Einstain nói rằng nếu ông có một giờ để cứu thế giới, ông sẽ dùng 55 phút để xem xét vấn đề và chỉ dùng 5 phút còn lại để tìm ra giải pháp.
Câu nói này chứng minh cho một luận điểm quan trọng: Trước khi nhảy vào để giải quyết vấn đề gì, chúng ta nên dành thời gian và suy nghĩ để hiểu rõ về vấn đề. Vấn đề của bạn bây giờ là biết rõ vấn đề là gì. Nhìn rõ vấn đề sẽ là điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực giải quyết vấn đề đó.
Xem thêm: Sức mạnh của câu hỏi khi giải quyết vấn đề
Một tin tốt lành là việc có những cái nhìn khác nhau để xác định rõ vấn đề là điều bạn hoàn toàn có thể học và phát triển. Có rất nhiều cách để bạn có thể sử dụng. Ở đây, IMA xin chia sẻ với bạn 7 cách xem xét vấn đề hiệu quả trước khi chúng ta bắt tay vào giải quyết.
1. Làm rõ vấn đề
Khi giám đốc Toyota đề nghị nhân viên của mình động não về “cách để tăng năng suất”, tất cả mọi người đều không có ý tưởng gì. Nhưng khi anh ta làm rõ đề nghị “những cách để làm cho công việc của chúng ta trở nên dễ dàng hơn”, anh ta đã có nhiều đề xuất thú vị.
Từ ngữ mang nghĩa ám chỉ rất mạnh, nó đóng một vai trò chính trong việc ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp nhận vấn đề. Như ví dụ ở trên, cụm từ “tăng năng suất” có thể được hiểu là bạn đang hy sinh gì đó cho kết quả của công ty, trong khi “làm việc dễ dàng hơn” có nghĩa là bạn đang làm một việc có lợi cho bản thân. Suy cho cùng, vấn đề là giống nhau nhưng cảm nhận và cách nhìn về chúng là rất khác nhau.
2. Vạch trần và thách thức những giả thuyết
Mỗi vấn đề – dù có đơn giản như thế nào đều có thể đưa cho chúng ta hàng loạt những suy diễn, giả định khác nhau. Nhiều giả thuyết có thể không chính xác và làm chúng ta càng thêm rối rắm.
Điều bạn cần làm là loại bỏ những giả thuyết sai. Hãy viết hết những giả thuyết bạn nghĩ là có thể xảy ra – cả những điều rõ ràng và điều mơ hồ.
Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về vấn đề. Nhưng đi xa hơn một chút, hãy suy nghĩ thử xem những kết quả chúng mang lại. Nếu bạn quan sát bản thân, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhiều giả thuyết tiêu cực là do chúng ta tự áp đặt cho mình. Với một chút xem xét cặn kẽ, nếu bạn loại bỏ chúng, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Chẳng hạn, khi bạn bắt đầu kinh doanh nhà hàng. Một giả thuyết đầu tiên mà bạn đặt ra là nhà hàng phải có menu. Trong khi điều này được xem như một điều tiên quyết, hãy thử thách thức bản thân là có thể bạn sẽ tìm thấy vài mô hình kinh doanh thú vị mà không cần menu. Chẳng hạn, một nhà hàng mà khách hàng có thể đề nghị cho đầu bếp nấu?
3. Khám phá dưới nhiều góc độ
Mỗi vấn đề là một phần nhỏ của vấn đề lớn. Bạn có thể nhìn vấn đề dưới những góc nhìn khác nhau. Nếu bạn cảm thấy quá tải với những chi tiết hay nhìn vấn đề một cách hạn hẹp, hãy nhìn nó một cách tổng quát
Ngược lại, vì mỗi vấn đề là một phần của vấn đề lớn, điều đó cũng có nghĩa mỗi vấn đề gồm nhiều vấn đề nhỏ hơn. Vì thế, bạn có thể chia nhỏ vấn đề để chúng cụ thể hơn ban đầu.
