhiên mọi vấn đề rồi cũng sẽ được giải quyết.
Thế đấy, chỉ vài tiếng trò chuyện, ngẫm nghĩ về bản thân, tôi chợt nhìn ra một điều: “Một người mạnh mẽ không nhất thiết phải là người cố tình che giấu cảm xúc giỏi, mà là người có thể thẳng thắn chia sẻ cảm xúc thật và đưa ra quyết định đúng đắn. Hãy nhìn lựa chọn của một người để cảm nhận, thấu hiểu họ. Trái tim không còn cảm nhận được nhiều cảm xúc là một trái tim đã chết!”
Bạn thì sao? Có những cảm xúc nào bạn cảm thấy ngại ngùng khi phải chia sẻ vì sợ bị đánh giá? Hãy chia sẻ với tôi để chúng ta cùng kết nối lại với trái tim của mình nhé!
Chúc bạn một năm mới có những trải nghiệm cảm xúc thật tuyệt vời!
Elsie Pham
Xem thêm bài viết 8 Điều Cần Nhớ Khi Bạn Thấy Bế Tắc