Trước khi bắt tay vào giải quyết vấn đề, hãy luôn chắc chắn là bạn nhìn nó dưới nhiều lăng kính khác nhau.
Tương tự như vậy, hãy đặt mình vào những vai trò khác nhau của vấn đề. Một chính trị gia, giảng viên đại học, một chủ doanh nghiệp… sẽ nhìn việc này như thế nào. Bạn hãy tìm thấy những khác biệt và những điểm chung trong những vai trò khác nhau khi đối phó với vấn đề.
4. Sử dụng ngôn ngữ tích cực
Không có một công thức chung cho mọi vấn đề nhưng những ngôn ngữ xây dựng, tích cực luôn mang lại hiệu quả cao.
Giả sử có vô số giải pháp, thì một cách thú vị để bắt đầu diễn đạt vấn đề là: “Trong những cách này, tôi có thể….” Diễn đạt này có vẻ tốt hơn “Tôi có thể …” vì nó tạo ra cảm giác bạn có quá nhiều giải pháp chứ không chỉ là một hoặc là chẳng có gì. Khi bạn diễn đạt những lời này, bạn cảm giác là não bạn đã tìm ra được giải pháp.
Hãy tích cực. Những câu mang nghĩa tiêu cực làm giảm nhiều năng lượng và kéo bạn trở nên trì trệ hơn, thậm chí phá hủy khả năng tư duy sáng tạo. Những câu nói tích cực giúp bạn tìm ra mục tiêu thực sự cho vấn đề và mang lại nhiều động lực cho bạn.
Chẳng hạn, thay vì tìm cách để “bỏ thuốc lá”, bạn có thể nhận thấy rằng “tăng năng lượng”, “sống lâu hơn”… cũng có thể là những mục tiêu ý nghĩa và xứng đáng.
Bạn cũng có thể đặt vấn đề dưới hình thức một câu hỏi. Bộ não thích những câu hỏi. Nếu câu hỏi có sức mạnh và kích thích, não sẽ tìm mọi thứ để tìm ra câu trả lời.
5. Tạo nên tính kích thích
Bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ tích cực, câu diễn đạt vấn đề cũng cần thực sự mang lại hứng thú. Chúng sẽ làm bạn kích hoạt những suy nghĩ sáng tạo để giải quyết vấn đề.
6. Đảo ngược vấn đề
Một cách khác bạn có thể áp dụng khi rơi vào bế tắc là đảo ngược nó. Nếu bạn muốn chiến thắng, hãy hình dung bạn sẽ ra sao nếu bị thất bại.Nếu bạn đang tìm cách để tăng doanh thu, thử tìm những cách giảm doanh thu. Sau đó, bạn đảo lại câu trả lời.
Cách này có vẻ phức tạp và không trực quan như tình trạng ban đầu nhưng đảo ngược vấn đề có thể giúp bạn tìm thấy những giải pháp rõ ràng hơn.
7. Thu thập đầy đủ thông tin
Tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh và những chi tiết của vấn đề. Đặc biệt nếu bạn có một vấn đề quá mơ hồ, tìm hiểu thông tin sẽ hiệu quả hơn là cố gắng giải quyết ngay lập tức.
Chẳng hạn, vấn đề của bạn là vợ phàn nàn “Anh chẳng bao giờ lắng nghe em”, giải pháp có vẻ không rõ ràng lắm. Tuy nhiên, nếu vợ than phiền “Anh không thèm nhìn em khi nói chuyện mà chỉ để tâm đến chuyện khác” thì bạn sẽ dễ dàng biết mình cần thay đổi điều gì ngay.
Thay đổi cái nhìn, chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ khác đi. Bạn sẽ giải quyết vấn đề của mình như thế nào?
Xem thêm bài viết Học Người Nhật Kỹ Năng Giải Quyết Vấn Đề